Họa sĩ nổi tiếng Hàn Quốc chia sẻ với nạn nhân chất độc da cam Việt Nam

27/10/2018 19:30 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Tối 26/10, tại Khách sạn Deawoo (Hà Nội), triển lãm tranh Mã đáo của họa sĩ đương đại nổi tiếng Hàn Quốc Lee Sung Kun đã chính thức khai mạc. Đây là lần đầu tiên họa sĩ Lee Sung Kun tổ chức triển lãm tranh tại Việt Nam, sau khi đã tổ chức thành công rất nhiều triển lãm tranh trên thế giới tại Mỹ, Pháp, Đức, Áo và quê nhà Hàn Quốc.    

Hầu hết gần 50 tác phẩm lần này được giới thiệu đến công chúng Việt Nam và người Hàn Quốc đang sinh sống tại Việt Nam, đều mới được họa sĩ Lee Sung Kun sáng tác trong thời gian gần đây. Ấn tượng nhất là các bức tranh vẽ ngựa, với các tên gọi hết sức ngắn gọn và giàu sức gợi: “Dõi theo”, “Tung vó”, “Hoan hỉ”; “Phi nước đại”… Lee Sung Kun từng sáng tác các đề tài hiện đại trên chất liệu phương Tây, nhưng rồi lại quay trở về trung thành với màu nước và loại giấy Hanji cổ truyền của Hàn Quốc. 

Chú thích ảnh
Mã đáo tiêu biểu trong triển lãm

Chia sẻ tại buổi khai mạc, họa sĩ 75 tuổi xúc động nói: “Khi đến Việt Nam, trong đầu tôi xuất hiện ngay 1 từ đó là “sự hài hoà”. Sự hài hoà này không chỉ ở trong âm nhạc, trong hội hoạ, mà còn là sự hài hoà giữa những con người với nhau. Tôi mong rằng triển lãm này sẽ góp phần tạo nên sự hài hòa trong suy nghĩ, trong tâm tư, tình cảm, trong trái tim của cả người Việt Nam và Hàn Quốc. Tôi mong khán giả khi xem tranh cũng sẽ có suy nghĩ đồng điệu với tôi”

Chú thích ảnh
Họa sĩ Lee Sung Kun giới thiệu tác phẩm của mình cho người xem

Lý giải lý do chọn chủ đề chính là Mã đáo, danh họa Lee Sung Kun cho biết: “Con ngựa tượng trưng cho sự tự do, tốc độ, sức mạnh, sự bền bỉ và lòng quả cảm. Đất nước Việt Nam đang trên đà phát triển giống như hình ảnh dũng mãnh của con ngựa khi cất vó. Đây là biểu tượng của tinh thần và ý chí Việt Nam luôn tiến lên phía trước để hướng đến tương lai”

Đặc biệt, tại lễ khai mạc triển lãm tranh “Mã đáo”, hoạ sĩ Lee Sung Kun, đại diện nhà tài trợ SM và Hội Cựu chiến binh Hàn Quốc đã trao tặng món quà trị giá 3.000 USD cho Quỹ nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh Thái Bình, nhằm chia sẻ một phần khó khăn, mất mát với các số phận kém may mắn, giúp họ vươn lên trong cuộc sống.  

Chú thích ảnh
Quỹ nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh Thái Bình nhận món quà ý nghĩa từ nhà tài trợ

Hoạ sĩ Lee Sung Kun sinh ngày 3/4/1943 tại Seoul, Hàn Quốc. Trong sự nghiệp ông đã dành được nhiều giải thưởng quan trọng, như: Giải thưởng mỹ thuật Lee-dang (1999). Ông hiện là Chủ tịch Hội đồng giám khảo Triển lãm Mỹ thuật Hàn Quốc; Giáo sư thỉnh giảng tại Đại học Konkuk

Các tác phẩm mang đậm dấu ấn văn hóa truyền thống của ông hiện đang được treo tại nhiều địa điểm quan trọng, như: Dinh thự Tổng thống Hàn Quốc, Văn phòng Tổng thư ký Liên Hợp Quốc, Cung điện Hoàng gia Anh, Trụ sở Bộ Quốc phòng Mỹ (Lầu Năm góc)…

Triển lãm tranh cắt giấy của nhà văn Andersen: Hấp dẫn không kém… truyện cổ tích

Triển lãm tranh cắt giấy của nhà văn Andersen: Hấp dẫn không kém… truyện cổ tích

Nổi tiếng với những câu chuyện cổ tích như "Nàng tiên cá" (The Little Mermaid) và "Chú vịt con xấu xí" (The Ugly Duckling), nhà văn Đan Mạch Hans Christian Andersen còn có tài làm tranh cắt giấy và đã cho ra đời hàng trăm tác phẩm cắt giấy.

Viết Hùng

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm