Hà Nội định vị thương hiệu trung tâm văn hoá

12/06/2021 17:00 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Vừa qua tại Hà Nội đã diễn ra cuộc tọa đàm: "Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045" - Thực trạng và giải pháp do Thành ủy Hà Nội tổ chức.

Xây dựng thành phố sáng tạo và phát triển bền vững bằng di sản văn hóa

Xây dựng thành phố sáng tạo và phát triển bền vững bằng di sản văn hóa

Cách đây hơn 1 năm (30/10/2019), Tổng giám đốc UNESCO Audrey Azoulay đã ký Quyết định công nhận 66 thành phố trên thế giới chính thức gia nhập Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO, trong đó có Thành phố Hà Nội.

Tại tọa đàm, rất nhiều ý kiến tập trung nêu vấn đề: Để phát triển công nghiệp văn hóa là bước đột phá trong phát triển văn hóa Thủ đô theo đúng Nghị quyết đặt ra, Hà Nội định vị thương hiệu, xây dựng thương hiệu Thành phố sáng tạo, xây dựng Hà Nội thành một trung tâm văn hoá tiên tiến, đi đầu trong cả nước, xứng với truyền thống và tiềm năng sẵn có...

Theo Thành ủy Hà Nội, Nghị quyết chuyên đề “Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” là một trong hai Nghị quyết chuyên đề được xác định trong cả nhiệm kỳ Đại hội Đảng bộ lần thứ XVII của Hà Nội.

Nghị quyết chuyên đề nhằm tạo bước đột phá trong phát triển văn hóa Thủ đô với tầm nhìn rộng mở, nhằm bắt nhịp xu thế thời đại; không ngừng phát triển, nâng cao chất lượng văn hóa, đảm bảo hài hòa giữa bảo tồn và phát triển văn hóa, cải thiện đời sống tinh thần nhân dân gắn với thu hẹp khoảng cách, nâng cao khả năng thụ hưởng văn hóa giữa các vùng khu vực đô thị, ngoại thành, khu xa trung tâm…, góp phần quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, gia tăng tỷ trọng đóng góp vào GRDP của Thành phố.

Chú thích ảnh
Người dân tuân thủ việc đeo khẩu trang tại Văn Miếu. Ảnh: Tuấn Đức - TTXVN

Đây vừa là quyết tâm chính trị cao của Thành phố thực hiện cam kết với UNESCO trong việc xây dựng Hà Nội trở thành “Thành phố sáng tạo” trên lĩnh vực “Thiết kế” của khu vực Đông Nam Á, với nền tảng là các ngành công nghiệp văn hóa sáng tạo của Thủ đô.

Hà Nội đã chủ trương ban hành nhiều chính sách tích cực nhằm thúc đẩy phát triển văn hóa nói chung và công nghiệp văn hóa nói riêng; tổ chức nhiều cuộc hội thảo, tọa đàm tham vấn; Phát triển các không gian sáng tạo văn hóa nghệ thuật cộng đồng... Đặc biệt, tròn 20 năm sau khi đón nhận danh hiệu “Thành phố vì hòa bình” do UNESCO trao tặng, ngày 30/10/2019, Hà Nội tiếp tục được vinh danh là thành viên “Mạng lưới các thành phố sáng tạo” của UNESCO.

Trong những năm qua, thành phố Hà Nội đã tổ chức và phối hợp tổ chức thành công nhiều lễ hội, sự kiện quy mô lớn trong lĩnh vực công nghiệp văn hóa sáng tạo như: Liên hoan phim quốc tế Hà Nội HANIFF; Cuộc thi thiết kế mẫu sản phẩm Thủ công mỹ nghệ Hà Nội; Lễ hội đường phố Hà Nội, Lễ hội âm nhạc gió mùa, Lễ hội Nghệ thuật dân gian đương đại, Chương trình “tinh hoa Bắc Bộ”... Phát triển các không gian sáng tạo văn hóa nghệ thuật cộng đồng như: Không gian đi bộ Hồ Gươm, phố Bích họa Phùng Hưng, Không gian văn hóa nghệ thuật Phúc Tân, Phố sách Hà Nội tại phố 19/12, Hoàng Thành Thăng Long, các sân vận động, nhà bảo tàng, nhà văn hóa…Cùng với đó là sự phát triển chủ động, mạnh mẽ về số lượng, từng bước nâng cao chất lượng của các mô hình không gian sáng tạo văn hóa, nghệ thuật của các doanh nghiệp.

Tuy nhiên, Hà Nội cũng nhận thấy còn nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt, thị trường văn hoá phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế vốn có của Hà Nội.

Chú thích ảnh
Lễ đài và gác chuông của nghĩa trang có kiến trúc của công trình Khuê Văn Các. Ảnh: Xuân Tiến-TTXVN

Tại cuộc tọa đàm, các đại biểu đã tập trung vào 4 nhóm vấn đề: (1) Nhận diện tiềm năng, thế mạnh của Hà Nội trong các lĩnh vực công nghiệp văn hóa, đánh giá nguồn lực kinh tế các ngành công nghiệp văn hóa có thể đóng góp vào tăng trưởng GRDP của Thủ đô. (2) Những lĩnh vực đại biểu quan tâm, thuận lợi và khó khăn trong quá trình phát triển hiện nay; những sáng kiến tham vấn, gợi mở. (3) Đề xuất với Thành phố các cơ chế, chính sách tạo điều kiện thúc đẩy các ngành công nghiệp văn hóa phát triển. (4) Sự vào cuộc, đóng góp của các đơn vị trong quá trình Thành phố triển khai thực hiện Nghị quyết.

Nêu ý kiến tại tọa đàm, ông Lê Quốc Vinh (Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc của Le Group of Companies) cho rằng đã 2 năm Hà Nội được UNESCO công nhận là “thành phố sáng tạo”, nhưng danh hiệu đó mới chỉ được những người liên quan, nằm trong hệ thống chính quyền và các cơ quan tham gia vào tiến trình vận động quan tâm. Ngay cả “công nghiệp sáng tạo”, “công nghiệp văn hoá” là gì cũng rất nhiều người chưa hiểu đúng.

"Câu chuyện ở đây không phải là truyền thông mà là xây dựng thương hiệu thành phố sáng tạo cho Hà Nội như thế nào, làm thế nào để công chúng, các bên liên quan và nhất là những người phương xa và bạn bè quốc tế công nhận chúng ta có một thành phố sáng tạo", ông Lê Quốc Vinh nêu.

Ông Lê Quốc Vinh cho biết đã thực hiện một khảo sát bỏ túi trên mạng Facebook, với 471 người trả lời, thì có đến 67,9% chưa hề biết rằng Hà Nội đã được UNESCO công nhận là thành phố sáng tạo, trong đó 14,6% trả lời chưa biết “thành phố sáng tạo” là gì.

Vì vậy, ông Lê Quốc Vinh nêu Hà Nội cần xây dựng thương hiệu thành phố sáng tạo, có chiến lược xây dựng cụ thể cho từng giai đoạn. Hà Nội được định vị là một thành phố thiết kế sáng tạo, nhưng chưa đủ. Định vị thương hiệu cần hội đủ ba yếu tố: Sự khác biệt; Tính phù hợp và Triết lý riêng của thương hiệu. Đối với Hà Nội còn cần thêm các yếu tố khác biệt mang tính đặc trưng văn hoá Việt Nam, cá tính của vùng đất ngàn năm văn hiến, sự tương thích với con đường chiến lược phát triển công nghiệp văn hoá của Thủ đô.

Ông Lê Quốc Vinh cho rằng, xây dựng thương hiệu “thành phố sáng tạo” cho Hà Nội chính là tìm cho nó một giá trị lõi, kiến tạo hệ sinh thái sáng tạo xung quanh giá trị lõi đó và tạo điều kiện tốt nhất để mọi người có cơ hội trải nghiệm giá trị lõi đó.

Cũng tại tọa đàm, nhạc sỹ Quốc Trung nêu ý kiến, trong thời gian gần đây chúng ta thường nhắc tới công nghiệp văn hoá và công nghiệp sáng tạo nhưng dường như với các thành phần tham gia nền công nghiệp này thì khái niệm cũng như định hướng về nó còn rất mơ hồ.

Với Hà Nội, cần xây dựng Thủ Đô Hà Nội thành một trung tâm văn hoá tiên tiến, đi đầu trong cả nước, xứng với truyền thống và tiềm năng sẵn có. Là người hoạt động nghệ thuật nhiều năm, nhạc sỹ Quốc Trung nhấn mạnh Hà Nội đang là nơi có tinh thần cởi mở hơn trong cả nước, nhưng chừng đó chưa đủ để chúng ta xây dựng Hà Nội trở thành thành một Thành phố văn hoá tiêu biểu không chỉ phạm vi trong nước.

Từ kinh nghiệm thực tế khi thực hiện các dự án, nhạc sỹ Quốc Trung nhận định chúng ta còn bỏ phí rất nhiều cơ hội quảng bá hình ảnh trong và ngoài nước khi các kế hoạch thiếu thời gian chuẩn bị, đồng thời thiếu những không gian văn hoá mang tính tiêu biểu để mang lại cảm hứng cho ngành công nghiệp và cộng đồng.

Việc xây dựng các không gian văn hoá đặc biệt cho lớp trẻ sẽ tạo nên một thế hệ văn minh, một thói quen thưởng thức lành mạnh và một môi trường phát triển công nghiệp văn hóa. Không gian văn hoá không chỉ đơn thuần là về mặt cảnh quan kiến trúc mà còn mang những nội dung, hoạt động mang lại một không gian mà người dân Thành phố coi đó là của mình, do mình tạo nên - nơi mà họ mang đầy sự tự hào mỗi khi nhắc tới.

Theo Phó Bí thư Thành uỷ Hà Nội Nguyễn Văn Phong cho biết, Ban Tổ chức cũng thống nhất về mặt nhận thức, về tầm quan trọng việc phát triển công nghiệp văn hoá trên địa bàn Thủ đô, bắt nhịp với dòng chảy hội nhập quốc tế. Thành phố sẽ chú trọng vào một số phần việc như: Tạo dựng môi trường thuận lợi cho phát triển công nghiệp văn hoá, xây dựng hạ tầng, cơ sở vật chất, hoàn chỉnh các quy hoạch văn hoá. hoàn thiện, bổ sung cơ chế chính sách phù hợp...

Đây là việc làm dài hơi và cần có sự đầu tư bài bản, lâu dài, vì thế thành phố đã xây dựng chiến lược Phát triển công nghiệp văn hoá trên địa bàn Thủ đô gồm nhiều giai đoạn cụ thể.

Thảo Nhi

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm