Hậu duệ Hùng Vương

24/04/2016 07:16 GMT+7

(Thethaovanhoa.vn) - Khoảng 8 triệu con Lạc cháu Hồng đã về dự lễ hội đền Hùng trong 3 ngày nghỉ lễ vừa qua. Dù BTC đã thẳng thừng từ chối các lễ vật kỷ lục song số người dự lễ kỷ lục là điều nằm ngoài tính toán (và tất nhiên BTC không thể “nói không” như lễ vật). Đã có lúc, lễ hội đền Hùng tưởng như “vỡ trận”. “Thác người” ùn ùn lao về ban thờ tổ, không phải để cướp lộc, mà để thắp hương.

Khung cảnh hỗn loạn khiến nhiều người đã ngất. Hàng trăm người già và trẻ nhỏ đã được lực lượng an ninh “giải vây” giữa đám đông chen lấn. Hình ảnh những đứa trẻ khóc thét giữa dòng người ken đặc trông thật buồn, thảm hại và có phần chua xót.

Câu hỏi được nhiều người đặt ra: Tại sao lại đưa trẻ em vào cuộc đại hành hương đầy rẫy bất trắc?

Thực tế, không bậc phụ huynh nào muốn con em mình rơi vào tình cảnh tiềm ẩn rủi ro. Chúng ta cũng không thể và không nên đẩy mọi trách nhiệm lên những người tham gia lễ hội.

Nhắc lại, tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương đã được UNESCO vinh danh là “di sản phi vật thể đại diện của nhân loại” năm 2012. Và, sự tham gia sinh hoạt văn hóa của các tầng lớp nhân dân ở mọi lứa tuổi, tôn giáo, vùng miền trong lễ hội đền Hùng đã khiến “tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương” hiện là di sản duy nhất của Việt Nam được vinh danh ở loại hình tín ngưỡng.


Nhiều trẻ em bị người lớn chen lấn không thương tiếc tại lễ hội đền Hùng. Ảnh: TTXVN

Đồng nghĩa, mọi người dân Việt đều có quyền như nhau trong việc thực hành văn hóa tín ngưỡng. Trẻ em, người già, người tàn tật cũng không phải ngoại lệ. Hơn thế, trẻ em càng đáng được khuyến khích tham gia lễ hội bởi nó đảm bảo tính trao truyền giữa các thế hệ.

Các hậu duệ Hùng Vương sẽ thấy vai trò của mình trong chuỗi mắt xích lịch sử dân tộc khi các em cùng cha mẹ, thành kính nghiêng mình trước những người đã có công dựng nước. Các hậu duệ Hùng Vương cũng sẽ thấy hai chữ đồng bào thiêng liêng và cao quý khi các em cùng hàng triệu người xa lạ, khác vùng miền, tuổi tác,.. sáng bước hướng về vua Tổ.

Và nữa, tham dự lễ hội, các em thấy mình đang dự phần vào lịch sử. Lịch sử không phải chỉ dành cho các bậc công hầu, khanh tướng thủa xa xôi mà dành cho tất cả mọi người, mọi thời đại. Đó là những người “không ai nhớ mặt đặt tên, nhưng họ đã làm ra đất nước”.

Trẻ em tới tham dự lễ hội là quyền lợi chính đáng của các em. Việc hàng trăm đứa trẻ được “cứu nguy” giữa “thác người” chen lấn là hình ảnh đẹp của lực lượng an ninh tham gia bảo vệ lễ hội đền Hùng. Nhưng, người dân cả nước trông chờ nhiều hơn thế ở BTC. Cụ thể ở đây là tỉnh Phú Thọ, người “anh cả” lo hương khói tổ tiên.

Trẻ em nói riêng và đồng bào cả nước nói chung chỉ có thể thiết tha với lễ hội thiêng liêng khi họ cảm thấy an toàn và dễ chịu. Cụ thể, chẳng cha mẹ nào có thể nghĩ tới việc giáo dục con em về lịch sử dân tộc, tinh thần đoàn kết,… khi họ thấy con em mình có khả năng gặp nguy hiểm trong lễ hội.

Hiện tại, có nhiều tiêu chí đánh giá lễ hội. Song, đầu tiên và hơn hết, lễ hội phải an toàn và tạo cảm giác an toàn. Rồi đây, thế hệ trẻ có hiểu và yêu “tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương” hay không? Các em có thấy tự hào vì mình là hậu duệ Hùng Vương hay không?

Câu trả lời nằm hoàn toàn ở hành động của BTC lễ hội đền Hùng.

Phạm Mỹ
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm