'Họa sĩ nhí' Nguyễn Đới Chung Anh: Từ Khát vọng Dế Mèn đến họa sĩ chuyên nghiệp

26/05/2021 19:01 GMT+7 | Văn hoá

Chú thích ảnh

(Thethaovanhoa.vn) - Gần 1 năm trước, ở mùa giải Dế Mèn lần 1, hai tài năng nhí là Cao Khải An (12 tuổi) với bản thảo truyện dài Chuyện của Bắp ăn mơ và xóm Đồi rơm và Nguyễn Đới Chung Anh (10 tuổi) với chùm tranh về Covid-19 đã được vinh danh ở hạng mục Khát vọng Dế Mèn.

Nguyễn Đới Chung Anh: 'Con đã vẽ những điều tốt đẹp giữa đại dịch

Nguyễn Đới Chung Anh: 'Con đã vẽ những điều tốt đẹp giữa đại dịch

Vượt lên trên tính chất tuyên truyền, cổ động về chủ đề phòng chống Covid-19; cũng rất khác so với những bức tranh “ngây ngô” của thiếu nhi; tranh của cô bé Nguyễn Đới Chung Anh là một góc nhìn vừa hồn nhiên vừa dữ dội về sự hỗn loạn cũng như sự kiên cường của thế giới trong đại dịch...

Trước thềm Giải thưởng thiếu nhi Dế Mèn lần 2 nhìn lại, có thể thấy, Giải thưởng này đã góp phần thúc đẩy các tác giả nói chung và 2 tài năng nhí kể trên trở thành những nhà văn, hoạ sĩ thực sự trongtương lai.

Tiếp tục "chống dịch Covid-19" bằng tranh

Từ sau giải thưởng thiếu nhi Dế Mèn, "họa sĩ nhí" Nguyễn Đới Chung Anh vẫn miệt mài cầm cọ mỗi khi có thời gian rảnh. Cô bé đã vẽ thêm được một số tác phẩm trongserie tranh về đại dịch Covid-19, trong đó có một bức A1 thể hiện sự bức bối cần được giải phóng của toàn thế giới khỏi dịch bệnh.

Những bức tranh vẫn mang đầy tính thời sự nhưng không hề khô khan, vẫn tạo được sức lan tỏa mạnh mẽ trong xã hội, nhất là trong việc nâng cao ý thức phòng chống dịch bệnh.

Chú thích ảnh
Nguyễn Đới Chung Anh và bức tranh số 15 vẽ về thành phố Nuremberg của Đức trong đại dịch Covid-19

Khi được hỏi về việc theo đuổi chủ đề Covid-19, Nguyễn Đới Chung Anh vẫn "khư khư" quan điểm như đã phát biểu khi lên nhận giải Khát vọng Dế Mèn năm ngoái: "Con vẫn thích và luôn muốn vẽ về những điều tốt đẹp mà mọi người thấy giữa đại dịch. Con luôn nghĩ, khi lòng tốt được lan tỏa đến mọi người thì xã hội sẽ tốt hơn và ánh sáng của lòng tốt sẽ giúp soi sáng cho tất cả trong những ngày tối tăm của đại dịch. Và con luôn mong rằng ánh sáng của lòng tốt sẽ luôn soi đường cho mọi người trong cuộc sống hàng ngày chứ không chỉ khixã hội có khó khăn, dịch bệnh".

Trong số những bức tranh mới nhất Nguyễn Đới Chung Anh vẽ, có bức tranh số 15 vẽ về thành phố Nuremberg của Đức thật sự rất ấn tượng. Bằng những nét cọ, cô bé đãthể hiện tình trạng dịch Covid-19 chia cắt từng con phố nhỏ của một thành phố lớn thành những ốc đảo. Từ đó, Chung Anh thể hiện mong muốn: Mọi người hãy mạnh mẽ, dũng mãnh như con báo trong tranh để vượt qua đại dịch. Điều đáng chú ý là, hình ảnh con báo cũng chính là con báo trên logo Puma, do ông Lutz Backes (người hiện đanggiữ bức tranh này - PV) sáng tác.

Chú thích ảnh
Họa sĩ LutzBackes đang "sở hữu" bức tranh số 15 có hình ảnh con báo dũng mãnh trên logo Puma

"Lutz Backes là một hoạ sĩ, nhà điêu khắc, nhà viết kịch bản... nổi tiếng người Đức" - Chung Anh tiết lộ - "Và con cảm thấy rất vinh dự vì tranh của con được ông yêu thích và treo trong nhà của mình".

Hỏi ra thì Chung Anh kể rằng, Lutz Backes biết đến Chung Anh thông qua một phóng sự dài 4 phút trên 1 kênh truyền hình chính thống của Đức. Ông đã rất ấn tượng và yêu thích những sáng tác của Chung Anh và trong E-mail gửi đến bố mẹ của Chung Anh, Lutz Backes cho biết, mỗi sáng tác của Chung Anh đều rất bất ngờ, và đó như "một món quà của Chúa dành cho con vậy!".

Chú thích ảnh
Bình luận của Lutz Backes để lại trên kênh truyền hình Đức gửi tới Nguyễn Đới Chung Anh

Cũng từ đó, Chung Anh và Lutz Backes trở thành những người bạn thân thiết thông qua nghệ thuật, và Lutz Backes luôn thích những bức tranh mới của Chung Anh. "Ông đã treo tranh của con cạnh tranh của các hoạ sĩ nổi tiếng, điều đó làm con cảm thấy hạnh phúc vô cùng" - Chung Anh nói.

Giải Dế Mèn là dấu mốc quan trọng...

Tâm sự về những dự định cho tương lai, Chung Anh cho biết, em muốn được học vẽ một cách nghiêm túc để có thể vẽ và thể hiện những ý tưởng của mình tốt hơn nữa.

"Con cũng chưa có dự định nhiều cho tương lai, con mong có thể vẽ tiến bộ hơn nữa để có thể trở thành họa sĩ thật sự" - Chung Anh khiêm tốn nói.

Khi được hỏi Giải thưởng thiếu nhi Dế Mèn đã có những tác động như thế nào đến bản thân thì cô bé cho hay: "Đó là giải thưởng lớn nhất đối với con. Con đã được gặp rất nhiều tác giả có những sáng tác tuyệt vời cho thiếu nhi chúng con. Như bác Nguyễn Nhật Ánh, bác Trần Đăng Khoa, chú Nguyễn Văn Chung... Không chỉ nhờ giải thưởng, mà khi con được thấy các báccác chú ngày đêm làm việc và có những tác phẩm tuyệt vời, con cũng mong lớn lêncũng có thể làm nhiều điều có ích cho xã hội như vậy. Chắc chắn giải Dế Mèn làmột dấu mốc thúc đẩy con cố gắng hơn nữa để trở thành một họa sĩ thực thụ trongtương lai".

Chung Anh còn cho rằng giải Dế Mèn là một giải thưởng giúp cho mọi người quan tâm đến các sáng tác của thiếu nhi và vì thiếu nhi hơn. "Mùa giải lần 1 đã có rất nhiều tác phẩm được Dế Mèn khám phá, phát hiện và trong số đó đã có nhiều tác giả, tác phẩm được tôn vinh xứng đáng. Con hy vọng mùa giải sau sẽ có nhiều tác giả là thiếu nhi, nhiều hơn nữa những Hiệp sĩ Dế Mèn và đặc biệt con mong muốn sẽ có nhiều tác phẩm sẽ đến được với cả bạn bè quốc tế!".

Các tác phẩm về chủ đề Covid-19 của Chung Anh:

Chú thích ảnh

Chú thích ảnh

Chú thích ảnh

Lễ trao Giải thưởng Thiếu nhi Dế Mèn

Lễ trao Giải thưởng Thiếu nhi Dế Mèn lần 2 - 2021 do báo Thể thao và Văn hóa (Thông tấn xã Việt Nam) tổ chức sẽ diễn ra trực tuyến vào dịp Tết Thiếu nhi (1/6) tới đây. Từ 117 tác phẩm dự thi hoặc được đề cử, Ban sơ khảo cuộc thi đã chọn được hơn 10 tác phẩm vào chung khảo. Ngày mai, 27/5, Hội đồng Giám khảo (do nhà thơ Trần Đăng Khoa, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, làm Chủ tịch Hội đồng) sẽ họp phiên cuối cùng để chấm các giải thưởng Hiệp sĩ Dế Mèn, Khát vọng Dế Mèn.

Phạm Huy

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm