'Giải mã' sức hút của các nhà thờ Việt Nam: Đa dạng như… kiến trúc nhà thờ

11/06/2019 19:06 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Việc dư luận thời gian qua cùng lên tiếng bảo vệ nhà thờ Bùi Chu (Nam Định), cũng như gợi ý gần nhất từ đại diện UNESCO về nhu cầu kiểm kê, bảo tồn các nhà thờ cổ tại Việt Nam đã gợi ra những hy vọng về cách khai thác tiềm năng của loại hình kiến trúc này.

Việc trùng tu nhà thờ Bùi Chu được yêu cầu giữ các chi tiết kiến trúc như cũ

Việc trùng tu nhà thờ Bùi Chu được yêu cầu giữ các chi tiết kiến trúc như cũ

Về việc xây dựng, trùng tu Nhà thờ Bùi Chu, mới đây Sở VHTTDL Nam Định đã có báo cáo 315/SVHTTDL- BQLDTDT gửi Bộ VHTTDL.

Để giúp độc giả hiểu hơn về những giá trị đặc thù của các công trình nhà thờ cũ tại Việt Nam, Thể thao & Văn hoá (TTXVN) xin giới thiệu bài viết của Ths.KTS Đỗ Thị Thu Vân (Phòng nghiên cứu lý luận phê bình & lịch sử kiến trúc,Viện Kiến trúc Quốc gia)

Từ nhà thờ “Tây” đến nhà thờ “Ta”

Công giáo du nhập vào nước ta từ thế kỷ XVI, trải qua quá trình lâu dài và nhiều thăng trầm của lịch sử đã có số lượng cơ sở thờ tự khá nhiều và đồ sộ.

Cơ bản, nhà thờ công giáo Việt Nam có thể quy về hai phong cách kiến trúc: phong cách châu Âu (dân gian quen gọi là nhà thờ Tây) và kiến trúc theo phong cách dân tộc Việt Nam (nhà thờ Nam).

Nhà thờ kiến trúc châu Âu chia ra nhiều phong cách: Gothic, Roman, Tây Ban Nha… nhưng phổ biến tại Việt Nam vẫn là phong cách kiến trúc Gothic. Những nhà thờ ở các thành phố có điều kiện về kinh tế thường có qui mô lớn, thể hiện phong cách Gothic tương đối rõ nét.

Trong khi đó, những nhà thờ đạo vùng quê cũng theo phong cách này, nhưng được giản tiện, quy mô nhỏ, vòm mái đơn giản, dân gian quen gọi là vòm gọng. Đây là lối kiến trúc giản thể, mô hình tháp chuông nhọn, trang trí, họa tiết được lấy mẫu từ nhà thờ châu Âu. Kiểu nhà thờ giản thể này thường do người Việt thiết kế, thi công phù hợp với điều kiện xây dựng đặc biệt là kinh phí lúc bấy giờ.

Chú thích ảnh
Nhà thờ Kẻ Sở (Hà Nam)

Một số công trình tiêu biểu của nhà thờ Tây là nhà thờ Kẻ Sở (Ninh Phú, Kiện Khê, Thanh Liêm, Hà Nam), xây năm 1887, hoàn thành năm 1892, tác giả vẽ mẫu thiết kế là Puginier, giám mục thuộc địa phận Tây Bắc Kỳ. Ngoài ra còn có Nhà thờ Đức Bà Sài Gòn (xây từ 1877- 1880) do kiến trúc sư J.Bourard thiết kế. Mọi vật liệu để xây dựng nhà thờ từ xi măng, sắt thép, gạch cho đến ốc vít đều được vận chuyển từ Pháp. Cũng có thể kể thêm Nhà thờ Lớn Hà Nội, được xây dựng đến cuối năm 1887.

Trong khi đó, nhà thờ Nam với lối kiến trúc theo phong cách dân tộc Việt xuất hiện sớm hơn. Ngay từ giai đoạn công cuộc truyền giáo phát triển đạo Công giáo ở Việt Nam thu được kết quả cho đến nửa cuối thế kỷ XIX, hầu hết các nhà thờ Công giáo ở Việt Nam đều được xây dựng theo phong cách kiến trúc dân tộc Việt Nam. Phong cách kiến trúc này vẫn được tiếp tục ở giai đoạn sau đó.

Chú thích ảnh
Đan viện Xi Tô Châu Sơn (Ninh Bình)

Đối với nhà thờ Nam cũng có thể phân chia làm hai loại: nhà thờ Nam mang phong cách hỗn hợp và nhà thờ mang phong cách thuần Nam. Nhà thờ Nam mang phong cách hỗn hợp chịu ảnh hưởng của kiến trúc nhà thờ Tây. Loại nhà thờ này có hệ kết cấu chịu lực gỗ truyền thống, nhưng vỏ ngoài lại mang dáng dấp nhà thờ Tây với đặc trưng tháp chuông nhọn, cao vút, mặt tiền trang trí theo lối nhà thờ Tây. Một số công trình điển hình là nhà thờ xứ Hà Hồi (Thường Tín, Hà Nội), nhà thờ Yên Trì (Yên Hưng, Quảng Ninh)…

Nhà thờ Nam mang phong cách thuần Nam có đặc điểm kiến trúc mang phong cách Á Đông, bên trong là kết cấu gỗ truyền thống. Loại nhà thờ này có mặt tiền xây dựng theo kiểu tam quan như đình chùa, trang trí mái cong uốn đao chồng diềm nhiều tầng mái, hoặc trang trí hoa văn mang đậm nét truyền thống Á Đông. Ngoài ra, nhà thờ Nam theo phong cách này không có tháp chuông cao vút gắn với mặt tiền nhà thờ mà thường nằm rời. Một số công trình tiểu biểu cho loại này là nhà thờ Hảo Nho (Tam Hiệp,Ninh Bình), nhà thờ Bình Sa (Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình), nhà thờ Ba Làng (Tĩnh Gia, Thanh Hoá) và đặc biệt là khu quần thể thánh đường Phát Diệm tại huyện Kim Sơn, Ninh Bình.

Chú thích ảnh

Sáng tạo độc đáo

Tuy là loại hình kiến trúc du nhập nhưng cũng như các loại hình kiến trúc tôn giáo tín ngưỡng khác, kiến trúc nhà thờ đã có sự thích ứng, hòa hợp với văn hóa và kiến trúc cổ truyền Việt Nam từ tổ chức quy hoạch tổng thể, hình thức kiến trúc, giải pháp kết cấu, trang trí mỹ thuật và sử dụng vật liệu.

Sự vận dụng sáng tạo này trong xây dựng nhà thờ công giáo đã tạo nên những công trình kiến trúc thể hiện sự kết hợp Âu – Á độc đáo. Nổi bật của sự kết hợp này chính là loại hình công trình nhà thờ vận dụng kết cấu chính là bộ khung gỗ truyền thống, mái lợp ngói với hình thức mặt đứng và trang trí theo thức Châu Âu.

Đặc biệt, sự xuất hiện của nhà thờ Công giáo theo kiểu “Tây” ở Việt Nam đã đưa đến những hình thức kiến trúc mới, vật liệu xây dựng mới. Đó là thời điểm người thợ Việt Nam tiếp cận với phong cách kiến trúc Gôthic được đưa nguyên mẫu từ phương Tây với hình tiêm, vòm mái, đòi hỏi một kỹ thuật xây dựng mới khác với lối kiến trúc truyền thống của người Việt. Ngoài ra, đến nửa cuối thế kỷ XIX, vật liệu sử dụng cho kết cấu chịu lực chính trong nhà thờ Nam chủ yếu vẫn là gỗ với bộ vì, rui, mè, cột, cửa - trong khi kiến trúc nhà thờ Tây sử dụng khá nhiều bê tông cốt thép.

Do vậy, người thợ xây dựng Việt Nam khi xây dựng nhà thờ Tây có điều kiện học hỏi lối trang trí, họa tiết trong nhà thờ châu Âu như trang trí mặt tiền nhà thờ, cửa sổ, cửa ra vào, tháp chuông, các vòm lớn trên cung thánh. Song những người thợ Việt Nam tài hoa không chỉ dập khuôn mà còn dựa trên nguyên mẫu tạo ra những kiểu dáng mới, có thể là Gothic biến thể hay giản lược. Cũng có khi là lối kiến trúc giao thoa “Vỏ Tây, ruột Nam”, rồi thuần Nam…

Những sáng tạo độc đáo này có thể gặp ở rất nhiều trường hợp. Chẳng hạn, nếu kiến trúc tháp chuông kiểu Tây có mặt bằng hình vuông, nhiều tầng thu dần lên cao, các tầng trổ cửa vòm, hình thức lặp đi lặp lại thì kiến trúc tháp kiểu Á Đông thường kiểu giống Tam quan chùa, gồm 2 tầng: tầng đế đỡ lầu tháp mái ngói cong uốn đao, chồng diềm nhiều tầng mái, trang trí chi tiết Á Đông…Hoặc, nhà thờ Cửa Bắc (Ba Đình, Hà Nội) được xây vào giai đoạn phong cách kiến trúc Đông Dương đang phát triển nên có sự tiếp nhận của nghệ thuật hiện đại: kiến trúc không còn đăng đối, tháp chuông chỉ có một và lệch về bên hông của nhà thờ tạo nên sự phá cách độc đáo.

Ở góc độ vật liệu xây dựng, một số nhà thờ đã tạo được kiến trúc độc đáo bởi cách sử dụng vật liệu khác biệt. Nếu các nhà thờ gạch thường được trát vữa bảo vệ thì thánh đường Đan viện Xi Tô Châu Sơn (Ninh Bình) lại để gạch mộc, toàn bộ gờ chỉ trang trí giật cấp cũng chế tác bằng gạch. Đặc biệt, phần gạch nung được sản xuất tại địa phương, khác với loại gạch sử dụng xây dựng nhà thờ lớn Đức Bà ở TP HCM là gạch nhập khẩu từ nước ngoài. Hoặc, các nhà thờ có toàn bộ kết cấu bằng đá tại Việt nam tuy không nhiều, nhưng lại được chạm khắc đá cầu kỳ như bộ khung gỗ, đem lại đỉnh cao cho kỹ thuật cũng như nghệ thuật truyền thống Việt Nam như nhà thờ Phát Diệm (Ninh Bình) hay nhà thờ Sa Pa (Lào Cai).

(còn tiếp)

Ths.KTS Đỗ Thị Thu Vân

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm