Huyền thoại Sting và 'cây cầu' đi qua đại dịch

05/10/2021 18:24 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Siêu sao nhạc pop/rock Sting đã làm nên tên tuổi của mình ở cương vị thủ lĩnh của ban nhạc rock Anh huyền thoại The Police lẫn nghệ sĩ solo. Khi bước sang tuổi 70, ông giới thiệu đến người hâm mộ album mới - The Bridge.

Ca khúc 'Shape Of My Heart': 'Hoa hồng đen' của Sting

Ca khúc 'Shape Of My Heart': 'Hoa hồng đen' của Sting

Thật khó để hình dung làm thế nào những bước đi xuyên cánh rừng trong lành lại dẫn Sting đến được với ý tưởng về thứ quy luật u ám sặc mùi khói thuốc của những canh bạc. Nhạc sĩ Dominic Miller thì nửa đùa nửa thật, “chắc anh ta tìm thấy chúng dưới những viên đá”.

Có thể hiểu tại sao Sting đặt tên cho album phòng thu thứ 15 của mình là The Bridge. Huyền thoại âm nhạc giải thích: “Chúng ta cần một cây cầu dẫn bạn thoát khỏi những khủng hoảng chính trị, xã hội và tình cảm của thế giới này. Tất cả chúng ta đều mắc kẹt ở đâu đó”.

Sting đã viết và thu âm các bài hát cho album trong đại dịch Covid-19 và dự kiến phát hành vào ngày 19/11. Đĩa đơn đầu tiên của album mới - If It's Love - đã được tung ra thị trường vào hôm 1/9. Và 2 tuần trước sinh nhật lần thứ 70 của mình (2/10), cuối cùng Sting đã có thể biểu diễn trực tiếp lần đầu tiên sau 2 năm vắng bóng vì đại dịch. Ông đứng trên sân khấu tại Lễ hội Reeperbahn 2021 ở Hamburg (Đức) và tuyên bố: “Tôi cảm thấy rất vinh dự khi được trở lại”.

Chú thích ảnh
Huyền thoại âm nhạc Anh Sting

Từ cậu bé giao sữa sống gần xưởng đóng tàu…

Sting tên thật là Gordon Matthew Thomas Sumner. Ông sinh ra ở Wallsend, North Tyneside vào tháng 10/1951, là con cả trong gia đình thuộc tầng lớp lao động của Anh. Summer thường giúp cha giao sữa và lúc 10 tuổi bị “ám ảnh” với cây đàn guitar cũ do một người bạn của cha mình để lại.

Từ năm 10 tuổi, cậu bé Summer đã học chơi và trở nên say mê với âm nhạc đại chúng. Trong thời gian học đàn, Summer thường đến hộp đêm và xem các màn diễn âm nhạc, đặc biệt khi Newcastle là điểm dừng chân trong các chuyến lưu diễn quốc gia của hầu hết các nghệ sĩ.

Chú thích ảnh

Summer lớn lên gần các xưởng đóng tàu của Wallsend, điều này đã tạo nên nhiều ấn tượng với ông. Khi còn nhỏ, Sting đã ấn tượng với việc Hoàng thái hậu Elizabeth vẫy tay chào từ chiếc ô tô Rolls-Royce. Hình ảnh này đã truyền cảm hứng để ông nuôi giấc mơ thoát khỏi khu nhà máy đóng tàu và chuyển sang lối sống hào nhoáng hơn.

“Tôi luôn muốn thoát ra ngoài” - Sting nói với tạp chí Q hồi năm 1987 - “Tôi luôn nghĩ rằng môi trường mình đang sống bị giới hạn. Hằng năm người ta đóng tàu. Tất cả chúng tôi đến khu hạ thủy, nhìn những con tàu đi ra thế giới và không bao giờ quay trở lại cảng nữa. Đối với tôi, nó trở thành biểu tượng của sự trốn chạy”.

Sau khi rời ghế nhà trường vào năm 1969, Summer đăng ký học tại Đại học Warwick ở Coventry, nhưng bỏ dở sau một kỳ học. Sau khi làm nhân viên soát vé xe buýt, công nhân xây dựng và nhân viên thuế, ông theo học tại Trường Đại học Northumbria từ năm 1971 đến năm 1974 và đủ tiêu chuẩn trở thành một giáo viên.

Chú thích ảnh

... tới thủ lĩnh của “The Police”

Sting có vài năm làm giáo viên tại Trường Tiểu học St Paul ở Cramlington, phía Bắc Newcastle, đồng thời làm nhạc công nhạc jazz trong nhóm Last Exit. Khi chơi trong Phoenix Jazzman, thành viên Gordon Solomon đã đặt tên cho ông là Sting (ong đốt), bởi ông mặc một chiếc áo len sọc khiến giống như một con ong. Kể từ đó, ông chỉ sử dụng tên thật của mình cho các giấy tờ chính thức.

Trong bộ phim tài liệu Bring On The Night (1985), một nhà báo gọi ông là Gordon nhưng ông trả lời: “Các con tôi gọi tôi là Sting, mẹ tôi gọi tôi là Sting, nhân vật Gordon này là ai?”. Năm 2011, ông nói với Time: “Tôi chưa bao giờ được gọi là Gordon. Bạn có thể hét lên “Gordon” trên đường phố và tôi sẽ tránh xa bạn”.

Chú thích ảnh
Sting (trái) trình diễn cùng The Police hồi năm 1979

Chuyển đến London năm 1977, Sting tham gia cùng Stewart Copeland và Henry Padovani trong ban nhạc mới The Police. Nhưng sau đó, nghệ sĩ guitar Andy Summers thay thế Padovani. Ban nhạc nổi lên khá nhanh và trở thành một đại diện của giai đoạn Làn sóng Mới với các bản hit như Message In A BottleSo Lonely. Sau khi giành quán quân đầu tiên trên bảng xếp hạng tại Vương quốc Anh với ca khúc Message In A Bottle, ban nhạc đã trở thành 1 trong những hiện tượng lớn nhất trong làng nhạc pop trong hơn 1 thập kỷ, bán được hàng triệu album, thu về 6 giải Grammy.

Có điều, trong ban nhạc luôn có sự căng thẳng ngay từ đầu giữa tay trống Stewart Copeland, tay guitar Andy Summers và Sting. Năm 1986, ở đỉnh cao thành công, The Police đã tuyên bố tạm ngừng sáng tạo. Họ chỉ chơi lẻ tẻ cùng nhau, cho đến khi ban nhạc chính thức tan rã vào năm 2008.

Chú thích ảnh
Sting trình diễn ở Hamburg 2 tuần trước khi tròn 70 tuổi

Sự nghiệp solo thành công

Sting bắt đầu sự nghiệp solo của mình vào năm 1985 với album The Dream Of The Blue Turtles. Album này đánh dấu sự khởi đầu của một thành công lâu dài. Là một nghệ sĩ solo, Sting biết cách gây bất ngờ hết lần này đến lần khác. Mong muốn được thử nghiệm và sẵn sàng vượt lên mọi giới hạn đã khiến Sting trở thành 1 trong những nghệ sĩ nổi tiếng nhất của âm nhạc đại chúng với tư cách là một diễn viên, tác giả, nghệ sĩ và nhạc sĩ.

Sting đã xây dựng sự nghiệp solo với phong cách âm nhạc rất đa dạng, kết hợp từ jazz, reggae, new age, synth pop đến các khúc ballad tình yêu, từ world music, baroque cho đến các bài hát rock và cả những ảnh hưởng của nhạc cổ điển. Ông không ngừng tự học về âm nhạc, cộng tác với các nhạc sĩ nhạc jazz, rapper và các chuyên gia âm nhạc thời kỳ đầu.

Cùng với The Police, Sting là 1 trong những nghệ sĩ ăn khách nhất trong làng nhạc. Ông đã tiêu thụ được hơn 100 triệu đĩa cả ở vai trò solo. Và cùng The Police. Sting đã giành được 16 giải Grammy và được đề cử 45 lần. Ông giành giải Grammy đầu tiên với The Police cho Màn trình diễn nhạc cụ Rock hay nhất năm 1981, 3 giải Brit, trong đó có giải Nam ca sĩ người Anh xuất sắc nhất năm 1994, giải Quả cầu vàng, giải Emmy và một số đề cử Oscar cho Bài hát độc đáo xuất sắc nhất.

Chú thích ảnh
Sting diễn xuất trong phim "Dune" (1984) của đạo diễn David Lynch

Cũng không thể bỏ qua một loạt thành tích khác của Sting: Được gắn sao trên Đại lộ Danh vọng Hollywood (năm 2000), nhận giải Ivor Novello Thành tựu trọn đời (2002), được ghi tên vào Sảnh Danh tiếng Rock & Roll (2003), được Nữ hoàng Elizabeth II trao Huân chương Đế chế Anh tại Cung điện Buckingham (2003), được trao giải Âm nhạc Polar (năm 2017)...

Trong suốt sự nghiệp của mình, Sting cũng đóng vai chính trong nhiều bộ phim điện ảnh (bao gồm Dune của David Lynch) và phim truyền hình dài tập. Ông cũng nổi tiếng với các hoạt động xã hội. Năm 1987, ông thành lập Quỹ Rừng nhiệt đới để thu hút sự chú ý về sự tàn phá của các khu rừng nhiệt đới. Trong cuộc đời mình, ông chu du khắp thế giới với đại diện của người Yanomami Nam Mỹ và quyên tiền để bảo tồn môi trường sống của họ.

"If It's Love" - đĩa đơn đầu tiên trong album thứ 15 "The Bridge" của Sting:

Sting có người hâm mộ trên toàn thế giới và bây giờ người đàn ông ở tuổi thất thập này vẫn được coi là một biểu tượng âm nhạc đầy gợi cảm. Sting giữ được cơ thể khỏe mạnh và gọn gàng nhờ kiên trì tập yoga.

Việt Lâm (tổng hợp)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm