Hát xẩm - hành trình đến di sản: Những giá trị độc đáo về văn hóa xã hội

28/12/2019 18:06 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Nghệ thuật hát xẩm chứa đựng những giá trị độc đáo về văn hóa. Dù tính chất âm nhạc, lời ca hết sức mộc mạc chân thành, nhưng các bài xẩm đều có nội dung tư tưởng sâu sắc, hàm chứa các triết lý, lời răn dạy đạo lý ở đời.

Hát xẩm – Hành trình đến di sản: Nghệ thuật của cội nguồn dân gian

Hát xẩm – Hành trình đến di sản: Nghệ thuật của cội nguồn dân gian

Hát xẩm là một loại hình âm nhạc đặc sắc với lối diễn xướng dân gian độc đáo, mang đậm bản sắc văn hóa Việt, là món ăn tinh thần của những người lao động. Tuy nhiên, những thay đổi trong lịch sử đã khiến hát xẩm dần vắng bóng trong đời sống.

Phong phú các làn điệu xẩm

Nhạc sỹ Thao Giang, Giám đốc Trung tâm Phát triển nghệ thuật âm nhạc Việt Nam cho biết: Theo tài liệu của nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Trần Việt Ngữ công bố năm 1964, hát xẩm có 8 làn điệu chính: Xẩm chợ, xẩm xoan (Chênh bong), huê tình (riềm huê), Xẩm nhà trò (ba bậc), nữ oán (Phồn huê), hò bốn mùa, hát ai, thập ân.

Tuy nhiên, dân gian cũng thường gọi tên các loại xẩm theo một số tiêu thức khác, đó là gọi theo tên bài xẩm nổi tiếng như “xẩm anh Khoá” (theo tên bài thơ được hát theo điệu xẩm Tiễn chân anh Khoá xuống tàu của Á Nam Trần Tuấn Khải), hoặc theo mục đích, nội dung bài xẩm như “Xẩm dân vận” là những bài xẩm được sáng tác để tuyên truyền, vận động quần chúng. Một số nơi gọi xẩm theo môi trường biểu diễn như “xẩm chợ” và “xẩm cô đầu” (hay còn gọi là xẩm nhà tơ, xẩm ba bậc, xẩm nhà trò, xẩm huê tình)...

Riêng tại Hà Nội, còn có một dòng xẩm rất đặc trưng, khác hẳn các địa phương khác, đó là xẩm tàu điện, vì nó thường được hát trên tàu điện. Khi xưa, các nghệ nhân xẩm từ chốn thôn quê ra Hà Nội biểu diễn, để làm vừa lòng nhu cầu thẩm mỹ của người dân chốn đô thị, vốn am hiểu và có trình độ trong việc thưởng thức văn hóa, các gánh xẩm đã khéo léo lồng những bài thơ của các thi sỹ như Anh khóa, Cô hàng nước (của Á nam Trần Tuấn Khải), Giăng sáng vườn chè, Em đi tỉnh về của Nguyễn Bính… vào các điệu xẩm, đưa xẩm trở thành loại hình âm nhạc đường phố vô cùng độc đáo, góp phần tạo nên nét đặc sắc riêng văn hoá phố phường của Thăng Long – Hà Nội.

Chú thích ảnh
Tiết mục "Giăng sáng vườn chè" do các nghệ sĩ Trung tâm Âm nhạc truyền thống Thăng Long (Hà Nội) biểu diễn tại Liên hoan câu lạc bộ hát Xẩm các tỉnh khu vực phía Bắc. Ảnh: TTXVN

Trong hệ thống làn điệu của xẩm, có những làn điệu hấp dẫn, đặc sắc đến mức các bộ môn nghệ thuật khác như chèo, quan họ và thậm chí ca trù đều phải “vay mượn”, như các điệu xẩm huê tình, xẩm chợ, xẩm xoan... Bài xẩm huê tình khi được các đào nương, kép đàn ca trù du nhập vào trong hình thức ca quán, thường gọi là điệu xẩm cô đầu (hay xẩm nhà trò). Nói vậy để thấy các nghệ sỹ giáo phường ca trù rất tôn trọng nghệ thuật xẩm, họ vẫn giữ chữ “xẩm” ở làn điệu này nhằm chỉ rõ gốc gác của làn điệu.

So với các loại hình nghệ thuật dân gian khác, hát xẩm có một chức năng vô cùng độc đáo - đó là một kênh truyền thông bằng âm nhạc rất hữu hiệu. Theo nhạc sỹ Nguyễn Quang Long, ngay từ khi ra đời, xẩm luôn là một “kênh” thông tin thời sự bằng âm nhạc, được dùng để truyền tải tình yêu quê hương, đất nước, truyền tải những thông điệp mang tính thời sự của xã hội. Điều này đã được minh chứng một cách rõ nét qua những bài xẩm của các nghệ nhân từ xưa đến nay.

Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và cả trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, xẩm địch vận đã xuất hiện và phát huy vai trò tích cực của mình. Để động viên tinh thần đấu tranh anh dũng của các chiến sĩ trong trận tuyến quyết giữ mạch máu lưu thông cầu Hàm Rồng, nghệ nhân xẩm Minh Sen (Thanh Hoá) đã ôm cây đàn nhị đi khắp mọi nơi trên mặt trận để mang những lời ca hóm hỉnh, mang lại tiếng cười sảng khoái cho các chiến sĩ. Rồi nghệ nhân xẩm đất Ninh Bình là bà Hà Thị Cầu, người được mệnh danh là “người đàn bà hát xẩm” cuối cùng của thế kỷ 20, tuy không hề biết đến mặt chữ, nhưng cách đây hơn nửa thế kỷ đã sáng tác ra bài xẩm “Theo Đảng trọn đời” theo điệu thập ân với những câu thơ: “Vững tâm theo Đảng nghe con/ Đạp bằng sóng gió sắt son lời thề”. Hay nghệ nhân Vũ Ðức Sắc với bài “Tiễu trừ giặc dốt” hưởng ứng phong trào Bình dân học vụ do Chủ tịch Hồ Chí Minh phát động...

Nói về giá trị của nghệ thuật hát xẩm, nhà nghiên cứu âm nhạc Đặng Hoành Loan đánh giá: Nghệ thuật hát xẩm đã sáng tạo cho âm nhạc Việt Nam một hình thức âm nhạc gọi là “âm nhạc xẩm” với cả một hệ thống các làn điệu khác nhau. Mỗi làn điệu ấy biểu hiện một khía cạnh tình cảm, với cách thưởng thức riêng phù hợp với từng đối tượng khán giả. Tùy theo không gian biểu diễn và đối tượng thưởng thức mà người hát xẩm trình bày những làn điệu riêng. Không những thế, xẩm là môn nghệ thuật đặc biệt mà người hát xẩm vừa có khả năng chơi nhạc cụ vừa hát. Các nghệ sỹ xẩm rất giỏi trong việc kể chuyện bằng âm nhạc, thông qua mọt bài hát, một trích đoạn xẩm, các nghệ nhân có thể phản ánh đời sống hay các hiện tượng xã hội một cách nhanh nhất. “Tôi cho rằng, xẩm cần được nhìn nhận là một môn nghệ thuật dân gian có giá trị văn hóa nghệ thuật cao”, nhà nghiên cứu Đặng Hoành Loan nhấn mạnh.

Gian nan hành trình gìn giữ, bảo tồn

Nhận thấy được thấy giá trị văn hóa độc đáo cũng như tầm quan trọng của nghệ thuật hát xẩm đối với đời sống văn hoá của người dân Việt, khoảng những năm 80 của thế kỷ trước, nhiều nhà nghiên cứu, nhiều nghệ sỹ tâm huyết đã tìm cách khôi phục lại nghề hát xẩm, nhưng không thành công.

Cho đến năm 2005, nhóm các nhà nghiên cứu thuộc Trung tâm Phát triển nghệ thuật âm nhạc Việt Nam gồm Giáo sư, Tiến sỹ Phạm Minh Khang (nguyên chủ nhiệm Khoa Lý luận- Sáng tác- Chỉ huy), nhạc sỹ Thao Giang, nhạc sỹ Hạnh Nhân, Nghệ sỹ nhân dân Xuân Hoạch, Nghệ sỹ nhân dân Thanh Ngoan, Nghệ sỹ ưu tú Văn Ty, nhạc sỹ Nguyễn Quang Long, nghệ sỹ ưu tú Mai Tuyết Hoa... quyết tâm phục hồi nghệ thuật hát xẩm.

Các nghệ sỹ trong nhóm nghiên cứu vừa tìm kiếm ở nhiều nguồn tư liệu khác nhau, không quản ngại khó khăn, lần tìm đến các nghệ nhân hát xẩm còn sót lại để tìm hiểu, nghiên cứu và ghi nhớ và học lại những điệu hát xẩm, bài xẩm rồi từng bước khôi phục nghệ thuật hát xẩm, đưa loại hình nghệ thuật này trở lại với công chúng. Và thế là, những điệu xẩm chợ, xẩm chênh bong, xẩm riềm huê, xẩm tàu điện, xẩm ba bậc, xẩm thập ân... dần được phục hồi.

Không chỉ nghiên cứu, phục hồi các điệu xẩm, nhóm nghiên cứu còn từng bước đưa nghệ thuật hát xẩm trở lại với công chúng bằng việc cho ra đời của album Xẩm Hà Nội cùng một “chiếu xẩm” dân gian mang tên “Hà Nội 36 phố phường” tại chợ đêm Hàng Đào - Đồng Xuân. Từ đó đến nay đã gần 15 năm, chiếu xẩm Đồng Xuân đã thu hút đông đảo người dân thủ đô cũng như du khách trong và ngoài nước, trở thành một điểm đến văn hóa đặc sắc của chợ đêm Hàng Đào – Đồng Xuân vào mỗi tối thứ 7 hàng tuần.

Cùng với việc biểu diễn hàng tuần tại phố cổ Hà Nội, trong một thời dài, Trung tâm Phát triển nghệ thuật âm nhạc Việt Nam còn tổ chức dạy hát xẩm miễn phí cho những người muốn học, với mong muốn nghệ thuật hát xẩm ngày càng được nhiều người biết đến, đặc biệt là các bạn trẻ. Trong nỗ lực đưa hát xẩm trở lại với cộng đồng, năm 2008, Trung tâm phát triển âm nhạc Việt Nam còn tổ chức phục dựng lại lễ Giỗ Tổ nghề hát xẩm truyền thống sau 50 năm gián đoạn.

Sau này, nhóm các nghệ sỹ trẻ gồm Nghệ sỹ Mai Tuyết Hoa (truyền nhân của nghệ nhân hát xẩm Hà Thị Cầu), nhạc sỹ Nguyễn Quang Long cùng một số người yêu xẩm thành lập nhóm Xẩm Hà Thành (thuộc Trung tâm Nghiên cứu bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc). Các nghệ sỹ vừa  nghiên cứu, bảo tồn nghệ thuật hát xẩm, vừa quảng bá đưa nghệ thuật hát xẩm đến đông đảo công chúng trong và ngoài nước.

3 năm trở lại đây, các nghệ sỹ nhóm Xẩm Hà Thành đều đặn tổ chức các chương trình nghệ thuật tại khu vực đền Vua Lê, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội vào các tối thứ Sáu, thứ 7, Chủ nhật hàng tuần. Chương trình giành phần lớn thời lượng giới thiệu và biểu diễn nghệ thuật hát xẩm cùng một số loại hình nghệ thuật dân gian phục vụ du khách trong và ngoài nước.

Trải qua hành trình gần 15 năm nỗ lực bảo tồn, gìn giữ và phát triển, đến nay, nghệ thuật hát xẩm đã có một chỗ đứng trong gia đình âm nhạc cổ truyền dân tộc.

(Hát xẩm - Hành trình đến di sản: Bài cuối: Tìm chỗ đứng cho nghệ thuật hát xẩm)

Phương Lan/TTXVN

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm