Họa sĩ Lương Xuân Đoàn: Tranh giả xuất hiện từ khi bộ sưu tập Đức Minh bị phát tán!

23/08/2016 14:38 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Xung quanh câu chuyện tranh giả gần đây đã làm dấy lên những câu hỏi về thị trường tranh giả ở Việt Nam. Dường như, đằng sau đó có thể có cả một đường dây làm giả những tác phẩm chân bản của các danh họa Việt Nam để tuồn ra nước ngoài, thậm chí mang đến các sàn đầu giá quốc tế...

Nhận dịp này họa sĩ Lương Xuân Đoàn, Phó Chủ tịch thường trực Hội Mỹ thuật Việt Nam đã dành cho báo Thể thao & Văn hóa Cuối tuần một cuộc trò chuyện về sưu tập tranh ở Việt Nam xưa và nay.

Có một nhà sưu tập đúng nghĩa

* Thưa ông, các nhà sưu tập tranh ở Việt Nam có từ bao giờ?

- Đối với người Việt, sở thích, thú sưu tầm đồ cổ có mặt từ rất sớm, nhưng sưu tập tranh và hình thành các nhà sưu tập tranh thì phải từ khi người Pháp mở trường Mỹ thuật Đông Dương năm 1925, sau đó trải qua các thập kỷ 30, 40... mới hình thành.

Người sưu tầm tranh ở Việt Nam xuất hiện đầu tiên là nhà tư sản dân tộc Đức Minh Bùi Đình Thản.


Họa sĩ Lương Xuân Đoàn

Và có thể khẳng định cả thế kỷ 20 chỉ có duy nhất Đức Minh Bùi Đình Thản là nhà sưu tập tranh đúng nghĩa, đầy đủ tư cách, có con mắt xanh phát hiện ra tác giả những tác giả thuộc thế hệ vàng của trường Mỹ thuật Đông Dương, cũng như những giá trị mới, tạo nên khuôn mặt đẹp của mỹ thuật Việt Nam...

Những tác phẩm mà ông sưu tập, kể từ những bức đầu tiên như: Chơi ô ăn quan (đưa ở Pháp về) của họa sĩ Nguyễn Phan Chánh là mở đầu cho bộ sưu tập của ông và tiếp tục là các danh họa khác của trường Mỹ thuật Đông Dương...

Phải nói rằng, Đức Minh Bùi Đình Thản là người làm sưu tập chuyên nghiệp. Từ phát hiện tiếp xúc với tác giả, lưu giữ tác phẩm... đều theo một lộ trình chuyên nghiệp. Ông sòng phẳng từ định giá tác phẩm, đến lý lịch tác giả, giấy tờ... để lưu giữ tác phẩm một cách chu tất...

* Thời đó, vấn đề bản quyền chưa được sát sạt như bây giờ, vậy vì sao nhà sưu tập Đức Minh lại được các nghệ sĩ tin cậy trao những “đứa con” tinh thần?

- Có thể nói, sưu tập của Đức Minh là sưu tập không sinh lợi, tác phẩm được lưu giữ, đây mới đúng nghĩa của sưu tập. Với nghệ sĩ, khi trao tác phẩm cho Đức Minh sẽ không bao giờ có sự buôn bán trao đi đổi lại hay chuyện làm giả để bán...

Thời Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa còn non trẻ, Bác Hồ cũng tìm đến bộ sưu tập của Đức Minh để có những tác phẩm độc bản treo trong phòng khách của Bắc Bộ Phủ...

Mỗi người một cách sưu tập khác nhau

* Tiếp theo sau Đức Minh, chắc hẳn ở Việt Nam hình thành nhiều nhà sưu tập tranh khác. Ông có thể tóm lược những gương mặt sưu tập này được không?

- Sau ông Đức Minh, bắt đầu hình thành hàng loạt những người yêu thích tranh như: Chủ quán cà phê Lâm (Nguyễn Văn Lâm) ở phố Nguyễn Hữu Huân, nơi văn nghệ sĩ thường lui tới. Cách thức ông Lâm sưu tập lại là tình nghệ sĩ, họ cà phê, ăn sáng rồi thỉnh thoảng tặng cho ông chủ quán tốt tính, luôn cảm thông  giúp đỡ nghệ sĩ những tác phẩm, rồi dần hình thành một bộ sưu tập của ông chủ cà phê Lâm.

Tiếp đó, những bưu tập mới của Trần Thịnh, Nguyễn Bá Đạm, Nguyễn Văn Bổng... hình thành. Dần về sau có thêm Danh Anh, Trần Hậu Tuấn, rồi con trai Đức Minh là Bùi Quốc Chí cũng thành lập bảo tàng Đức Minh tại TP.HCM và rất nhiều người nữa... Có thời gian, các bộ sưu tập tranh được trao đi đổi lại, khiến các bộ sưu tập không còn nguyên vẹn...


"Bức chơi ô ăn quan" trong sưu tập của Đức Minh đã bị phát tán

* Ông có thể đánh giá những điểm mạnh, yếu trong những bộ sưu tập của mỗi người không?

- Tất cả những tên tuổi những nhà sưu tập tôi vừa định danh và gần đây có thêm Nguyễn Mạnh Phúc, Tô Linh... có thể gọi tên được, nhưng để tiếp cận và hiểu giá trị đến đâu, thì lại là một câu chuyện khó, kể cả Nhà nước cũng không thể tiếp cận để hình dung giá trị từng bộ sưu tập.

Bởi chỉ khi các nhà sưu tập giới thiệu những gì, trưng bày những gì ra, thì công chúng mới biết. Còn những gì họ không công bố, thì không thể biết được. Do vậy mức độ thật giả, hư thực giữa tác phẩm độc bản với tác phẩm được gọi là phiên bản hay dị bản... đều ngoài tầm kiểm soát. Do đó, đương nhiên đã hình thành một thị trường tranh giả ở Việt Nam với một đường dây xuyên quốc gia.

Người Việt làm tranh giả ra bán ra nước ngoài, rồi tranh giả lại đi đường vòng về Việt Nam trong hình ảnh tranh Việt hồi hương qua các cuộc đấu giá, triển lãm. Đây là điều tệ hại, đau lòng, làm hỏng hẳn đi khuôn mặt đẹp đẽ của mỹ thuật Việt Nam.

Và cho đến lúc này, khi Việt Nam chưa dọn dẹp được sạch sẽ thị trường tranh giả, thì người nước ngoài còn quay lưng với mỹ thuật Việt Nam và thị trường tranh còn đóng băng, hệ thống gallery sẽ vẫn ngủ đông, tranh bế tắc đầu ra không bán được...

Chỉ bộ sưu tập bảo tàng Nguyễn Tư Nghiêm là không bị làm giả

* Từ đâu và vì sao lại xuất hiện, hình thành một thị trường tranh giả ở Việt Nam, thưa ông?

- Từ khi bộ sưu tập tranh của Đức Minh Bùi Đình Thản bị phát tán, sang tay nhiều người thì tranh giả cũng bắt đầu xuất hiện. Khi ông Đức Minh còn sống, không bao giờ có chuyện tranh giả.

Ông Đức Minh từng muốn trao tặng bộ sưu tập của mình cho Nhà nước, với mong muốn là bộ sưu tập của Đức Minh đứng tên, chứ không treo vào các tác phẩm khác trong Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, nhưng đã bị từ chối. Khi Đức Minh qua đời tại TP.HCM, thì bộ sưu tập của ông bị phát tán đi, vì đó là tài sản của người cha để lại cho các con, mỗi người một phần, người bán đi, người giữ lại. Kể cả ngôi nhà, lẽ ra thành bảo tàng ở đường Hồ Xuân Hương – Quang Trung (Hà Nội) cũng đã thành tài sản riêng của các con ông.

Bộ sưu tập tranh của Đức Minh được sang tay nhiều người và khi người này giữ bán cho người kia, người kia lại mang ra nước ngoài, sự làm giả tranh từ những tác phẩm trong của bộ sưu tập của Đức Minh bắt đầu...

Hiện nay, cho đến lúc này, chỉ có bộ sưu tập tranh của Thu Giang (vợ danh họa Nguyễn Tư Nghiêm) được Nhà nước cấp phép mở bảo tàng tư nhân Nguyễn Tư Nghiêm là bộ sưu tập được giữ tương đối trọn vẹn những tác phẩm của danh họa Nguyễn Tư Nghiêm, là tác phẩm chân bản, có thể tin cậy tuyệt đối. Còn lại, tranh của hàng loạt các danh họa khác đều đang bị làm giả rất nhiều và đã trở thành vấn nạn quốc gia...

* Đã có thời kỳ mỹ thuật Việt Nam hình thành một hệ thống gallery từ Bắc vào Nam, đặc biệt là ở Hà Nội và TP.HCM. Các gallery cũng vào cuộc để giới thiệu tác giả, tác phẩm, triển lãm, công bố những tác giả tác phẩm họ lựa chọn ra thế giới, đời sống mỹ thuật khá phong phú... thưa ông?

- Vì tranh không bán được, do đó các gallery đã chuyển sang kinh doanh thứ khác. Tranh không bán được thì lẳng lặng mà đóng cửa thôi, chờ trang mới của mỹ thuật hiện đại Việt Nam. Thực tế, nghệ thuật làm tranh giả không chỉ phá hủy không gian tinh thần trong đời sống mỹ thuật, mà còn làm tổn thương đến vong linh các danh họa...

Hơn nữa, chúng ta liên tục chậm chân trong việc phát hiện thực trạng thị trường tranh giả. Trong khi luật pháp lại không đủ tính khả thi, quản lý nghệ thuật cứ đuổi theo vụ việc thì khoảng cách giữ người quản lý và nghệ sĩ ngày càng xa, càng không hiểu nhau...

Lại nữa, quy chế thành lập bảo tàng tư nhân cho rằng chủ sở hữu vẫn sở hữu bộ sưu tập, nhưng đã là bảo tàng tư nhân là tài sản quốc gia thì chủ sở hữu không được di chuyển, bán đổi những tác phẩm đã xin phép mở bảo tàng, khiến bối cảnh tranh thật tranh giả càng nhốn nháo, không còn là vấn nạn tranh giả nữa mà là quốc nạn.

Huyền thoại về nhà sưu tập Đức Minh, Lê Thái Sơn

Huyền thoại về nhà sưu tập Đức Minh, Lê Thái Sơn

Vụ lùm xùm xung quanh 17 bức tranh của nhà sưu tập Vũ Xuân Chung bị cho là giả mạo đã khiến dư luận đặt câu hỏi: giới sưu tập tranh – anh là ai?

Trong khi cơ quan quản lý lại “bó tay” không giải quyết được, vì hành lang pháp lý, lộ trình tiếp cận đúng địa chỉ đang làm tranh giả không dễ, bởi đó là những địa chỉ ngầm, đường dây ngầm không dễ phát hiện...

Vấn nạn tranh giả là do chúng ta làm ra, chính chúng ta chủ động lừa người người ngoài bằng tranh giả. Chính điều này đã làm cho con đường hội nhập mỹ thuật ra thế giới của chúng ta đang bị chặn lại...

* Để hạn chế tranh giả bị sao chép, các họa sĩ có thể đăng ký bản quyền tác phẩm với Cục bản quyền để Nhà nước bảo hộ tác phẩm?

- Hiện nay, tôi dược biết số họa sĩ đăng ký bản quyền tác phẩm với Cục bản quyền cũng có bao nhiêu đâu, trong khi sự xâm phạm bản quyền diễn ra hàng ngày, chưa nói đến các cừa hàng chép tranh đnag được coi là một nghề được Nhà nước cho phép hoạt động.

* Xin cảm ơn ông!

An Như (thực hiện)
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm