Hướng đi mới của các không gian sáng tạo tại Hà Nội

03/07/2020 14:55 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Cả nước có gần 200 không gian sáng tạo thì Hà Nội có tới 115 không gian, cho thấy thành phố là nơi khơi nguồn, nuôi dưỡng những đam mê sáng tạo.

Cần 'giải cứu' không gian sáng tạo nghệ thuật

Cần 'giải cứu' không gian sáng tạo nghệ thuật

Lao đao, khó khăn chồng chất khó khăn, thực tế khắc nghiệt này đã và đang bộc lộ rõ nét với hoạt động của các không gian sáng tạo nghệ thuật. Chỉ mới đây thôi, trước khi dịch bệnh Covid-19 ập đến, chúng ta vẫn còn cảm nhận được sức sống đầy khí thế của các không gian này…

Trong điều kiện các không gian sáng tạo tại Hà Nội hình thành và hoạt động chủ yếu bắt nguồn từ niềm say mê của những người yêu văn hóa, nghệ thuật thì việc phát triển các không gian này đang rất cần sự giúp sức của các cơ quan chức năng. Vượt qua những khó khăn, các không gian sáng tạo đang tìm ra những hướng đi mới để giúp công chúng được tiếp cận với các loại hình văn hóa, nghệ thuật ở nhiều góc độ khác nhau.

Những sáng tạo mới

Với nỗ lực tạo dựng cho các bạn nhỏ một khoảng thời gian nghỉ ngơi và được chơi đùa đúng nghĩa, mới đây, Quỹ hỗ trợ phát triển thanh niên đã kết hợp cùng Think Playgrounds – Doanh nghiệp xã hội nghĩ về Sân chơi trong phố và Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long – Hà Nội đã tổ chức sự kiện Vương quốc tái chế tại Khu di sản Hoàng thành Thăng Long. Bằng việc mang đến sân chơi những vật liệu tái chế thú vị như lốp xe, thùng các-tông, rơm rạ, mẩu gỗ…, sân chơi đã trở thành một không gian thú vị dành cho các bạn nhỏ tự do sáng tạo và tưởng tượng ra “Vương quốc chơi” của riêng mình. Không chỉ vậy, chơi các đồ chơi tái chế còn được coi là hành động lan tỏa thông điệp bảo vệ môi trường và khuyến khích sự gắn kết của cộng đồng khi trẻ em có cơ hội cùng nhau tìm hiểu, khám phá các công năng mới của đồ vật đã bị bỏ đi.

Triển lãm sắp đặt Ống thở diễn ra tại tòa nhà VUUV, đường Bà Triệu, quận Hai Bà Trưng mang đến cho công chúng góc nhìn về không gian những ngôi nhà ống tại Hà Nội với mặt tiền hẹp và chiều dài sâu hun hút, thông qua việc bài trí, sắp đặt của nghệ thuật đương đại. Với sự góp mặt của 16 nghệ sĩ tên tuổi như: Nguyễn Trần Ưu Đàm, Nguyễn Thế Sơn, Trần Hậu Yên Thế, Nguyễn Thị Hoài Giang, Vũ Xuân Đông, Trịnh Minh Tiến…, các tác phẩm được thực hiện với nhiều chất liệu và hình thức: sắp đặt khắc kính; sắp đặt tấm cắt tôn với đèn led; ký họa trên bản vẽ kỹ thuật tòa nhà; sắp đặt với máy lọc nước tự chế, khay inox, hợp đồng, bản vẽ nháp…

Triển lãm là cuộc đối thoại trong không gian những ngôi nhà ống, gợi lên suy tư về cách con người luôn phải tìm cách xoay sở, ứng biến để thích nghi với môi trường và hoàn cảnh sống dù trong bất kỳ điều kiện nào. Tham gia triển lãm với tác phẩm Nhà tối sắp đặt tấm cắt tôn với đèn led, nghệ sĩ Lê Đăng Ninh cho rằng, tác phẩm như một sự nhắc nhở về những mảng tối của phát triển đô thị, nơi vẫn rất cần đến ánh sáng và sự ấm áp của tình người.

Chú thích ảnh
 Các hoạt động vui chơi, văn hóa nghệ thuật trên phố đi bộ hồ Hoàn Kiếm nhộn nhịp trở lại. Ảnh: Thành Đạt

Nhiều người thường biết tới Hợp tác xã Vụn Art, phường Vạn Phúc, quận Hà Đông là nơi sáng tạo nghệ thuật của những người khuyết tật thông qua việc tận dụng những mảnh vải vụn làm nên những bức tranh tinh tế theo mẫu tranh dân gian. Giám đốc Hợp tác xã Vụn Art Lê Việt Cường hồ hởi cho biết, Hợp tác xã đã sáng tạo thêm các sản phẩm mới phục vụ nhu cầu của mọi người như túi vải và áo phông trang trí họa tiết bằng những mảnh vải vụn, với ưu điểm là độ bền cao, nhìn sinh động. Hợp tác xã cũng đang có ý tưởng phát triển thêm sản phẩm áo dài với họa tiết làm từ những mảnh vải vụn, hy vọng tiếp tục có chỗ đứng trên thị trường. Thực tế, đây là những sản phẩm mới lạ, lại được tạo nên từ những bàn tay khéo léo của người khuyết tật nên nhiều khách hàng rất ưa chuộng. Thậm chí sản phẩm tranh ghép từ vài vụn còn được xuất sang Nhật Bản.

Bên cạnh đó, nhiều không gian sáng tạo như: Hanoi Rock City, phố Tô Ngọc Vân, quận Tây Hồ; 60s Thổ Quan, quận Đống Đa; Trung tâm Âm nhạc và Nghệ thuật thể nghiệm Đom Đóm, phố Tràng Tiền, quận Hoàn Kiếm; Ơ kìa Hà Nội, phố Hoàng Hoa Thám, quận Ba Đình… cũng đang có những hướng đi mới để phục vụ công chúng. Tại những nơi đó, các nghệ sĩ đã thể hiện khả năng sáng tạo và tạo thêm cơ hội tiếp cận, trải nghiệm văn hóa, nghệ thuật cho công chúng. Nhiều ý tưởng và các loại hình nghệ hoạt động như mỹ thuật, tạo hình, thời trang, kiến trúc, phim ảnh… diễn ra sôi nổi. Công chúng có thể tìm hiểu các loại hình nghệ thuật và giao lưu, tương tác với nhiều nghệ sĩ, nhà nghiên cứu, kiến trúc sư.

Cần sự mở lối

Hà Nội đã trở thành thành viên Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO, với trọng tâm đặt sự sáng tạo vào trung tâm của sự phát triển bền vững. Vì vậy, việc thúc đẩy các không gian sáng tạo ra đời và hoạt động hiệu quả càng trở nên cần thiết. Trên thực tế, các không gian sáng tạo hoạt động đến nay đều bằng chính nỗ lực của những người sáng tạo, vận hành nó.

Có thể nhận thấy, các không gian sáng tạo ở Hà Nội chủ yếu vẫn là những mô hình tự phát, thiếu sự định hướng, hỗ trợ. Nhiều không gian sáng tạo ra đời nhằm mục đích phục vụ cộng đồng nhưng lại bị coi là doanh nghiệp đơn thuần nên đã hạn chế hoạt động sáng tạo. Một số không gian sáng tạo lại thiếu mặt bằng, hoạt động trong không gian nhỏ hẹp nên chưa phát huy tốt. Trong khi đó, các cơ quan chức năng của thành phố dù rất cố gắng nhưng đến thời điểm này vẫn chưa có cơ chế hỗ trợ cho các không gian sáng tạo phát triển.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Hoài Sơn, Viện trưởng Viện nghiên cứu Văn hóa - Nghệ thuật cho rằng, các cơ quan chức năng cần sớm có chính sách hỗ trợ về thuê địa điểm, miễn giảm thuế, ưu đãi vay vốn... để các không gian sáng tạo phát triển, hoạt động tốt. Thực tế cho thấy, không gian sáng tạo là lĩnh vực sôi động nhất trong các lĩnh vực văn hóa, vì là sân chơi gần gũi với người dân, nếu để lụi dần sẽ rất đáng tiếc.

Trong khi chờ thành phố chưa có những cơ chế cụ thể thúc đẩy các không gian sáng tạo hoạt động thì một số đơn vị đang sẵn sàng tạo điều kiện để các tổ chức, cá nhân quản lý không gian sáng tạo có thể tổ chức các hoạt động. Bà Trần Thúy Lan - Phó Trưởng Ban quản lý phố cổ Hà Nội cho biết, Ban quản lý phố cổ Hà Nội đang quản lý không gian văn hoá Phố bích họa Phùng Hưng, các di sản trong phố cổ Hà Nội. Ban mong muốn hợp tác với các không gian sáng tạo để đa dạng hóa các hoạt động tại đây, phục vụ người dân và du khách. Với các không gian sáng tạo đang khó khăn về mặt bằng thì đây là điều kiện tốt để tổ chức các hoạt động.

Khi Hà Nội đã trở thành thành viên của Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO, việc hiện thực hóa các sáng kiến, chương trình bằng cách đẩy mạnh vai trò của văn hóa và sáng tạo trong phát triển bền vững, đang được thành phố tiến hành. Trong năm 2021-2022, Hà Nội tập trung thực hiện chủ trương mở lối, các không gian sáng tạo sẽ có thêm môi trường để hoạt động, để đạt được mục tiêu và ý nghĩa như chính bản thân nó hướng tới.

Đinh Thuận

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm