Góc nhìn 365: 'Nhân loại, hãy cảnh giác!'

02/12/2021 07:25 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Xin được mượn câu nói nổi tiếng của Julius Fucik, tác giả cuốn Viết dưới giá treo cổ để nhắc nhở chúng ta về ý thức phòng chống dịch Covid-19, khi mà giờ đây cả thế giới đang phải tiếp tục chiến đấu với biến thể mới của nó, đó là Omicron.

Góc nhìn 365: Đừng để 'Tết này Covid xông nhà'

Góc nhìn 365: Đừng để 'Tết này Covid xông nhà'

Chúng ta chỉ còn hơn một tháng nữa là đón Tết Dương lịch, và năm nay, Tết Âm lịch cũng đến rất nhanh, đúng một tháng sau tết dương.

Biến chủng Omicron được ghi nhận lần đầu ở Nam Phi hôm 24/11 vừa qua, tiếp đó là một số nơi khác. Và, dù còn phải kiểm chứng thêm, những phỏng đoán ban đầu về việc biến chủng này có tốc độ lây lan cao hơn biến thể Delta đang khiến người dân trên thế giới lo lắng…

Tại nước ta, Bộ Y tế cho biết, đến ngày 28/11 chưa ghi nhận trường hợp nào mắc Covid-19 với chủng Omicron. Song Bộ Y tế vẫn đề xuất Chính phủ tạm dừng các chuyến bay đến hay về từ Nam Phi. Hệ thống giám sát dịch bệnh tại Việt Nam đã tăng cường các hoạt động nhằm phát hiện sớm những dấu hiệu bất thường của các ổ dịch.

Tình hình dịch bệnh hiện nay khiến tôi nhớ lại những ngày đầu chúng ta làm quen với internet, làm quen với các phần mềm trên máy tính và rồi cũng bị nhiễm các virus máy tính khiến cho máy bị “treo”, các ổ cứng bị phá, thông tin dữ liệu bị xóa hoặc mất không thể khôi phục lại được. Có điều gì đó giống như cuộc chiến chống các biến thể mới của Covid-19 bây giờ.

Chú thích ảnh
Hình ảnh minh họa biến thể Omicron (phải) và Delta (trái). Ảnh: Getty Images/TTXVN

Khi gặp sự cố như thế, thường là người dùng gọi điện nhờ vả người thân hoặc là hỏi các chuyên gia tư vấn tìm các xử lý virus. Cách đơn giản là xóa hết phần mềm cũ đi, cài đặt lại, tránh vào những trang web mới lạ, không tải về máy những phần mềm chưa được kiểm tra, chưa được hướng dẫn sử dụng... Và quan trọng không kém là phải hiểu được tính chất của các virus xâm nhập, từ đó có cách bảo mật thông tin, bảo vệ máy tính tránh những thiệt hại không đáng có.

Chúng ta ai cũng hiểu virus máy tính cũng như virus dịch bệnh trong cuộc sống loài người về mặt bản chất là tiến hóa và tái tạo trong cộng đồng khi lây lan. Từ góc độ tiến hóa, các nhà khoa học cho rằng mục tiêu tiến hóa của virus không phải là trở nên gây chết chóc hơn, bởi nếu giết hết vật chủ, virus cũng tuyệt chủng. Đấy là cách chúng tồn tại và sản sinh ra các thế hệ sau này.

Hiểu được những điều này, chúng ta sẽ cảm thấy tự tin hơn trong cuộc chiến chống dịch bệnh. Như thế, thay vì hoang mang lo lắng, hãy bình tĩnh theo dõi các hướng dẫn, tuân thủ các biện pháp phòng chống dịch bệnh được khuyến cáo, áp dụng triệt để các biện pháp phòng chống an toàn cho chính mình và người thân, sau đó là tránh gây ảnh hưởng đến cộng đồng.

Các chuyên gia dịch tễ cho rằng, hiện nay chưa thể kết luận về mức độ gây bệnh nặng của biến chủng Omicron, song cần cảnh giác vì khả năng lây lan nhanh có thể gây ra tình trạng quá tải hệ thống y tế. Trước mắt, chúng ta vẫn cần phải tuân thủ nghiêm ngặt những cái “phải làm”, đó chính là thực hiện thông điệp 5K, hạn chế tụ tập đông người, nâng cao trách nhiệm và ý thức phòng chống dịch trong cuộc sống hàng ngày, cảnh giác với biến chủng mới. Bên cạnh đó, cố gắng làm tốt những cái “có thể làm” như là tiết kiệm chi tiêu, hạn chế ra đường đi lại nếu không thực sự cần thiết, học cách duy trì giữ gìn sức khỏe hàng ngày, khai báo y tế đầy đủ, trung thực..., đấy cũng là bổn phận của một công dân, bất cứ ai cũng phải làm.

Vẫn biết, dịch bệnh diễn biến ra sao là điều không thể nói trước. Nhưng làm được như những gì đã nêu trên tức là chúng ta đã chấp nhận sống chung với dịch bệnh thực sự với một tâm thế chủ động, không còn tâm lý hoang mang, căng thẳng bởi vì bây giờ cả thế giới đều dồn sức, tập trung vào cuộc chiến này chứ không phải riêng một ai cả.

“Nhân loại, hãy cảnh giác!”- điều này giờ đây vẫn đúng!

Quốc Khánh

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm