Hành trình thú vị từ hiện thực đến cực thực

13/11/2018 06:43 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Triển lãm Nhóm hiện thực khai mạc lúc 17h30 ngày 14/11 tại Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM quy tụ đông đảo nhất các họa sĩ hiện thực hiện nay. Tuy gọi là hiện thực (realism), nhưng có vài họa sĩ pha trộn cả bút pháp của rất thực (superrealism), cực thực (hyperrealism), hoặc vẽ như ảnh thực (photorealism).

Nhóm hiện thực lần này gồm Phạm Bình Chương, Mai Duy Minh, Trịnh Minh Tiến, Đoàn Văn Tới, Phạm Minh Đức, Nguyễn Lê Tân, Nguyễn Đinh Duy Quyền, Lưu Tuyền, Nguyễn Văn Toán, Nguyễn Văn Bảy, Vũ Ngọc Vĩnh, Trần Thức, Lê Cù Thuần, Lê Thế Anh. Đa số họ đến từ Hà Nội và các tỉnh lân cận.

Hiện thực không phải là cái nhìn thấy

Hiện thực vốn được xem là một trong vài bút pháp căn bản của hội họa, vì những nghệ sĩ đầu tiên thường nỗ lực trong việc mô tả, tái hiện cuộc sống. Từ hiện thực, các trào lưu, quan niệm và bút pháp khác được sinh ra. Có lúc hiện thực bị nhìn nhận như là một bút pháp chân phương, thậm chí xưa cũ, nhưng trong quan niệm đương đại, thì mọi bút pháp đều bình đẳng, quan trọng là ý tưởng, ý niệm và cảm hứng của người vẽ.

Chú thích ảnh
Tác phẩm “Góc phố quen” (sơn dầu trên toan, 80cm x106cm, 2018) của Phạm Bình Chương phảng phất bút pháp ảnh thực

Với hơn 70 tác phẩm, Nhóm hiện thực mang lại cho người xem những rung cảm về mảnh đất, nơi chốn mà mình sinh sống; những trải nghiệm về không gian, thời gian, thời cuộc… Nếu dùng quan niệm của nhà phê bình Thái Bá Vân - “Hiện thực không phải là cái ta nhìn thấy bằng mắt, mà là cái ta quan niệm bằng tâm tưởng” - để soi chiếu vào triển lãm này, thì gần như tác phẩm nào cũng có được điều đó, dù ít dù nhiều.

Dù về tuổi đời và tuổi nghề có chênh lệch nhau chút đỉnh, nhưng điểm chung của Nhóm hiện thực chính là sự trẻ trung, chân thành trong lối vẽ. Nhiều tác phẩm tả thực như ảnh chụp, mới nhìn như chẳng có gì để xem ở góc độ hội họa, nhưng chính sự chân thành đã mang lại sự rung cảm, sự mới mẻ, nên hấp dẫn. Khi xem kĩ càng hơn, có đối chiếu với đời thực, dù căn bản vẫn là tả thực, nhưng mỗi họa sĩ đều có cách chắt lọc, lượt bỏ riêng, để hiện thực dù giống như thực, nhưng không còn là hiện thực đó nữa.

Cách vẽ của nhóm này cũng khác với lối vẽ hiện thực chủ nghĩa, vốn phổ biến mấy thập niên sau 1954, nơi hiện thực thường được vẽ như điều mong ước chung, ít có nỗi niềm riêng. Tác phẩm của Nhóm hiện thực không hứa hẹn với người xem về bất kì một hiện thực nào, mà chỉ lột tả tâm cảm, quan niệm riêng của họa sĩ. Nói cách khác, tuy vẽ về ngoại giới, nhưng thực chất là vẽ nội tâm, vẽ nỗi niềm riêng.

Chú thích ảnh
Điêu khắc của Trần Thức có tinh thần của bút pháp rất thực, theo nghĩa vượt qua hiện thực

Và cực thực dần hiện ra

Nếu bút pháp hiện thực có từ xa xưa, thì rất thực (superrealism) và cực thực (hyperrealism) ra đời vào những thập niên 1960 -1970 tại châu Âu và Mỹ, sau đó phổ biến khắp thế giới. Ngày nay các tác phẩm thuộc hai bút pháp này đã hiện diện từ môi trường hàn lâm đến thị trường, thu hút nhiều nhà đấu giá và sưu tập.

Trong 14 tác giả của Nhóm hiện thực, chỉ có Trần Thức không vẽ mà làm điêu khắc. Từng gây ấn tượng với những điêu khắc tả thực về các anh hùng, các bà mẹ Việt Nam, lần này điêu khắc của anh là cách phóng to các mầm cây lên rất nhiều lần, nhìn sống động như thực, nhưng thực tế thì chúng có bút pháp kiểu rất thực. Rõ ràng không còn là hiện thực sao y nữa, mà đó là hiện thực như siêu tưởng, như chiêm nghiệm.

Số phận kỳ lạ của một kiệt tác hội họa Việt Nam

Số phận kỳ lạ của một kiệt tác hội họa Việt Nam

Bức tranh sơn dầu Bình văn được họa sĩ Lê Văn Miến vẽ vào khoảng 1898- 1905 (trước thời điểm thành lập trường Đại học Mỹ thuật Đông Dương ít nhất 20 năm).

Trong Nhóm hiện thực này, nếu hỏi ai gần cực thực nhất, có lẽ là Trịnh Minh Tiến. Trước đây họa sĩ này gây ấn tượng bằng cách vẽ xe hơi cực thực, thì lần này, như dấn thêm một bước, thử thách sự cực thực qua các tác động khác. Vẽ nhà thờ qua lớp nước mưa trên cửa kính, hoặc bóng của nhà thờ soi trong vũng nước mưa, hiện thực hiện lên không còn như thực nữa.

Ra đời từ thập niên 1970, đến đầu thế kỷ 21, bút pháp ảnh thực (photorealism) được nhiều họa sĩ đưa vào tác phẩm của mình. Xem vài tranh của Phạm Bình Chương, Nguyễn Văn Bảy, Lê Thế Anh, Nguyễn Đình Duy Quyền…, chúng ta có thể thấy phảng phất nguyên tắc thẩm mỹ này.

Văn Bảy

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm