Kể chuyện lịch sử từ trong lòng đất (kỳ 1): Chiếc kiếm ngắn Đông Sơn mang 'dư ảnh' Bà Trưng, Bà Triệu

17/08/2020 19:14 GMT+7 | Văn hoá

(LTS): Tiến sĩ Nguyễn Việt, Giám đốc Trung tâm Tiền sử Đông Nam Á, như một nghệ sĩ lãng du giữa đời, nhưng không phải để mơ mộng, mà để thực hiện những cuộc hành trình vượt thời gian (nói theo ngôn ngữ mới “xuyên không”) về với lịch sử, và xa hơn, về với cả thời còn tiền sử.

Anh từng đi tìm để phục dựng “gương mặt của tổ tiên” - người Đông Sơn - từ hàng ngàn năm trước; từng đi tìm dấu vết lối mòn cổ đầu tiên của người nguyên thủy ở xóm Trại (Hòa Bình), rồi anh tổ chức nấu bánh chưng theo cách của Lang Liêu, đi tìm dấu vết của bãi cọc Bạch Đằng cùng lai lịch của bộ xương người cổ trong bãi cọc đó…

Kết quả của những chuyến “xuyên không” bằng con mắt khoa học đó là những công trình nghiên cứu, những bài viết sắc sảo, đôi khi cũng làm nổ ra tranh cãi, nhưng không thể phủ nhận được là chúng đã làm cho quá khứ, lịch sử sống dậy, thôi thúc mỗi người tìm về với cội nguồn.

Những câu chuyện quá khứ, lịch sử từ trong lòng đất, lòng biển được anh kể lại một cách minh triết và đầy sức lôi cuốn. “Đêm đêm rì rầm trong tiếng đất/ Những buổi ngày xưa vọng nói về” - xin giới thiệu những câu chuyện kể ấy của TS Nguyễn Việt cùng một số đồng nghiệp với bạn đọc.

(Thethaovanhoa.vn) - Được sưu tầm dưới chân núi Nưa (xã Tân Ninh, Triệu Sơn, Thanh Hóa) vào năm 1961, thanh kiếm ngắn núi Nưa (Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa) là một hiện vật quý giá, đã được công nhận là bảo vật quốc gia. Nhiều giả thuyết cho rằng, hình tượng người phụ nữ trên thanh kiếm ngắn núi Nưa chính là nguyên mẫu từ Bà Triệu (Triệu Thị Trinh). Đây là một giả thuyết hết sức thú vị.

90 năm phát hiện và nghiên cứu văn hóa Đông Sơn

90 năm phát hiện và nghiên cứu văn hóa Đông Sơn

90 năm phát hiện và nghiên cứu văn hóa Đông Sơn

Từ lâu tôi đã chú ý đến những tượng nữ trên cán dao găm Đông Sơn. Việc phân biệt tượng nam hay nữ trên cán dao găm Đông Sơn đã từng được nhiều nhà nghiên cứu quan tâm thảo luận, nay nhờ tư liệu phong phú, có thể xác định chúng khá đơn giản và rõ ràng.

Tượng nam và tượng nữ trên cán dao găm Đông Sơn

Trước hết có thể nhận thấy 2 loại hình tiêu biểu nhất trong số những tượng phát hiện trong khung cảnh (context hay tầng khai quật) khảo cổ hoặc của những sưu tập sớm có độ tin cậy cao: Những tượng nữ khai quật ở Làng Vạc (Nghệ An), Núi Nưa (Thanh Hóa) và tượng nam ở Núi Đèo (Thủy Nguyên), Quả Cảm (Bắc Ninh), Đông Sơn (Thanh Hóa), những tượng trong sưu tập d’Argence hiện trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử và 2 tượng trên cán dao Đông Sơn khai quật được ở Nam Trung Quốc.

Sự khác biệt của 2 nhóm tượng này thể hiện khá rõ và mang tính địa phương. Những tượng Làng Vạc và núi Nưa thể hiện lối trang phục kín khắp người (áo váy) với thắt lưng dày trên phần eo luôn buông dài tận chân có tua núm và các vòng hạt chuỗi đeo nhiều tầng ở cổ. Các nhà nghiên cứu đều dễ thống nhất đó là đặc trưng tượng nữ, cho dù kiểu đầu tóc ở các tượng có ít nhiều thay đổi.

Ở nhóm tượng còn lại, đặc trưng nổi bật nhất là ở trần (hở 2 núm vú dẹt) và đóng khố ngắn có tua. Các khố này được trang trí hoa văn và tạo thành 2 bản dẹt hình thang phía trước và sau bộ phận sinh dục. Đây là bằng chứng thuyết phục của tượng nam.

Từ những tiêu chuẩn này chúng ta có thể nhận ra thêm những đặc điểm trang sức của nam và nữ thời Đông Sơn: Ví dụ, nữ đeo nhiều vòng chuỗi, khuyên tai, vòng cổ tay lớn và đơn giản trong khi tượng nam đeo khuyên tai gối quạ (Quả Cảm, Hồ Nam...), vòng đeo ở cánh tay...

Cũng với những đặc trưng nhận biết này ta có thể nhận ra những tượng "lạ" được làm không phải theo phong cách Đông Sơn.

Chú thích ảnh
Bảo vật kiếm ngắn núi Nưa hiện được lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa. Ảnh: Lê Hoàng. Nguồn Vnexpress

Dấu ấn của mẫu hệ, phụ hệ

2 nhóm tượng trên thực chất là 2 khối tư duy tôn vinh nam, nữ có chủ đích. Kiểu thể hiện khá ổn định với 2 cánh tay cong khuỳnh chống nạnh đối xứng tạo độ cầm đầy tay cho một cán dao găm. Đa phần tượng nữ phát hiện được ở vùng sông Mã, sông Cả là nơi chế độ mẫu hệ còn bảo lưu rất lâu về sau này. Chúng ta đều biết, sự lan tỏa của chế độ phụ hệ trong lịch sử Việt Nam có chiều hướng từ phía Bắc xuống phía Nam.

Việc phổ biến cán dao găm tượng nữ ở vùng Nghệ An, Thanh Hóa chứng tỏ chế độ mẫu hệ trong khoảng trước thế kỷ 3 sau Công nguyên còn rất phổ biến tại đây. Ngược lại, vùng phân bố của các tượng nam tập trung ở phía Bắc, tức lưu vực sông Hồng (Sơn Tây, Bắc Ninh, Hải Phòng, Quảng Ninh...) phản ánh hiện tượng chế độ phụ hệ có thể đã xác lập phổ biến. Vùng sông Mã được coi như vùng đan xen với sự tồn tại cả 2 loại hình với ưu thế trội thuộc về các tượng nữ.

Gần đây có một số thông tin phát hiện tượng nam ở vùng Làng Vạc. Điều này, nếu đúng, cũng không lấn át được tính ngự trị của các tượng nữ ở vùng này.

Chú thích ảnh
Tượng cặp đôi nữ công kênh nhau được tạo tác trên cán dao găm

Thú vị những tượng đôi

Trong khai quật khảo cổ học chính thức, chúng ta chưa từng phát hiện được những tượng đôi (hình 2 người) trên cán dao găm. Tuy nhiên, trong một số trưng bày và công bố gần đây ở trong và ngoài nước, xuất hiện một số tượng đôi thể hiện trên cán dao găm Đông Sơn.

Một tượng cán dao găm được giới thiệu trong cuốn Art Ancien Du Vietnam - Bronzes Et Ceramiques do Monica Crick biên tập, xuất bản đầu năm 2008 ở Geneva (Thụy Sĩ). Theo tác giả, hiện vật này thuộc sưu tập của Phạm Lan Hương.

Đó cũng là một cặp đôi nữ công kênh nhau trên vai. Dao găm có kiểu chuôi và lưỡi lá tre theo phong cách sông Mã. Trên bản lưỡi có khung trang trí thu theo khuôn hình lá lưỡi. Kiểu trang trí trên toàn thân với búi thắt lưng thả dài khiến chúng được xếp vào nhóm tượng nữ, mặc dầu người phía dưới to lớn hơn dường như được khắc những nét vạch ở cằm thể hiện vành râu cằm? Nhưng theo tôi, người bên dưới cũng là nữ giới.

Đáng nói nhất ở đây cụm tượng người, thú mang đậm phong cách Làng Vạc với sự thể hiện tập trung cặp tượng nữ sinh đôi ngồi song song trên lưng voi được đỡ bởi 2 con thú lạ khác.

Cụm tượng này được tạo thành cán cầm của một lưỡi kiếm ngắn thanh mảnh như một quyền trượng hơn là một vũ khí thực thụ. Báu vật này hiện đang trưng bày tại Galerie HIOCO, Paris.

Cán kiếm là một tác phẩm nghệ thuật phức hợp chứa đựng nhiều tư duy của nghệ sĩ. Tư duy này phác thảo trên nền một phong cách nổi tiếng của nghệ thuật trang trí cán dao đồng Làng Vạc: Đôi hổ đỡ voi mang bành.

Cuộc khai quật tại Làng Vạc của Viện Khảo cổ học trong những năm chiến tranh (1972-1973) đã phát hiện “in situ” con dao găm đầu tiên như vậy. Bảo tàng Barbier - Mueller cũng sở hữu một chiếc tương tự.

Ở các cán dao hổ đỡ voi Làng Vạc khác, phần bành voi thể hiện một bành ngồi có chân đỡ trông như một ngôi nhà sàn mái cong của Indonesia. Trên thanh kiếm tôi đang nói tới, thay vào vị trí bành voi là tượng 2 nữ quý tộc ngồi xổm ở tư thế 2 tay ôm gối chắp trước ngực. Đầu gối hở ra và đôi chân để trần lộ ngón. 2 tượng giống nhau như 2 chị em sinh đôi. Tượng thể hiện theo phong cách núi Nưa (Thanh Hóa) với kiểu tóc hất bồng cao có thắt eo ở giữa. Mặt hình trám bầu, cằm nhọn. Mắt kiểu vành tròn đồng tâm có lông mày chấm rải, mũi vuốt nhô. Trên phần cổ và ngực có những vòng chuỗi nhiều tầng. Phía sau lưng gáy là một hốc lõm hình thang có 2 vòng bán khuyên, vừa như thể hiện búi tóc, vừa dùng làm chỗ có thể đeo nhạc chuông.

Hiện vật này đã được nghiên cứu trong các phòng thí nghiệm của công ty giám định cổ vật Ciram (Paris). Tôi may mắn có được 2 ngày cuối tháng 6/2008 nghiên cứu trực tiếp hiện vật và hiện có trong tay toàn bộ kết quả nghiên cứu thành phần hoá học, X-ray của báu vật này.

Chú thích ảnh
Cặp tượng nữ sinh đôi ngồi song song trên lưng voi

Tính biểu trưng và sự liên hệ tới Bà Trưng, Bà Triệu

Từ lâu, tôi đã theo đuổi một ý nghĩ về tính biểu trưng (symbolism) hay tính tả thực (realism) của các nhân vật trên cán dao găm.

Phân tích 30 cán dao găm hình người, thú Đông Sơn mà tôi hiện có tiêu bản studio, có thể nhận thấy, các nghệ nhân Đông Sơn đã có những ràng buộc mang tính quy chuẩn kỹ thuật, nghệ thuật khi chế tạo tượng cán dao găm: Dáng đứng, kiểu đầu tóc, váy, khố, vòng trang sức, cách thể hiện hoa văn ... và ở giai đoạn đầu, cán dao găm Đông Sơn mang tính “biểu trưng” quyền lực chung của thủ lĩnh nhiều hơn. Tượng người được tạo ra mang tính đại diện chứ không nhằm mô tả một nhân vật cụ thể.

Tuy nhiên, vào khoảng cuối Đông Sơn (thế kỷ 1 TCN - thế kỷ 3 SCN) xuất hiện những pho tượng chứa đựng "cá tính" - mang rìu chiến, dao găm, đầu lâu người. Phần chắn lưỡi cũng được trang trí thêm bởi những móc câu xoắn tròn và đặc biệt xuất hiện tượng quý tộc nữ được công kênh và tượng 2 chị em sinh đôi.

Chúng đều tôn vinh những quý tộc nữ khiến tôi liên tưởng đến sự thực lịch sử gắn liền với những nhân vật nữ anh hùng cụ thể xuất hiện trong khoảng cuối văn hóa Đông Sơn: 2 chị em Trưng Trắc, Trưng Nhị đầu Công nguyên (thời kỳ người Việt chưa mang họ như ngày nay) và sau đó là Bà Triệu (thế kỷ 2-3) khi người Việt quý tộc bắt đầu có họ.

Truyền thuyết đều gắn họ với voi chiến (ngựa chiến vào Việt Nam rất muộn và không thuộc truyền thống quân sự Việt). Và hình ảnh 2 chị em quý tộc sinh đôi ngồi trên lưng voi 2 đầu của chiếc kiếm nói trên hoàn toàn có thể gắn với tính tả thực về hiện tượng khởi nghĩa Hai Bà Trưng gây chấn động cả khu vực Đông Á đương thời.

Những tượng nữ mang phong cách núi Nưa đứng đơn cũng là sự tôn vinh những nữ thủ lĩnh anh hùng như vậy. Đặc biệt tượng nữ trên kiếm ngắn mang rìu chiến hiện trưng bày ở Galerie HIOCO (Paris) là một minh họa rất sinh động cho giả thuyết này.

(Xem kỳ 2 trên số thứ Hai tuần sau 24/8)

TS Nguyễn Việt

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm