'Giáo dục là sự khoan dung'

22/02/2021 07:14 GMT+7

(Thethaovanhoa.vn) - Tuần qua, Sở GD&ĐT Hà Nội đã thông tin chính thức về vụ học sinh tát cô giáo.

Phụ huynh tát cô giáo ở An Giang bị phạt hành chính 2,5 triệu đồng

Phụ huynh tát cô giáo ở An Giang bị phạt hành chính 2,5 triệu đồng

UBND phường Mỹ Hòa, tỉnh An Giang quyết định xử phạt hành chính 2,5 triệu đồng đối với một phụ huynh học sinh tát cô giáo tại Trường tiểu học Phạm Hồng Thái.

Hành động của cậu học sinh đó đã sai, đấy là điều không cần bàn cãi, cho dù cậu có những biểu hiện của bệnh trầm cảm. Sau khi đọc những thông tin về sự việc này trên mặt báo, cùng một số vụ việc bất kính, xúc phạm thầy cô gần đây, nhiều người vẫn muốn truy tìm căn nguyên của chúng…

Mấy năm trở lại đây, chúng ta thấy xuất hiện nhiều hơn những câu chuyện buồn trong ứng xử giữa thầy và trò, giữa con cái với cha mẹ. Sự “kính trên nhường dưới” không còn được tôn trọng như trước đây. Đấy thực sự là điều đáng buồn, đáng báo động.

Chú thích ảnh
Hình ảnh đau lòng cắt từ clip

Trong các tranh luận trái chiều, quả bóng “giáo dục đạo đức” được chuyền qua chuyền lại, nhiều khi dồn hết cả về phía nhà trường. Thực tế, nếu coi đó là căn bệnh của xã hội thì cần phải xem xét gốc rễ của nó. Mà “gia đình chính là tế bào của xã hội” thì cần phải xét trước tiên.

Tôi nhớ lại những năm tháng còn ngồi trên ghế nhà trường, thế hệ chúng tôi không phải là không có chuyện học sinh cá biệt. Chuyện học sinh đánh nhau trong trường, ngoài trường cũng có xảy ra… nhưng chuyện học trò đánh thầy cô hầu như chưa từng xảy ra. Ngay ở trong lớp của tôi khi ấy có những đứa bạn vừa nghịch ngợm, lười học, vừa thêm cái tật hay trộm cắp vặt. Ấy vậy mà khi gặp cô vẫn một điều cô, hai điều cô, vẫn chào hỏi tử tế và không dám có điều gì hỗn láo với cô cả.

Trong các khu tập thể hay là các làng xã nói chung, trẻ em đều “sợ” và nghe lời người lớn. Rất nhiều lần bọn tôi đá bóng ở dưới lòng đường hay đánh nhau ngoài phố, bẻ trộm cây xanh hoặc là hái hoa nơi công cộng… dù có ngỗ nghịch đến cỡ nào nhưng khi đã có người lớn nhắc nhở, các bác cao tuổi quát nạt, tất thảy đều răm rắp nghe lời…

Quan hệ trong gia đình hay là ở trường khi ấy, những hành vi nhỏ nhất như là phải dùng hai tay đưa đồ cho người lớn, khi được nhận quà từ người lớn tuổi hơn mình. Khách đến chơi nhà là con trẻ phải ra chào hỏi lễ phép. Đi ra khỏi nhà phải xin phép người lớn… chúng tôi luôn được bố mẹ ở nhà, cô giáo trên lớp nhắc nhở. Không biết là bây giờ còn nhiều gia đình giữ được cách giáo dục con trẻ như thế hay không?

Tôi vẫn nhớ hình ảnh nhân viên làm việc trong một quán giải khát của một người bạn ở TP.HCM cách đây hơn chục năm: cứ cuối giờ trước khi ra về là đứng cúi đầu xin phép chủ quán. Có một cái gì đó rất gần gũi trong quan hệ giữa người làm thuê và ông chủ. Một phép lịch sự cá nhân và cũng thể hiện sự tôn trọng. Đó là những ứng xử văn minh trong quan hệ xã hội hàng ngày thể hiện được nét văn hóa con người, cần được trân trọng.

Nói gì thì nói nhưng “Quốc có quốc pháp, gia có gia quy” là hoàn toàn chuẩn xác.

Quay trở lại câu chuyện của cậu học sinh nêu trên. Sau khi sự việc xảy ra ngày 25/5/2020, ngày hôm sau, Trung tâm GDNN - GDTX quận Ba Đình đã tổ chức Hội đồng kỷ luật để giải quyết vụ việc. Theo đó, nhà trường đã buộc thôi học nam học sinh có hành vi vi phạm kỷ luật nói trên tính từ ngày vi phạm đến hết năm học 2019/2020. Bước vào năm học mới 2020/2021, căn cứ vào đơn xin của gia đình, Ban Giám đốc trung tâm GDNN - GDTX đã chấp thuận tiếp nhận, tạo cơ hội cho em học sinh này quay trở lại tiếp tục học tập. Như vậy vừa có tính răn đe, vừa có tính giáo dục.

Cá nhân tôi cho rằng, đấy là một quyết định hết sức nhân văn và cũng là những ứng xử đúng đắn dành cho em học sinh vi phạm kỷ luật. Bởi hơn hết “Kết quả cao nhất của giáo dục là sự khoan dung” - bà Helen Adams Keller (nữ văn sĩ, nhà hoạt động xã hội, diễn giả người Mỹ) đã nói như vậy.

XUÂN AN

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm