Họa sĩ Huy Oánh: Vẽ như chép sử bằng tranh

19/01/2022 19:20 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Tháng 7/1973 sau đợt thực tế chiến trường, 4 thầy trò họa sĩ Huy Oánh tổ chức triển lãm ký họa tại Bộ Tư lệnh Đoàn 559 Bộ đội Trường Sơn. Năm 2013, tại Anh quốc, tranh cổ động Bác vẫn cùng chúng cháu hành quân họa sĩ Huy Oánh vẽ cùng họa sĩ Nguyễn Thụ, được treo trong triển lãm tranh cổ động châu Á (Asian Propaganda: The Art of Influence).

Xem ‘Ký họa thời chiến’ của Trần Huy Oánh

Xem ‘Ký họa thời chiến’ của Trần Huy Oánh

Nhân dịp kỉ niệm 70 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12) tại Nhà triển lãm 16 Ngô Quyền, Hà Nội đang diễn ra trưng bày các tác phẩm “Kí họa thời chiến” của PGS – Họa sĩ Trần Huy Oánh.

Ngày 6/11/2017, tại Hà Nội, vựng tập Ký họa thời chiến gồm 184 họa phẩm của họa sĩ Huy Oánh, ra mắt người xem. Và từ năm học 2021-2022 này, bức khắc gỗ màu Bác Hồ với thiếu nhi của thầy giáo - họa sĩ Huy Oánh được đưa vào giảng dạy ở giáo khoa mới Mỹ thuật 6 bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống.

Phó giáo sư, họa sĩ Huy Oánh nhớ lại, vào những năm Cách mạng tháng Tám 1945 mới thành công, ông đang là học sinh trường làng ở quê ngoại Ngọc Lũ, (tên Nôm là làng Chủ) huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam. Trong hứng khởi chung của đất nước, cậu học sinh nhiều hoa tay Huy Oánh say mê vẽ chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh. Nhưng chỉ có giấy vở khổ nhỏ, vẽ chưa “đã”, cậu học trò thời đèn dầu đã có sáng kiến, lấy dao khắc trổ theo nét vẽ bức chân dung Bác Hồ mà chính mình vẽ trên bìa vở, rồi treo bức khắc trổ trước đèn: Các nét khắc trổ được phóng to trên tường nhà. Mầm non hội họa Huy Oánh bắc thang trèo lên, dùng than củi, chép tranh giấy nhỏ thành bích họa lớn!

Nhà ông thành một triển lãm tranh của người làng, ông thành tài năng hội họa của Ủy ban hành chính xã, được mời vẽ áp-phích khi xã cần.

Chú thích ảnh
PGS - họa sĩ Huy Oánh

Từ bức bích họa vẽ bằng than củi

Họa sĩ Huy Oánh vẽ nhiều, vẽ đẹp về chủ đề hình tượng lãnh tụ Hồ Chí Minh. Bức khắc gỗ Bác Hồ với thiếu nhi của ông được giảng dạy ở chủ để 5 - Trò chơi dân gian, bài 9 - Sáng tạo mỹ thuật với trò chơi dân gian. Để dạy tốt bài này, các nhà biên soạn giáo khoa cung cấp cho các thầy cô giáo, trong sách riêng của giáo viên, tên gọi và ý nghĩa 12 trò chơi dân gian trong đó có trò rước đèn.

Bức Bác Hồ với thiếu nhi được dùng như một ví dụ sư phạm gắn với trò chơi này, để từ bức tranh, học sinh hiểu về nguyên lý cân bằng trong hội họa. Cân bằng bố cục - Bác Hồ ở trung tâm tranh, cáccháu thiếu nhi được sắp xếp cân đối xung quanh. Cân bằng màu sắc - ghi, trắng, tím, xanh đậm, hồng...gần như đối xứng và nối nhau thành vòng, xoay quanh mảng màu vàng ở trọng tâm bức tranh.

Tác giả Huy Oánh đưa vào tranh mình một không gian có tính ước lệ thường được sử dụng trong tranh dân gian, với những nét khắc, gợi nhiều hơn tả, giúp cho cảm nhận của người xem tranh được mở rộng hơn về cả thời gian, và không gian. Người xem có thể hiểu gam màu vàng trong tranh là ánh trăng vàng của một Tết Trung thu hòa bình, với vầng trăng tròn vo phía hậu cảnh như thấp xuống cùng trảy hội rước đèn, cùng múa rồng, múa lân với con người. Đám rước vui như một luân vũ, mà người khởi động nhịp vui chính là cô bé áo trắng đang đẩy đèn xoay ở tiền cảnh bức tranh.

Chú thích ảnh
Tranh khắc gỗ “Bác Hồ với thiếu nhi” của PGS Huy Oánh trong sách “Mỹ thuật 6”

Nhiều ký họa tìm đường

Phòng truyền thống của Đại học Mỹ thuật Việt Nam còn lưu trữ tấm ảnh quý chụp năm 1972, lúc chiến tranh tới hồi ác liệt nhất, ghi lại khoảnh khắc thầy Huy Oánh cùng 3 học trò Nguyễn Văn Chư, Vũ Tấn Bá, Ca Lê Thắng chia tay bạn bè văn nghệ trên sân trường Yết Kiêu, bắt đầu cuộc thâm nhập thực tế chiến tranh, theo đường mòn Hồ Chí Minh, trên dải Trường Sơn.

Họa sư và họa sinh, ai cũng mũ lính, ruột tượng gạo và cặp vẽ dã chiến. Cuộc hành quân của tiểu đội họa sĩ vượt Đường 9 Nam Lào, cao nguyên Boloven, sông Bạc, sông Sê Kông, sông Sê San…với bao hiểm nguy, cái sống cận kề cái chết! Lật xe, lạc rừng, đói tới mức phải đi xin gạo....

Có lần mùa khô, cả binh trạm mà đoàn dừng chân chỉ còn một vũng nước gần 4 mét vuông, giặt nước ấy, rồi tắm cũng chính nước ấy, thầy Huy Oánh, nhường nhịn chị em thanh niên xung phong, suốt 1 tuần không tắm, không rửa mặt, chỉ vẽ. Thầy Huy Oánh trưởng đoàn còn nhớ, đêm ấy sinh viên Vũ Tấn Bá bì bõm lần mò tìm ra một hầm chữ A có kê mấy tấm ván, thầy trò được một mái ấm để ngả lưng. Cả ngày lội bộ rất mệt ai cũng ngủ say, sáng tỉnh dậy mới biết đêm qua thầy trò ngon giấc giữa một bãi bom tan hoang.

Nhưng đấy cũng là thời “Đường ra trận mùa này đẹp lắm”, đoàn gặp tác giả của câu thơ sử thi hóa cuộc chiến này - nhà thơ Phạm Tiến Duật, những người lính văn nghệ cùng nghe thơ và xem tranh. Có lần ăn Tết cổ truyền ở bếp đại táo của lính mà đủ bánh chưng, dưa hành, bánh nướng, bánh quy, giò chả…. Vui hơn, Tết là lần gặp tổ bảo vệ kho chiến lược trong rừng sâu, làm nhiệm vụ bảo quản và tăng gia sản xuất: Nuôi gà, vịt, lợn, trồng rau...

Tổ bảo vệ ở rừng đã lâu, không gặp gỡ người hậu phương, họ giữ 4 người trường chinh thỉnh tranh ở lại vài ngày, tiếp đãi rất nồng hậu.

Ở một binh trạm khác, biết họa sĩ Huy Oánh là 1 trong 2 tác giả của bức tranh cổ động Bác vẫn cùng chúng cháu hành quân, binh trạm trưởng hào hứng đề nghị ông phóng to bức tranh trên vải bạt bằng sơn xây dựng, treo giữa rừng, làm đẹp lễ mừng công của đơn vị.

Việc đoàn làm đẹp ngoại giao Việt Nam là những ngày ở một sư đoàn bộ, 4 thầy trò bày triển lãm những bức tranh ký họa mà đoàn đã vẽ được, trang trí, vẽ tranh cổ động kịp thời phục vụ cho sư đoàn trong việc tiếp đón Quốc vương Campuchia Norodom Sihanouk và Hoàng hậu cùng đoàn tùy tùng từ Hà Nội về nước nghỉ chân ở đây.

Tất cả buồn vui ấy đều được ký họa để rồi thành những trang sử bằng tranh!

Chú thích ảnh
PGS-Họa sĩ Trần Huy Oánh (phải) trong buổi ra mắt tuyển tập "Kí họa thời chiến"

Những tác phẩm đỉnh cao

Họa sĩ Huy Oánh từng đoạt giải Ba tranh cổ động Triển lãm Mỹ thuật toàn quốc năm 1958; giải Nhất tranh cổ động của Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh năm 1970. Giải A Triển lãm Mỹ thuật toàn quốc năm 1976…Các tranh Cầu Hàm Rồng (sơn mài, 110x150cm, 1976); Ra đồng (khắc gỗ, 30x40cm, 1968); Ông cháu (khắc gỗ, 30x40cm, 1968) và nhiều tranh khác của ôngđược lưu giữ trong Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. Tranh của ông có trong nhiều bảo tàng và các bộ sưu tập tư nhân ở Đức, Pháp, Mỹ, Hàn Quốc, Hà Lan, Canada và Australia…

Xem tranh của họa sĩ Huy Oánh người ta thấy, ngoài thời cuộc Việt Nam hiện đại còn có bản sắc mỹ thuật truyền thống Việt Nam. 2 nhân vật “Ông và cháu” trong bức khắc gỗ đen trắng, là 2 chiến sĩ vệ quốc của cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ đứng bên nhau, ai cũng súng quàng vai mà hiền lành và nhân hậu! Người ông như chìm vào những nếp nhăn được khắc rối, khắc sâu, nhường cháu gái mình đẹp hơn trong mảng sáng quý hiếm của thể loại tranh này.

Bằng nét, người ông từng trải, rắn rỏi, khỏe khoắn, ngược lại ngôn ngữ mảng điểm xuyết vài nét cong giúp hình tượng cô cháu gái căng mẩy, mềm mại, ngồn ngộn thanh xuân. Sự hài hòa giữa 2 yếu tố ngôn ngữ đặc trưng của nghệ thuật đồ họa đã tạo nên sự thành công và giá trị cho tác phẩm. Ở tác phẩm này 2 yếu tố đen và trắng đã góp phần biểu hiện sự hài hòa giữa các tương phản mạnh mẽ và hiệu quả. Là một họa sĩ tích cực truyền nghề, thầy Huy Oánh mốn nói với học trò của mình, nét và mảng là 2 “chữ cái” cơ bản của tranh khắc gỗ đen trắng.

Bức tranh Bác vẫn cùng chúng cháu hành quân là một hợp đồng sáng tạo thật đẹp của 2 đồng tác giả Huy Oánh - Nguyễn Thụ. Người Việt Nam thời ấy, ai xem tranh cũng như nghe thấy hành khúc Bác đang cùng chúng cháu hành quân của nhạc sĩ Huy Thục. Trong hành khúc ấy, bức tranh như đẹp hơn. Đoàn quân hành tiến theo 2 hướng để có đi và có về. Cùng một màu áo lính, Bác như bước ra từ đoàn quân, khỏe mạnh,điềm tĩnh và hiền triết, nhận lấy trách nhiệm đại diện tin cậy của những anh binh nhất, binh nhìtrong tranh, được thể hiện với đường nét uyển chuyển và dung dị. Vầng trán rộng của Bác là mảng sáng trung tâm của bức tranh. Tranh cổ động mà dạt dào cảm xúc!

Không chỉ bức tranh Bác Hồ với thiếu nhi trong Mỹ thuật 6, cả cuộc đời từng trải, can trường cần mẫn của họa sĩ Huy Oánh cũng là bài học quý giá!

Vài nét về PGS - họa sĩ Huy Oánh

PGS Huy Oánh sinh năm 1935 tại Nam Hà, tốt nghiệp Đại học Mỹ Thuật Việt Nam năm 1963, hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam từ 1963,từng là cán là bộ giảng dạy rồi Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam. Ông cũng từng là Phó Tổng thư ký, Chủ tịch Hội đồng nghệ thuật Trung ương - Hội Mỹ thuật Việt Nam. Năm 2001 ông được tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật đợt I. Hiện ông nghỉ hưu tại Hà Nội.

(Còn tiếp)

Trần Quốc Toàn

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm