'Giết con chim nhại' của Harper Lee: Vẫn đầy thời sự sau 6 thập kỷ

14/07/2020 20:40 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Khi nữ văn sĩ người Mỹ Harper Lee xuất bản Giết con chim nhại vào ngày 11/7/1960, hẳn bà cũng không ngờ cuốn tiểu thuyết đã đánh đúng tâm lý của cộng đồng người da màu, trong bối cảnh phong trào dân quyền của Martin Luther King Jr. đang lên cao.

Kiện tụng vì kiệt tác ‘Giết con chim nhại’ bị bóp méo nghiêm trọng

Kiện tụng vì kiệt tác ‘Giết con chim nhại’ bị bóp méo nghiêm trọng

Đơn vị quản lý di sản của Harper Lee đã nộp đơn kiện Scott Rudin, nhà sản xuất vở kịch Broadway chuyển thể từ tác phẩm Giết con chim nhại, cho rằng kịch bản của Aaron Sorkin “đi lệch tinh thần của cuốn tiểu thuyết”.

Để rồi đến giờ, với vị trí của một best-seller luôn được duy trì sau 6 thập kỷ, Giết con chim nhại (To Kill A Mockingbird) lại càng có ý nghĩa khi nước Mỹ diễn ra nhiều cuộc biểu tình phản đối nạn phân biệt chủng tộc trong làn sóng “Black Lives Matter” (Mạng sống của người da đen cũng đáng giá).

Chú thích ảnh
Nữ văn sĩ Mỹ Harper Lee thời trẻ

Giết con chim nhại kể về cuộc đấu tranh giành công lý cho người da màu trong những năm 1930 ở miền Nam nước Mỹ. Ở đó, có đủ cả những câu chuyện về tính ích kỷ, sự thù hận, lòng dũng cảm, sự kiêu hãnh, định kiến… trong số phận mỗi con người.

Sinh thời, nữ văn sĩ Lee cho biết, nội dung tiểu thuyết dựa vào cuộc đời của nhiều bạn bè và họ hàng của bà, tuy nhiên tên nhân vật đã được thay đổi. Đặc biệt, hình mẫu nhân vật Jean Louise “Scout” Finch, người dẫn chuyện trong Giết con chim nhại, được xây dựng dựa theo chính cuộc đời tác giả.

Từ biểu tượng của tình đoàn kết...

Lấy bối cảnh tại một thị trấn ở Alabama trong thời kỳ khủng hoảng, câu chuyện nói về lời buộc tội hiếp dâm oan uổng với một người đàn ông da đen vô tội - Tom Robinson. Câu chuyện ấy không hề lạc hậu so với ngày nay, khi các cuộc biểu tình tiếp tục diễn ra ở khắp nước Mỹ và thế giới sau cái chết của người đàn ông Mỹ gốc Phi George Floyd (vì đụng độ với cảnh sát).

Nhân vật chính trong cuốn Giết con chim nhại là luật sư da trắng chính trực Atticus Finch, người không chỉ bào chữa cho một người Mỹ gốc Phi chống lại tội hiếp dâm, mà còn đối mặt với đám đông “lynch” (thuật ngữ nói về lối hành hình của người phân biệt chủng tộc Mỹ đối với người da màu). Ông cũng cố gắng giáo dục cộng đồng quanh mình về công lý và bình đẳng chủng tộc.

Chú thích ảnh
Bìa cuốn “Giết con chim nhại” của Harper Lee

Finch là cha của Scout, nhân vật nhí trong cuốn tiểu thuyết mang dáng dấp tự truyện này. Scout là người thuật lại câu chuyện về tình hình chủng tộc ở miền Nam nước Mỹ trong bối cảnh cô từng suýt chết trong tay người cha của cô gái đã vu oan cho Tom Robinson.

Thời điểm đó, Atticus Finch đã trở thành nhân vật điển hình và sống động tới mức nhà lãnh đạo nhân quyền Martin Luther King Jr. từng nhắc đến Finch trong cuốn Why We Can't Wait của ông. Cuốn sách này nói về tầm quan trọng của việc duy trì các nguyên tắc thông qua hành động bất bạo động. “Đối với người da màu năm 1963, đối với Atticus Finch, rõ ràng là bất bạo động có thể tượng trưng cho chủ nghĩa anh hùng, thay vì sự hèn nhát” - Luther King viết.

Chú thích ảnh
Cảnh trong phim "Giết con chim nhại" với Gregory Peck thủ vai chính

Cuốn sách của Luther King tôn vinh phong trào dân quyền ở Alabama, tiểu bang vốn là bối cảnh trong cuốn Giết con chim nhại. Tại đó, người da màu luôn phải nỗ lực chống lại sự phân biệt chủng tộc vốn đã được thể chế hóa phần nào. Harper Lee biết rõ tình trạng này bởi bà trưởng thành ở thị trấn nhỏ Monroeville.

Là biểu tượng chống phân biệt chủng tộc, nhân vật Atticus Finch cũng từng được nhắc đến rất nhiều tại Mỹ trong một số cuộc biểu tình vào năm 2014, khi người đàn ông người Mỹ gốc Phi không vũ trang Michael Brown bị một sĩ quan cảnh sát ở Ferguson, bang Missouri, bắn chết hồi năm 2014. Có điều, sĩ quan có tên Darren Wilson không hề bị truy tố vì vụ nổ súng.

... Tới phần hai đầy mâu thuẫn

Kể từ khi phát hành cuốn Giết con chim nhại cho đến năm 2015, đây là cuốn tiểu thuyết duy nhất của Harper Lee. Nhưng sau đó Hãy đi, đặt người canh gác (Go Set A Watchman) đã trở thành sự kiện xuất bản của thập kỷ khi cuốn tiểu thuyết này được công bố là tác phẩm tiếp theo của Giết con chim nhại. Cuốn sách ra mắt vào năm 2015, một năm trước khi Lee qua đời.

Cuốn Hãy đi, đặt người canh gác quy tụ những nhân vật chủ chốt trong thị trấn hư cấu Maycomb ở Alabama sau sự kiện cột mốc “Brown v. Board Of Education” (1954), một trong những phán quyết đã đi vào lịch sử nước Mỹ về giáo dục, trong đó quy định sự phân biệt trong các trường học ở Hoa Kỳ là trái hiến pháp.

Chú thích ảnh
Bìa cuốn "Hãy đi, đặt người canh gác", cuốn tiểu thuyết tiếp theo của "Giết con chim nhại"

Tuy nhiên, lần này, ở cuốn sách mới, Atticus Finch (72 tuổi) lại phản đối sự xóa bỏ nạn phân biệt chủng tộc trong nhà trường và tham dự các cuộc họp của Ku Klux Klan (nhóm người Mỹ da trắng thù ghét người Mỹ gốc Phi). “Con có muốn người da màu trong trường học, nhà thờ và nhà hát của chúng ta không?” - Atticus hỏi cô con gái 26 tuổi Jean Louise khi cô từ New York trở về và bị sốc với quan điểm phân biệt chủng tộc của người cha già.

Tạp chí Wall Street nhận định cuốn Hãy đi, đặt người canh gác là “cuốn sách gây đau đớn”, là sự “phản bác đáng kinh ngạc đối với chủ nghĩa lý tưởng sáng ngời trong Giết con chim nhại”.

Cũng vì lý do đó, gần đây Giết con chim nhại bắt đầu gây tranh cãi. Cuốn sách đã bị cấm ở một số trường học ở miền Nam nước Mỹ vì nó khiến học sinh da màu khó chịu. Trong khi đó, có nhiều lời kêu gọi xóa cuốn truyện ra khỏi chương trình giảng dạy do cách miêu tả về người da màu, bao gồm cả Tom Robinson, là những nhân vật thụ động và quá tin cậy vào người da trắng.

Nhà văn da màu Roxanne Gay, người viết về nữ quyền, nói rằng: “Giết con chim nhại có rất ít điều để nói với người da màu. Tôi không cần phải đọc câu chuyện về một cô gái trẻ da trắng hiểu được sự nguy hiểm của phân biệt chủng tộc. Tôi có nhiều trải nghiệm trực tiếp và chính xác hơn”.

Có lẽ, sau đó, việc công bố bản thảo gốc của cuốn sách này đã cứu di sản mà Lee để lại. Trong bản thảo gốc, các nhân vật của Hãy đi, đặt người canh gác có nhiều sắc thái tình cảm và nhiều mâu thuẫn nội bộ hơn. Ở đó, Atticus không còn là một vị thánh, người cầm đuốc soi đường cho sự bình đẳng chủng tộc trước pháp luật, mà trở thành một cá nhân đầy mâu thuẫn và phức tạp, từ đó phản ánh sự phân biệt chủng tộc sâu sắc hơn đang tiếp tục chia rẽ một quốc gia.

Cuốn sách kinh điển về nạn phân biệt chủng tộc

Giết con chim nhại đã đoạt giải Pulitzer Tiểu thuyết hay nhất năm 1962 và đã được đạo diễn Robert Mulligan dàn dựng thành phim đoạt giải Oscar với Gregory Peck thủ vai chính. Đáng nói nữa, cuốn tiểu thuyết này đã được đưa vào chương trình giảng dạy trên khắp toàn cầu, qua đó học sinh học hiểu được các quyền công dân và cuộc đấu tranh vì bình đẳng chủng tộc ở Mỹ. Tính đến nay, Giết con chim nhại đã tiêu thụ được hơn 40 triệu bản.

Việt Lâm (tổng hợp)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm