Họa sĩ Lương Xuân Đoàn: 'TT&VH - người đồng hành thân thiết và thầm lặng của văn nghệ sĩ'

18/08/2022 07:30 GMT+7 | Văn hoá

Ở thời điểm lễ kỷ niệm 40 năm thành lập báo Thể thao và Văn hóa (TT&VH) đến gần, họa sĩ Lương Xuân Đoàn - một người bạn thân thiết với tờ báo từ những ngày đầu - đã chia sẻ về chặng đường đồng hành đặc biệt của mình.

Họa sĩ Lương Xuân Đoàn: Tiếng nói từ TT&VH vẫn được trông đợi như "trọng tài"

Họa sĩ Lương Xuân Đoàn: Tiếng nói từ TT&VH vẫn được trông đợi như "trọng tài"

Đó là chia sẻ của họa sĩ Lương Xuân Đoàn, Phó Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam nhân kỷ niệm 33 năm ngày Thể thao & Văn hóa ra mắt số báo đầu tiên.

Cũng cần nhắc lại, không chỉ là thường xuyên xuất hiện trên TT&VH khi được phỏng vấn, họa sĩ Lương Xuân Đoàn (Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam) cũng là người trực tiếp tham gia tổ chức chuyên mục “Trang mỹ thuật trong tháng” của TT&VH trong một thời gian dài trước đây.

Ông Lương Xuân Đoàn nói:

- Có thể khẳng định, mỹ thuật đổi mới từ thập niên 1980 đã gắn bó với TT&VH. Trong nhiều cuộc tranh cãi khó dứt về quan điểm nghệ thuật, khuynh hướng sáng tác của giới mỹ thuật Việt Nam - đặc biệt là thế hệ của mỹ thuật thời Đổi mới đến nay - TT&VH là trọng tài công minh nhất. Trong những cuộc tranh cãi nảy lửa của giới phê bình và nghệ sĩ, người ta vẫn muốn chờ đợi tiếng nói “phân xử” cuối cùng của TT&VH một cách công tâm, sòng phẳng.

Và với giới mỹ thuật VN không có những trang mỹ thuật trong tháng thì sẽ thiếu đi nhiều câu chuyện để có thể hình thành nên một lộ trình đẹp đẽ sáng sủa của nền mỹ thuật như hiện nay. Từ nhà phê bình Thái Bá Vân, Nguyễn Quân, Phan Cẩm Thượng, họa sĩ Nguyễn Xuân Tiệp rồi đến tôi, tất cả đều cố gắng để có những bài viết mỹ thuật trong tháng đầy đặn, từ đó cho thấy sự thay đổi của nền mỹ thuật đương đại Việt.

Chú thích ảnh
Họa sĩ Lương Xuân Đoàn...

* Kỷ niệm nào khi làm việc cùng Thể thao và Văn hoá khiến ông nhớ mãi?

- Tôi vẫn còn nhớ về những ngày Tổng biên tập thời kỳ đó phải đối diện với những nhà phê bình bảo thủ. Họ đến toà soạn để trách móc và chất vấn... Chính lúc khó khăn và đầy thử thách như thế càng làm tôi cảm thấy khâm phục tinh thần của Ban biên tập. Bởi nếu Ban biên tập thiếu can đảm, sợ trách nhiệm thì chắc chắn đã không có nền mỹ thuật đương đại đẹp đẽ như ngày hôm nay.

* Vậy khi đó, Ban biên tập làm việc với những nhà phê bình, chuyên môn theo cách nào để ra những trang báo ấn tượng?

- Ban biên tập TT&VH một thời họ giao toàn quyền chủ động cho chúng tôi. Nói cách khác, việc phác họa, bàn thảo về các vấn đề của mỹ thuật thời Đổi mới hoàn toàn do phía các hoạ sĩ, nhà phê bình - những người hết sức quan trọng ảnh hưởng lớn đến xu thế thay đổi của nền mỹ thuật đương đại Việt Nam. Với chúng tôi, đó là tiếng nói mách bảo, tiếng nói lay động tâm thức của người nghệ sĩ rằng hãy tự tin bước về phía trước, chấp nhận mọi áp lực về phía mình để bản thân nghệ thuật bùng nổ, bùng dậy theo đúng xu thế nó phải có. Và tôi cho rằng chính cách làm ấy của Ban biên tập đã làm cho người nghệ sĩ thanh thản, nhẹ nhõm và đặc biệt là can đảm hơn để làm việc mình muốn làm

* Còn ở góc độ một độc giả, ông thường đọc TT&VH theo cách nào?

- Cho dù là trước đây hay bây giờ, trong những năm qua, tôi vẫn có thói quen đạp xe một cách thong thả, thanh nhàn đến nhận báo. Lúc thì hằng ngày, lúc hằng tuần hoặc nửa tháng - bởi do công việc không có ở Hà Nội - nhưng tôi vẫn đọc TT&VH thường xuyên.

Cho đến nay tôi vẫn giữ rất nhiều số báo cũ. Và trong giai đoạn thập niên 1990 của tờ báo, khi trang mỹ thuật trong tháng tồn tại, chúng tôi tin rằng những tư liệu ấy có thể in thành sách. Đó không chỉ là câu chuyện phỏng vấn các nghệ sĩ mà còn là các bài viết dài nghiên cứu về các thời kỳ dù là ngắn hay dài về nghệ thuật đương đại. Đến tận giờ, nó vẫn còn nguyên giá trị cho những thế hệ nghệ sĩ sau này, như một cách lưu giữ lại thời kỳ đẹp nhất của giới mỹ thuật Việt Nam.

Chú thích ảnh
và thói quen đạp xe đi lấy báo TT&VH mỗi ngày sau giờ làm việc

* Dường như tờ báo ra đời, tồn tại, đồng hành được với độc giả trong suốt 40 năm qua là nhờ rất nhiều vào đam mê của những người làm báo và đam mê của những độc giả. Ông nghĩ sao về nhận định này?

- Nếu những người đứng đầu chịu trách nhiệm về tờ TT&VH không lắng nghe đủ tiếng nói của xã hội đang đòi hỏi điều gì trong đời sống văn học nghệ thuật, văn hoá hôm nay và cũng không nghe được những trăn trở, những lo lắng, băn khoăn nhức nhối của người sáng tạo văn hoá nghệ thuật, thì chắc chắn sẽ không có tờ báo gắn bó thân thiết với giới nghệ sĩ cho đến lúc này.

Nhìn qua, có thể tưởng lầm đây là một tờ báo khiêm nhường nép bên những tờ báo khác. Thế nhưng với đời sống văn học nghệ thuật, từ 40 năm nay, TT&VH đã có một “ấn triện” riêng. Và đến nay, tờ báo vẫn còn nguyên vẹn một chính kiến sòng phẳng nhất, tự tin nhất, như một người đồng hành thân thiết và thầm lặng của giới văn nghệ sĩ Việt Nam.

* Ở dấu mốc 40 năm này, ông có lời gì muốn nhắn nhủ đến TT&VH?

- Tôi hi vọng rằng không chỉ có cái duyên với mỹ thuật mà TT&VH hãy tạo nên những cái duyên khác với nhiều lĩnh vực văn học nghệ thuật vốn cũng đang chống chếnh lo lắng trong giai đoạn bước sang một trang mới của thời đại, Sự chủ động vào cuộc “tìm duyên”, “gọi duyên” trên nhiều lĩnh vực khác của tờ báo này sẽ giúp TT&VH có thêm những người bạn đồng hành mới của nhiều lĩnh vực văn học nghệ thuật.

Những chữ duyên này rất quan trọng để tạo ra một thời kỳ mới nữa, đẹp nữa của nền văn học nghệ thuật Việt Nam trong thế kỷ 21.

* Xin cám ơn ông về cuộc trò chuyện!

Tờ báo này đã làm trọn vẹn sứ mệnh đồng hành cùng với nghệ thuật, với nghệ sĩ Việt Nam. Trong những thời kỳ khó khăn nhất của giai đoạn thay đổi, văn học nghệ thuật nói chung và mỹ thuật nói riêng đã may mắn khi có “duyên” đồng hành cùng báo Thể thao và Văn hoá (họa sĩ Lương Xuân Đoàn)

Yên Khương - Trần Hoài Thương (thực hiện)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm