Góc nhìn 365: Khoa học không hề khô cứng

03/09/2020 07:06 GMT+7

(Thethaovanhoa.vn) - Một cuộc trưng bày đặc biệt đang diễn ra trong những ngày này với tên gọi Giải thưởng Hồ Chí Minh của các nhà khoa học Việt Nam.

Trưng bày về Giải thưởng Hồ Chí Minh của các nhà khoa học Việt Nam

Trưng bày về Giải thưởng Hồ Chí Minh của các nhà khoa học Việt Nam

Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam cho biết, cuộc Trưng bày về Giải thưởng Hồ Chí Minh của các nhà khoa học Việt Nam với chủ đề "Khoa học: Sáng tạo và Cống hiến" sẽ khai mạc vào ngày 29/8/2020 tại Công viên Di sản các nhà khoa học Việt Nam (huyện Cao Phong, tỉnh Hòa Bình).

Trong tòa nhà mới khai trương ở Công viên Di sản các nhà khoa học Việt Nam (Cao Phong, Hòa Bình), căn phòng trưng bày rộng 170m2 là sự kết hợp đầy tính toán giữa thiết kế đồ họa và những tài liệu hiện vật. Gần như không phải sử dụng người thuyết minh, tất cả những hiện vật ấy đều biết cách tự kể câu chuyện của riêng mình, về sự sáng tạo và cống hiến của chủ nhân chúng khi xưa.

Tại đó, mỗi trang bản thảo, mỗi quyển nhật ký, mỗi hiện vật…đều khiến người ta phải dừng lại để xem và suy nghĩ khi được đặt trong tổng thể câu chuyện về cuộc đời mỗi nhà khoa học. Suy nghĩ, để xúc động, trân trọng, tự hào về sự trong sáng thuần khiết, lòng say mê tìm tòi và những hy sinh cho đất nước của những cái tên đã trở thành biểu tượng của khoa học như Đặng Văn Ngữ, Tôn Thất Tùng, Hoàng Tụy, Nguyễn Đình Tứ, Nguyễn Văn Đạo…

Cụ thể, đó là câu chuyện của GS Hoàng Tụy, người từng khiến giới toán học quốc tế phải ngạc nhiên khi trong điều kiện thiếu thốn của Hà Nội thập niên 1960 vẫn phát minh ra “nhát cắt Tụy” để giải bài toán quy hoạch lõm, khai sinh ra một lĩnh vực mới: Tối ưu hóa toàn cục. Là chuyện GS Nguyễn Văn Đạo làm toán với cái bụng đói meo vì thiếu những lát cơm độn sắn tại Lạng Sơn trong thời sơ tán nhưng vẫn tạo ra một trường phái mới trong nghiên cứu dao động phi tuyến ở Việt Nam.

Chú thích ảnh
Khu trưng bày triển lãm về Giáo sư Tôn Thất Tùng. Nguồn: most.gov.vn

Rồi, đó là chuyện tại Liên Xô, nhà vật lý trẻ Việt Nam Nguyễn Đình Tứ đã khiến các nhà khoa học Tây Âu dành lời ngợi khen khi tìm ra phản hạt hyperon sigma âm mà thế giới chưa tìm ra được. Là chuyện du học sinh- bác sĩ Đặng Văn Ngữ tại Nhật Bản vẫn đau đáu hướng về đất nước, để rồi gạt bỏ các đãi ngộ vật chất và điều kiện làm việc để trở về phục vụ kháng chiến và hy sinh vì Tổ quốc...

Phần nào, những gì xuất hiện trong cuộc trưng bày lại một lần nữa là minh chứng cho một điều đã được nhắc đến từ lâu: Nếu có một cách tiếp cận đủ nhân văn, hợp lý và đặt con người làm trung tâm - thay vì những cách tiếp cận sáo rỗng, cứng nhắc - thì mọi cuộc trưng bày đều có thể hấp dẫn và thu hút người xem, kể cả ở một lĩnh vực tưởng như khô khan là khoa học...

***

Xa hơn thế, khái niệm “di sản khoa học” cũng là điều đáng bàn từ cuộc trưng bày này.

Cần nhắc lại, như phân tích của các chuyên gia, nền khoa học của Việt Nam có những đặc thù rất khác với câu chuyện tại châu Âu, Mỹ hay Nhật Bản - những nước có nền khoa học phát triển lâu đời. Với những đặc thù lịch sử của mình, nền khoa học Việt Nam chỉ bắt đầu nhen nhóm trong giai đoạn 1945 - 1954 và thật sự phát triển trong thời gian sau đó. Ở một nền khoa học non trẻ - và cũng đã có những thành tựu nhất định như thế - tư liệu về các nhà khoa học rất cần được sưu tập và tổ chức bài bản, để chúng ta có thể hệ thống và hiểu rõ về những gương mặt đã làm nên chiều sâu trí tuệ cho đất nước mình.

Như chia sẻ của PGS Nguyễn Văn Huy, Giám đốc phụ trách chuyên môn tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học, trong hơn chục năm qua, nhận thức của xã hội đang chuyển động theo “hành trình đi từ không đến có” về vấn đề này. Ở thời điểm trước, khái niệm “di sản” gắn với các nhà khoa học thường vẫn mặc định đượcchỉ gắn với các công trình mà họ để lại.Để rồi, những năm gần đây, theo thời gian, chúng ta mới nhận ra: Những vật dụng cũ, những tài liệu viết tay, những bản thảo, giấy nháp, nhật trình, nhật ký, thậm chí là thư từ cá nhân...đều là những tài liệu vô giá để có thể hiểu trọn vẹn về những con người kiệt xuất từng đi trước mình.

Bởi, ngoài những gì đã làm được trong thời đại của mình, họ còn có một vai trò đặc biệt: Truyền cảm hứng và động lực cho những thế hệ tiếp sau.

Sơn Tùng

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm