Hãng Phim Truyện Việt Nam: Cổ phần hóa xong, chúng tôi không phải đi lái tàu!

06/05/2016 12:03 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Trước câu hỏi của dư luận: tại sao Công ty TNHH Một thành viên Hãng Phim Truyện Việt Nam (VFS) lại chọn nhà đầu tư chiến lược là một công ty kinh doanh vận tải thủy; có hay không bán đổ bán tháo VFS với giá 32,5 tỉ đồng? Chiều 5/5, Bộ VH,TT&DL đã tổ chức một cuộc gặp gỡ với truyền thông để nói cho rõ.

Cuộc gặp mặt do Thứ trưởng Bộ VH,TT&DL Huỳnh Vĩnh Ái chủ trì, với sự tham gia của ông Trần Hoàng, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch, Tài chính; Tổng Giám đốc VFS - đạo diễn Vương Đức, cùng đại diện của Tổng công ty Vận tải thủy (VIVASO).

Hãng Phim Truyện Việt Nam không có đường lùi

Như Thể thao & Văn hóa đã đưa tin, cuối tháng 3, VFS đã tìm được nhà đầu tư chiến lược là VIVASO. Theo Bộ VH,TT&DL, sau khi đăng thông tin rao bán VFS, VIVASO là đơn vị duy nhất tới mua và sẵn sàng chấp nhận các phương án cổ phần hóa. Đơn vị này sẽ nắm giữ 65% vốn điều lệ, Nhà nước nắm giữ 20%, bán ra công chúng 10,5% số còn lại bán ưu đãi cho cán bộ, công nhân viên của công ty.

Tuy nhiên, câu hỏi lớn nhất mà dư luận đặt ra là liệu VIVASO có thể đảm đương nhiệm vụ sản xuất phim; liệu Hãng Phim Truyện Việt Nam - "anh cả Đỏ" của nền điện ảnh Cách mạng Việt Nam có bị xóa sổ sau khi được đơn vị này tiếp quản?


Thứ trưởng Bộ VH,TT&DL Huỳnh Vĩnh Ái (giữa), ông Trần Hoàng (trái), đạo diễn Vương Đức (phải)

Những nghệ sĩ điện ảnh không khỏi hoang mang trước quyết định bán hãng phim cho một đơn vị tư nhân không kinh doanh điện ảnh. Không mấy người đặt niềm tin vào quyết định này.

Đạo diễn Vương Đức chia sẻ: "Tôi rất hiểu tình cảm của những nghệ sĩ gắn bó với VFS, những người yêu điện ảnh khi họ chia sẻ tâm tư. Bản thân tôi cũng rất đau xót. Nhưng cổ phần hóa là nhiệm vụ. Cách đây 10 năm VFS đã tiến hành cổ phần mà không thành công. Đến thời điểm này không cổ phần chỉ có nước ôm nhau ra Hồ Tây chết chìm. Cổ phần vẫn hơn là “tự sát”. Khi họp bàn, chúng tôi đã có 100% sự thống nhất của nhân viên hãng. Khi chọn nhà đầu tư chiến lược, 6/7 thành viên Hội đồng của VFS đồng ý. Tôi cũng phải nói thêm, cổ phần hóa xong không có nghĩa chúng tôi sẽ phải lái tàu".

Thứ trưởng Huỳnh Vĩnh Ái cũng khẳng định: "Khi đã gia nhập WTO, TPP chúng ta phải tuân thủ luật chơi. VFS chỉ có con đường phải cổ phần hóa, nếu không sẽ phá sản, mà phá sản thì sẽ mất luôn phiên hiệu Hãng Phim Truyện Việt Nam. Theo Luật Doanh nghiệp hiện nay, Nhà nước cũng sẽ không thể tài trợ cho những doanh nghiệp làm ăn thua lỗ".

Đại diện Bộ VH,TT&DL khẳng định việc chọn VIVASO là đối tác chiến lược hoàn toàn hợp pháp, vì Luật Doanh nghiệp cho phép doanh nghiệp được quyền kinh doanh các ngành nghề mà pháp luật không cấm.


Trụ sở Hãng Phim Truyện Việt Nam

Ràng buộc VIVASO phải sản xuất phim

Sau khi tiến hành cổ phần hóa xong, VFS sẽ được đổi tên thành Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Phim truyện Việt Nam.

Bộ VH,TT&DL yêu cầu VIVASO cam kết 90% doanh thu của đơn vị này phải đến từ phim. Ngoài ra, sau khi bán cổ phần rộng rãi ra công chúng VIVASO phải dành 20% để phục vụ cho công tác sản xuất phim, trả những khoản nợ mà VFS đang gánh. Theo đạo diễn Vương Đức: "Lỗ lũy kế 20 năm của VFS hiện nay là 39 tỉ đồng, nên giá trị doanh nghiệp của VFS rất nhỏ".  

Về kế hoạch sử dụng đất của VIVASO sau khi mua VFS, ông Trần Hoàng, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch, Tài chính, Phó Trưởng ban chỉ đạo cổ phần hóa Hãng Phim Truyện Việt Nam cho biết: "VIVASO sẽ phải cam kết đầu tư cơ sở vật chất cho việc làm phim, tuân thủ sử dụng đất phục vụ sản xuất phim. Nếu đơn vị này sử dụng đất không đúng mục đích, Bộ hoàn toàn có thể gửi ý kiến lên thành phố để thu hồi lại đất; không thực hiện đúng cam kết sẽ phải bồi thường thiệt hại".

VFS đã sản xuất khoảng 325 bộ phim trong vòng 63 năm tồn tại. Bản quyền của số phim này thuộc về nhà nước. Muốn sử dụng số phim này phải được phép của Bộ VH,TT&DL, và được Cục Điện ảnh cấp phép. Khi tiến hành định giá để cổ phần hóa, kho phim (gồm toàn bản sao) của VFS được định giá khoảng 3 tỉ đồng. Bản gốc hiện đang được lưu trữ tại Viện phim Việt Nam.

Tiến trình cổ phần hóa

Năm 2003 nhà nước có chủ trương cổ phần hóa các hãng phim nhà nước (có 5 hãng phim nằm trong diện phải cổ phần). Tuy nhiên đến 2009 mới có duy nhất Hãng Phim Truyện 1 hoàn thành cổ phần. Đến 31/12/2015 là hạn chót cổ phần hóa, Hãng Phim Truyện Việt Nam mới tìm được đối tác chiến lược là VIVASO.

Các hãng còn lại là Hãng phim Giải Phóng, và Hãng Hoạt hình Việt Nam hiện nay vẫn tiếp tục đi tìm đối tác chiến lược. Còn Hãng phim Tài liệu & Khoa học Trung ương đã xin được cơ chế đặc thù sẽ không phải cổ phần hóa.

Ngọc Diệp
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm