Gồng mình vì 'bản sắc' và chống ngoại lai

29/05/2013 08:25 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Hội thảo Sự ảnh hưởng của xu thế văn hóa thế giới trong định hướng chính sách và quản lý văn hóa do Bộ VH,TT&DL tổ chức vào sáng hôm qua (28/5) tiếp tục làm dấy lên những vấn đề "nóng" về văn hóa. Tại hội thảo nhiều nhà nghiên cứu đã nhắc lại quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh: "Văn hóa soi đường cho quốc dân đi".

Nói về thực trạng văn hóa Việt Nam hiện nay nhiều nhà nghiên cứu văn hóa có thể rơi vào trạng thái... trầm cảm. Có quá nhiều biến động, thay đổi về văn hóa sau 27 năm Việt Nam thực hiện công cuộc đổi mới. Dù hiện tại đời sống kinh tế của người Việt khấm khá hơn xưa rất nhiều, nhưng chúng ta vẫn đang loay hoay giữ gìn bản sắc Việt Nam, vất vả chống chọi với những dòng thác văn hóa ngoại lai.

Văn hóa hay kinh tế soi đường?

Tại hội thảo nhà phê bình Lại Nguyên Ân cho rằng văn hóa trong nước đang phải gồng mình chống đỡ trước văn hóa ngoại lai và phản ứng của chúng ta không hiệu quả.

"Lễ hội là bằng chứng rõ nhất chúng ta đang gồng mình phát triển 'tố chất' Việt. Nhưng bỏ tiền tỉ phát triển lễ hội lại gián tiếp khôi phục nạn mê tín dị đoan, không phù hợp với xã hội hiện đại... Tôi chưa hiểu xã hội sẽ vượt qua như thế nào?" - ông nói.



Hội thảo Sự ảnh hưởng của xu thế văn hóa thế giới trong định hướng chính sách và quản lý văn hóa

PGS. TS Đào Tuấn Ảnh - Viện Văn học trăn trở: "Sự suy thoái văn hóa hiện đang điễn ra cực kỳ nghiêm trọng. Trước kia mâu thuẫn là do kinh tế, giờ văn hóa có thể dẫn đến xung đột toàn thế giới ".

Trong hội thảo nhiều nhà nghiên cứu đã nhắc lại quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh: "Văn hóa soi đường cho quốc dân đi". Nhà phê bình lý luận Ngô Thảo cho biết ông rất thấm thía quan điểm này: "Văn hóa soi đường chứ không phải kinh tế soi đường, nhưng giờ tôi thấy kinh tế hiện đang chi phối tất cả. Ngay cả khẩu hiệu Dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng văn minh tôi cũng thấy có vấn đề ở chữ Dân giàu. Giàu có mang lại hạnh phúc không? Tôi đề cao từ Hạnh phúc trong khẩu hiệu Độc lập – Tự do – Hạnh phúc hơn".

"Muốn xây dựng con người Việt Nam thì phải nghiên cứu con người Việt Nam, chứ không thể nói mãi con người Việt Nam cần cù, thông minh, sáng tạo" (TS Nguyễn Viết Chức).

"Muốn xây dựng văn hóa phải có con người văn hóa"

Câu chuyện của nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Phú Bình, từng làm Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền tại Nhật Bản chia sẻ tại hội thảo dù chỉ là chuyện mắt thấy tai nghe ở Nhật Bản, nhưng người Việt Nam nhìn vào đó sẽ thấy rất nhiều bài học. Chúng ta có thể viết một cuốn sách hàng ngàn trang về thói hư tật xấu của người Việt Nam. Nhưng đến bao giờ chúng ta mới xây dựng được con người như ở Nhật Bản?

Ông Nguyễn Quốc Bình kể: "Tôi đã từng hỏi một quan chức Nhật Bản tại sao trong hoàn cảnh bị động đất người Nhật vẫn có thể bình tĩnh, vẫn xếp hàng xin đồ trợ cấp chứ không chen lấn? Người này suy nghĩ rất lâu mới trả lời: "Tôi nghĩ trong hoàn cảnh như vậy không ai có thể làm khác được". Qua đó có thể thấy ý thức cộng đồng của người dân Nhật Bản rất cao và họ coi đó là điều hiển nhiên, ai cũng phải làm".

Ông chia sẻ: "Người Nhật cũng rất khiêm nhường không hay nhận mình là nhất thế giới như chúng ta. Tôi từng chứng kiến bảo vệ đánh thức người vô gia cư ở công viên vô cùng lịch sự, cả hai cứ rối rít xin lỗi nhau chứ không thấy ai quát ai. Người Nhật cũng rất có ý thức tiết kiệm, vào tháng 6 các công sở đều chưa được bật điều hòa, có quy định từng thời điểm Quốc hội chỉ được phép bật điều hòa 28 độ. Người Nhật cũng rất thực tế và không hình thức như chúng ta. Họ không có cơ quan nào chỉ làm công tác thi đua khen thưởng như ở Việt Nam...".

Sau khi chia sẻ ông Nguyễn Quốc Bình rút ra kết luận: "Muốn xây dựng văn hóa, trước hết chúng ta phải có con người văn hóa. Mà con người văn hóa chỉ có nhờ giáo dục từ nhỏ".

Trong hội thảo Thực trạng và giải pháp phát triển nền văn hóa Việt Nam trong thời kỳ mới được tổ chức trước đó 2 tuần, vấn đề phát triển con người Việt Nam được rất nhiều nhà nghiên cứu quan tâm. TS Nguyễn Viết Chức nhận định: "Chưa bao giờ xã hội nhiều tệ nạn như bây giờ, con người ngày càng ích kỉ, sùng bái vật chất. Nếu xem báo mạng chúng ta sẽ giật mình về con người Việt Nam hôm nay... Muốn xây dựng con người Việt Nam thì phải nghiên cứu con người Việt Nam, chứ không thể nói mãi con người Việt Nam cần cù, thông minh, sáng tạo".

Cũng trong cuộc hội thảo nói trên, GS.TS Trần Văn Bính nêu ý kiến: "Những vấn đề về văn hóa Việt Nam trong thời kỳ mới có đến mười Bộ VH,TT&DL cũng không thể giải quyết được vì liên quan đến quá nhiều lĩnh vực. Phải chăng đã đến lúc lập Ủy ban Quốc gia về văn hóa, trong đó các Bộ VH,TT&DL, Giáo dục & Đào tạo, Khoa học & Công nghệ... phải cùng vào cuộc".

Ngọc Diệp
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm