Góc nhìn 365: Cơ hội của... băng tuyết

22/02/2022 07:00 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Du khách ùn ùn đổ tới những vùng núi cao phía Bắc để chờ tuyết rơi. Đó là cảnh tượng phổ biến trong 2 ngày cuối tuần vừa qua, khi nhiệt độ giảm sâu kèm theo không khí lạnh đã khiến các khu vực này bắt đầu có dấu hiệu xuất hiện băng tuyết.

Hình ảnh băng giá phủ kín đỉnh Phia Oắc

Hình ảnh băng giá phủ kín đỉnh Phia Oắc

Trong hai ngày 20, 21/2/2022, không khí lạnh ảnh hưởng đến Cao Bằng đạt ngưỡng cực đại, nhiệt độ của địa phương này giảm sâu, đặc biệt băng giá đã phủ kín đỉnh núi Phịa Oắc (xã Thành Công, huyện Nguyên Bình) và trên đỉnh núi thuộc xã Hồng An (huyện Bảo Lạc).

“Mẫu Sơn, Phia Oắc đã có tuyết”. “Ở Đồng Văn, băng kết tủa dày”. “Y Tý có thể có tối nay, nhưng Sa Pa thì khó”. Những thông tin như vậy đang tới tấp được chia sẻ trên các hội nhóm về du lịch, kèm theo những bức ảnh hoa đào, hoa mận “ngậm” trong băng.

Có vẻ, những gì diễn ra quanh chuyện tuyết rơi ở Việt Nam luôn “chiếm sóng” rất nhiều so với bản chất của một hiện tượng thời tiết...

Cũng dễ hiểu: Ở một đất nước thuộc vành đai khí hậu nhiệt đới gió mùa như Việt Nam, băng tuyết tất nhiên là của hiếm. Bởi thế, mỗi khi có tuyết, sự chú ý của cộng đồng dành cho nó tất nhiên phải cao hơn mức bình thường.

15, 20 năm trước, băng tuyết đến với người xem chủ yếu vẫn là qua những bức ảnh. Để rồi, khi kinh tế phát triển, còn nhu cầu hưởng thụ của cộng đồng tăng lên, việc tìm đến những điểm có tuyết rơi để tận mắt thưởng ngoạn không còn là điều quá khó với nhiều người.

Chú thích ảnh
Du khách thích thú chụp ảnh với băng giá trên đỉnh núi Phịa Oắc (xã Thành Công, huyện Nguyên Bình). Ảnh: Chu Hiệu-TTXVN

Nhất là khi, trong bối cảnh những tuyến đường cao tốc lên vùng cao phía Bắc nối nhau được mở ra, chúng ta hoàn toàn có thể chỉ mất vài giờ để từ Hà Nội đặt chân chân lên những Fansipan, Mẫu Sơn, Y Tý. Rồi, cũng nhờ sự phát triển của công nghệ, thông tin về thời điểm và vị trí có tuyết rơi, hướng dẫn ăn ở đi lại... đã trở nên rất phổ biến, và giúp mỗi người có thể dễ dàng thỏa mãn giấc mơ ngắm tuyết của mình.

Bởi, thế chúng ta không lạ khi bất cứ ở đâu, bất cứ nơi nào có băng giá, tuyết rơi là du khách hò nhau xách ba lô lên đường - để rồi vài ngày sau, những hình ảnh “tạo dáng” trong băng tuyết luôn tràn ngập trên mạng xã hội. Và cũng không lạ khi trong 2 ngày cuối tuần vừa qua, hàng trăm người có thể chen vai thích cánh tại đỉnh Fansipan trong cái rét cắt da với tâm lý háo hức chờ tuyết rơi - trong khi những đoàn xe nối nhau nhích từng mét một trên những cung đường miền núi để lên với băng tuyết vẫn tiếp tục thêm dài.

Và nữa, khi lượng người khao khát ngắm tuyết mỗi lúc một thêm đông, cũng dễ hiểu khi những dịch vụ “ăn theo” băng tuyết ngày càng phát triển. Bằng chứng là vài năm qua, cộng đồng đã được chứng kiến những bộ ảnh cưới chụp các cặp thanh niên tình tứ trong cảnh băng tuyết Việt Nam đẹp chẳng khác gì trời Âu - trong khi một số dịch vụ thuê mặc trang phục theo kiểu Tây Tạng, Mông Cổ tại những nơi có tuyết cũng đã xuất hiện và thường xuyên “cháy hàng”.

***

Cần nói thêm, bên cạnh sự háo hức của khách thập phương, chúng ta cũng đã nghe những lời nhận xét khá gay gắt về sự vô tâm, thiếu cảm thông của những người đã - và đang mong - đùa vui với tuyết. Xuất phát của những phản ứng ấy là câu chuyện về cảnh vất vả cực nhọc của đồng bào vùng cao trong tuyết lạnh, với mùa màng thất bát và trâu bò chết rét từng đàn.

Nhưng, những lời buộc tội ấy cũng không thể khỏa lấp một thực tế: Nhu cầu ngắm tuyết và thưởng tuyết vẫn sẽ phát triển tiếp, khi mà nó gắn với nhu cầu có thật của một nhóm đối tượng trong xã hội. Và xét cho cùng, nhu cầu hưởng thụ ấy và sự nhiệt tâm giúp đỡ người nghèo vẫn là 2 khái niệm độc lập, không phải lúc nào cũng có thể đem ra cân đong đo đếm hoặc bắt chúng triệt tiêu nhau.

Hãy nhìn câu chuyện ở một hướng tích cực hơn: Phải chăng, hiện tượng thời tiết ấy chính là cơ hội để kích cầu du lịch và phần nào giúp người dân vùng cao bù lại sự khắc nghiệt mà thiên nhiên đang trút xuống mình?

Nếu biết tận dụng khai thác thứ “tài nguyên” mang tên băng tuyết, các tour du lịch hoàn toàn có thể kết nối với cộng đồng bản địa, tận dụng vốn kinh nghiệm, nhân lực tại chỗ, sản vật địa phương... để mang lại thêm lợi ích cho người dân trong mùa lạnh. Nhưng chắc chắn, đó phải là câu chuyện của tầm nhìn và sự chuẩn bị bài bản, nghĩa là khác rất nhiều so với tình trạng “du lịch băng tuyết” vẫn phần nào mang tính tự phát và lộn xộn như chúng ta đang thấy.

Dù chỉ là hiện tượng của vài ngày trong năm, nhưng băng tuyết sẽ không còn là thảm họa, nếu chúng ta dám nghĩ rằng sự khắc nghiệt của thời tiết hoàn toàn có thể được tận dụng và thích nghi để phục vụ con người.

Trí Uẩn

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm