Giá trị tượng đài không ở sự hoành tráng!

07/08/2015 05:39 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Những phản ứng gay gắt về đề án dựng cụm tượng đài 1400 tỷ tại Sơn La xới lên một câu hỏi không mới: Bao giờ, chúng ta mới thay đổi cách tư duy theo kiểu tượng đài càng hoành tráng thì... càng có giá trị?

Từ năm 2004 trở về trước, việc xây dựng tượng đài Bác Hồ trên toàn quốc chưa được tổ chức quy hoạch và chủ yếu do các địa phương tự tiến hành.

Đừng tạo cảm giác xa cách

Chính vì vậy, trong cuộc tọa đàm về vấn đề này (được Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh & Triển lãm tổ chức vào 4/2015), nhiều chuyên gia đã chỉ rõ sự thiếu hợp lý của một số tượng đài Hồ Chủ tịch mang kích thước lớn từng xây trong quá khứ.

"Chúng ta hay có xu hướng: địa phương nào càng có nguồn kinh phí mạnh thì dựng tượng Bác càng to. Hoặc, địa phương dựng sau thì lại muốn vượt lên địa phương dựng trước" – PGS Lương Hồng Quang (Viện Văn hóa Nghệ thuật VN) chia sẻ tại cuộc tọa đàm này - "Đó là điều cần xem lại, bởi cách nghĩ ấy có phần xa lạ với hình tượng một danh nhân luôn khiêm tốn và giản dị...".


Tượng đài Bác Hồ tại Tuyên Quang vừa được xây dựng với kinh phí khoảng 200 tỷ đồng. Ảnh: TTXVN

Từng trao đổi với PV Thể thao & Văn hóa, PGS Nguyễn Văn Huy cũng tỏ ý băn khoăn về xu hướng hoành tráng hóa các tượng đài Bác Hồ, cũng như tượng đài danh nhân hiện nay.

"Rất nhiều nơi, sự to lớn, hoành tráng của tượng lại tạo ra cảm giác xa cách, trống trải với người xem" - GS Huy nói - "Trong khi đó, từng là những con người cụ thể trong lịch sử VN, có lẽ sự gần gũi, trang nhã, thân thiện từ các tượng đài này mới là điều khơi dậy cảm giác bùi ngùi, thấm thía từ du khách".

Vì sao khó làm tượng nhỏ?

Từng có dịp thăm nhiều nước châu Âu, PGS Huy kể, đa phần, tượng đài các vĩ nhân (nhân vật lịch sử, nhà văn hóa, nhà khoa học...) tại đây đều có kích thước vừa phải. Các tượng này tường nằm trong những công viên nhỏ, gần gũi với cuộc sống hàng, nơi người dân đi dạo, chạy bộ hoặc ngồi thư giãn giữa cây xanh...

"Bản thân, Hà Nội thời Pháp thuộc cũng mang tư duy dựng tượng như vậy. Chỉ cần qua vườn hoa Pasteur, nơi đặt bức tượng nhà bác học này, chúng ta vẫn thấy giá trị trong cách xử lý không gian xanh và tiếp cận với hệ thống giao thông của người Pháp" - PGS Huy nói. "Tôi nghĩ, đó là cách tôn vinh trang trọng, hấp dẫn mà lại có hiệu quả rất lớn."

Câu hỏi đặt ra: nếu bỏ qua sự tiêu cực trong những dự án có kinh phí lớn, chúng ta còn thiếu những gì để có thể xây dựng những tượng đài Bác Hồ với kích thước nhỏ, có mức đầu tư vừa phải, nhưng đạt được chất lượng cao về nghệ thuật?

"Đó là vấn đề về năng lực của các nhà điêu khắc. Và xa hơn, đó còn là sự cứng nhắc, máy móc, thậm chí là dè dặt của những người quản lý trước những mẫu thiết kế tượng đài Bác Hồ có sự sáng tạo, tìm tòi" - một nhà nghiên cứu mỹ thuật xin giấu tên trả lời.

Thực tế, tại cuộc tọa đàm về quy hoạch tượng đài Hồ Chủ tịch nói trên, khá nhiều nhà điêu khắc đã chia sẻ những ý kiến về sự cứng nhắc, máy móc này.

Như lời kể của nhà điêu khắc Vũ An (ĐH Kiến trúc Hà Nội), khi thiết kế tượng đài Bác trên đồi Ông Tượng, cạnh thủy điện Hòa Bình (khánh thành năm 1997), ông đã phải rất vất vả để bảo vệ mẫu thiết kế mới, mang hình Bác đang chỉ tay xuống dòng sông Đà.

Còn theo lời nhà điêu khắc Lưu Danh Thanh, khi TP.HCM thiết kế tượng đài Bác Hồ mới tại đường Nguyễn Huệ, ông từng đề nghị thay đổi công thức "dựng  tượng đài Bác Hồ trong tư thế giơ tay chào” nhưng không thành hiện thực.

“TP.HCM đã có sẵn bến Nhà Rồng, địa điểm nổi tiếng nhất từng gắn với cuộc đời Bác. "Thay vì những mẫu tượng máy móc đơn điệu, chúng ta có một tượng đài mới với hình ảnh chàng thanh niên Nguyễn Tất Thành với va li trên tay, chuẩn bị hành trình lên tàu tìm đường cứu nước thì sẽ hấp dẫn hơn nhiều" - nhà điêu khắc nói thêm.

Cúc Đường
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm