Góc nhìn 365: 'Đánh thức' di sản bằng công nghệ

21/12/2021 07:00 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Trong khi chưa thể (hoặc không thể) phục dựng những di sản kiến trúc tiêu biểu của Thăng Long - Hà Nội xưa, chúng ta hoàn toàn có thể xây dựng những kiến trúc “ảo” bằng công nghệ để thu hút, cũng như cung cấp kiến thức cho du khách.

'Tái lập kiến trúc chùa Diên Hựu - Một Cột bằng công nghệ thực tế ảo': Hành trình 10 năm yêu di sản, văn hóa Thăng Long

'Tái lập kiến trúc chùa Diên Hựu - Một Cột bằng công nghệ thực tế ảo': Hành trình 10 năm yêu di sản, văn hóa Thăng Long

Không gian lộng lẫy vàng son một thuở của chùa Một Cột – biểu tượng văn hóa ngàn năm của Thăng Long - Hà Nội đã được hiện thực hóa bởi nhóm SEN Heritage thông qua dự án "Tái lập kiến trúc chùa Diên Hựu - Một Cột bằng công nghệ thực tế ảo", công bố vào cuối năm 2020.

Đó là điểm chung của khá nhiều ý kiến tại hội thảo Kinh đô Thăng Long - Hà Nội, từ tư liệu lịch sử đến những kết quả nghiên cứu mới diễn ra vào cuối tuần qua.

Những ý kiến ấy gắn với một thực tế: Vài năm qua, công nghệ hiện đại đã giúp hệ thống di sản trên toàn quốc có những bước tiến khá nhanh trong việc phát huy các giá trị tiềm ẩn của mình…

Điển hình, trong thời điểm dịch Covid-19 bùng nổ, khá nhiều di tích trên cả nước đã tổ chức những cuộc triển lãm trực tuyến hay tour tham quan “ảo” phục vụ cộng đồng, từ đó rút ngắn những hạn chế về khoảng cách địa lý, thời gian hay điều kiện cá nhân... của những người có nhu cầu tìm hiểu.

Chú thích ảnh
 Tọa đàm khoa học “Kinh đô Thăng Long - Hà Nội, từ tư liệu lịch sử đến những kết quả nghiên cứu mới”

Nhưng, những chương trình trực tuyến ấy mới chỉ là bước đi cơ bản. Cụ thể, những tour tham quan ảo thường được thực hiện bằng việc sử dụng máy ảnh chụp chi tiết, chất lượng cao các không gian của di tích ở cả 3 chiều. Sau đó, những bức ảnh sẽ được gắn kết tự động trên phần mềm máy tính và kết nối lại thành tuyến tham quan gần đúng nhất với tuyến tham quan thực tế. Tương tự, triển lãm online gắn với việc số hóa sản phẩm trưng bày theo từng chủ đề (nội dung, hình ảnh, thiết kế đồ họa pano triển lãm), dàn dựng lại trên phần mềm máy tính và giới thiệu đến công chúng qua website.

Trong khi đó, theo các chuyên gia, khi công nghệ hiện đại cho phép di sản có thể làm được hơn thế rất nhiều.

Điển hình, đó là việc ứng dụng công nghệ 3D để phục dựng các di tích quy mô lớn, với nhiều lớp kiến trúc chồng xếp, cắt phá nhau - vốn đang chỉ dừng lại ở mức độ nghiên cứu mặt bằng tổng thể trên thực tế. Theo đó, dựa trên các dữ liệu khảo cổ được thu thập, kể từ mặt bằng, vật liệu, kỹ thuật và quy trình tạp tác cho tới thành phần, cấu trúc của từng bộ phận cấu thành, các kiến trúc sẽ lần lượt được phục dựng bằng phần mềm chuyên dụng sao cho gần nguyên gốc nhất.

Chú thích ảnh
Đoan Môn là cửa chính phía Nam vào Hoàng thành Thăng Long được xây dựng vào thời nhà Lê trung hưng được tu sửa vào thời nhà Nguyễn. Ảnh: TTXVN

Như chia sẻ từ TS Văn Anh (ĐH Quốc gia Hà Nội) bên cạnh giá trị hỗ trợ và làm tiền đề cho phục dựng “thật”, phục dựng 3D cũng là hình thức giới thiệu, quảng bá giá trị di tích hiệu quả và sinh động. Bởi vậy, hầu hết các di tích lớn trên thế giới như đấu trường La Mã, các lăng tẩm Ai Cập cổ đại, cố đô Nara (Nhật Bản) hay Đại Minh cung (Trung Quốc) đều ứng dụng công nghệ này.

Còn tại Việt Nam, việc phục dựng các di tích khảo cổ - đặc biệt là khảo cổ kiến trúc - chưa được áp dụng nhiều, và gần như chưa có một nghiên cứu cụ thể nào được thực hiện hoàn chỉnh theo hướng này.

Tuy vậy, một số tín hiệu vui về việc phục dựng di tích theo công nghệ 3D cũng xuất hiện. Điển hình, hình ảnh một số công trình kiến trúc quan trọng trong kinh thành Thăng Long thời Lý, Trần thế kỷ XII-XIII và tổng thể Thành cổ Hà Nội thế kỷ XIX của nhóm 3D Hà Nội trong những năm qua đã có sự đón nhận lớn từ cộng đồng - dù về bản chất, đây vẫn bị đánh giá là thiên về mô phỏng, yếu về nền tảng khoa học và cứ liệu đầu vào cơ bản.

Hoặc, một số thử nghiệm của Viện Nghiên cứu Kinh thành (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) về kiến trúc thời Lý tại khu E Hoàng thành Thăng Long, tổng mặt bằng các dấu vết kiến trúc thời Lý phát hiện tại khu 18 Hoàng Diệu và hay hành cung Lỗ Giang (Thái Bình) cũng được đánh giá cao.

Dù còn là một chặng đường dài về công nghệ, con người, kinh nghiệm - và đặc biệt là những kết quả nghiên cứu thu thập trên thực tế -nhưng rõ ràng, việc phục dựng di tích theo công nghệ 3D vẫn sẽ là một trong những hướng đi hợp lý để “đánh thức” di tích trong thời gian tới.

Trí Uẩn

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm