Giấc mơ màu sắc của các nghệ sĩ nhiếp ảnh

27/10/2018 16:23 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Tập hợp tranh do 8 nghệ sĩ nhiếp ảnh vẽ để triển lãm là ý tưởng chính của Giấc mơ màu, vừa khai mạc sáng 27/10 tại Hội Mỹ thuật TP.HCM. Tin vui, theo nhiếp ảnh gia Hồng Nga thì đã có hơn 10 tác phẩm được bán để gây quỹ từ thiện Vì nỗi đau da cam.

Dù trong làng báo và nhiếp ảnh chuyên nghiệp, họ đã là những tên tuổi ghi nhiều dấu ấn. Nhưng trong hội họa, ngoài Tôn Thất Bằng đã định danh, thì 7 tên tuổi còn lại đều mới hoặc rất mới. Họ gồm Nguyễn Tiến Lễ, Nguyễn Thị Xuân Mai, Hồng Nga, Nhím, Vũ Kim Sơn, Nguyễn Trọng Tâm, Hoàng Quốc Tuấn.

Chú thích ảnh
8 nhiếp ảnh gia vẽ tranh

Như cây cọ Nguyễn Tiến Lễ chẳng hạn, anh mới tập trung vẽ tranh gần đây, vậy mà đã có 3/15 bức tranh được bán ngay tại buổi khai mạc. Hoặc như nhiếp ảnh gia - nhà báo Vũ Kim Sơn cũng mới cầm cọ được khoảng vài tháng, vẽ khá nhiều.

Chú thích ảnh
"Cây cọ trẻ" Nguyễn Tiến Lễ (trái) bắt tay nhà sưu tập tranh đầu tiên của mình

Triển lãm dự kiến trưng bày 99 tác phẩm, nhưng do thiếu không gian, nên chỉ trưng bày hơn 70 tác phẩm. Con số này cho thấy sự hào hứng vẽ tranh của những tay máy kì cựu của làng nhiếp ảnh Việt Nam.

Chú thích ảnh
Các tác phẩm "Đường về bản", "Mùa hoa cải", "Quán bia" của Nguyễn Tiến Lễ đã được bán

Nếu Tôn Thất Bằng vẫn trung thành với những mơ mộng đồng quê của tuổi thơ một thời, thì Nguyễn Tiến Lễ cho thấy sức đi của một nhà báo, tranh vẽ phong cảnh nhiều vùng miền, từ Huế cho tới miền Tây sông nước.

Chú thích ảnh
"Du Xuân" và 2 tác phẩm của Tôn Thất Bằng cũng đã được bán ngay trước lễ khai mạc

Nếu Vũ Kim Sơn vẽ Tây Bắc những ngày Xuân về, thì Xuân Mai cũng vẽ mùa Xuân ở Tây Nguyên.

Nếu Hoàng Quốc Tuấn vẽ thiếu nữ trong cõi mộng, thì Hồng Nga là những tĩnh vật hoa quả đời thường.

Nếu Nguyễn Trọng Tâm gởi gắm những nỗi niềm cùng biển đảo, thì Nhím biếm họa về tham nhũng, cửa quyền, thói hư tật xấu.

Chú thích ảnh
Hai cây cọ Hồng Nga (trái) và Tôn Thất Bằng

Một điểm đáng lưu ý nữa, dù là những nhiếp ảnh gia có dấu ấn nghề nghiệp, nhưng dấu ấn nhiếp ảnh gần như vắng bóng trong tranh của họ. Dường như họ có chung nỗ lực “vượt thoát nhiếp ảnh” khi vẽ tranh, trong khi họa giới thì đang có nhiều người vẽ như hoặc vẽ theo nhiếp ảnh.

Chú thích ảnh
"Tĩnh vật 2" của Nguyễn Hồng Nga

Xem tranh Hồng Nga, Nguyễn Tiến Lễ hoặc Hoàng Quốc Tuấn chẳng hạn, rõ ràng họ vẽ như mắt mình muốn, chứ không phải như điều mình thấy. Những tác phẩm như Trong viện bảo tàng, Đường về bản, Trong quán bia, Biển chiều… của Nguyễn Tiến Lễ là ví dụ, chúng được vẽ từ các ảnh chụp, nhưng đã được tái cấu trúc, tái bố cục theo ngôn ngữ hội họa.

Chú thích ảnh
Triển lãm thu hút nhiều người xem và báo đài
'CỰC SỐC': Tranh Nguyễn Nam Sơn vừa bán gần 12 tỷ đồng

'CỰC SỐC': Tranh Nguyễn Nam Sơn vừa bán gần 12 tỷ đồng

Bức tranh lụa Thiếu nữ cầm quạt của Nguyễn Nam Sơn vừa tạo cú sốc lớn khi bán 440.000 euro, gần 12 tỷ đồng, chưa tính phí gần 30% mà người mua phải chi trả thêm.

Đây là lần thứ hai các nhiếp ảnh gia gặp nhau trong một triển lãm tranh. Nếu họ tiếp tục duy trì, thì những triển lãm kế tiếp sẽ còn nhiều điều để xem. Những “cây cọ trẻ” như Hồng Nga, Nguyễn Tiến Lễ… sẽ còn nhiều cơ hội để thay đổi mình trong lĩnh vực mới.

Triển lãm kéo dài đến hết ngày 6/11/2018.

Như Hà

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm