Gặp lại các tác giả được đưa vào sách giáo khoa: Nguyễn Liên Châu vừa làm sách vừa 'chơi thơ'

09/03/2022 19:04 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Nhà thơ Nguyễn Liên Châu làm thơ đăng báo khi còn là học sinh trung học trên Đà Lạt, ký tên Bùi Hữu Miên. Ông còn làm sách nữa! Với các bút danh Hồ Quốc Nhạc, Hắc Ngưu…, ông từng thực hiện các tủ sách, tập san, tạp chí: Tuổi hồng, Sinh viên, Hoa niên, Gieo & mở, Văn chương, Mỹ thuật thời nay, Mỹ thuật cười, Tuổi ngọc, Áo trắng…

Xem chuyên đề "Gặp lại các tác giả được đưa vào sách giáo khoa" TẠI ĐÂY

Nhà thơ Nguyễn Liên Châu và 100 bài lục bát

Nhà thơ Nguyễn Liên Châu và 100 bài lục bát

NXB Hội Nhà văn vừa ấn hành tập thơ 'Trùng vây' gồm 100 bài lục bát của nhà thơ Nguyễn Liên Châu

Năm 1995 - 1996, Nguyễn Liên Châu tổ chức biên tập, in ấn, phát hành 22 tập thơ của 22 cây bút viết cho thiếu nhi trong Nam, ngoài Bắc, xếp trong tủ sách Hoa niên của NXB Đồng Nai. Trong tủ sách này, Nguyễn Liên Châu có tập Cánh diều tuổi thơ được trao giải C Sách đẹp mùa Xuân 1996.

Những bài học yêu mẹ, kính thầy, vui bạn…

Từ tập Cánh diều tuổi thơ, các nhà biên soạn giáo khoa mới, bộ Cánh diều chọn bài Sông quê đưa vào sách Tiếng Việt 3 (tập 2):

Gió chiều ru hiền hòa/ Rung bờ tre xào xạc/ Bầy sẻ vui nhả nhạc/ Rộn rã khúc sông quê// Ngày hai buổi đi về/ Qua cầu tre lắt lẻo/ Tiếng bạn cười trong trẻo/ Vang vọng hai bờ sông// Và câu hò mênh mông/ Lắng tình quê tha thiết/ Thuyền nan nghèo dăm chiếc/ Lặng lờ trôi trong chiều...// Hỡi dòng sông thương yêu/ Trải mình theo năm tháng/ Cho em cùng bè bạn/ Soi bóng mình tuổi hoa”.

Bài thơ 4 khổ mà có tới 10 từ láy: Hiền hòa, xào xạc, rộn rã, lắt lẻo, trong trẻo, vang vọng, mênh mông, tha thiết, lặng lờ, bè bạn… những từ điệp phụ âm đầu ấy như hòa âm chữ nghĩa, lại thêm có tới 2 dòng thơ chỉ dùng các thanh bằng êm nhẹ, du dương - “Gió chiều ru hiền hòa… Và câu hò mênh mông…” đã tạo nhạc cho bài thơ. Nhạc thơ như bắt đầu từ hình ảnh thơ - dàn đồng ca chim sẻ cùng hót trong chữ tượng hình “nhả nhạc”.

Chú thích ảnh
Bài “Sông quê” của Nguyễn Liên Châu trong sách “Tiếng Việt 3”

Chính dòng sông quê đã nối tiếng chim hót ở khổ thứ nhất, với tiếng “bạn cười” ở khổ thứ 2, với tiếng hò dân ca ở khổ thứ 3 đã tạo ra chuỗi hình ảnh thính giác. Nhìn theo chiều ngược lại thì tiếng hót, tiếng cười, câu hò kia đã tạo sức chảy cho dòng “sông quê”. Một sức chảy có dụng ý nghệ thuật, dẫn thơ tới khổ kết thì hình tượng thính giác trầm bổng biến thành hình tượng thị giác lung linh, khi những đứa bé, những nhân vật trữ tình của bài thơ soi “tuổi hoa” vào mặt nước sông quê.

Thơ viết cho thiếu nhi của Nguyễn Liên Châu có cấu tứ mạch lạc dễ hiểu, theo kiểu liên ý, khổ nối khổ, rồi bài nối bài, dẫn tới những câu hay, đột biến, từ mô tả chi tiết chuyển tới khái quát ý tưởng.

Trong bài Cánh diều tuổi thơ mà tên bài thành tên cả tập, tác giả viết: “Cánh diều xưa của ước mơ/ Thả lên trời những lời thơ vụng về” thì cánh diều ấy, bay trong nỗi Nhớ mẹ để bạn đọc nhìn lên và hiểu ra: “Cho con căng gió cánh diều/ Mẹ là sợi chỉ sớm chiều theo con”. Cánh diều ấy nối sợi chỉ con ham chơi với sợi chỉ mẹ vất vả vá may, nhưng thật lãng mạn ở bài Dáng mẹ: “Nghiêng nghiêng bên ngọn đèn mờ/ Mẹ ngồi khâu những giấc mơ con nằm”.

Sông quê cùng Cánh diều tuổi thơ của Nguyễn Liên Châu dẫn bạn đọc thiếu nhi tới những bài học yêu mẹ, kính thầy, vui bạn và thương nhớ quê mình…

Trên bia mộ của “nhạc sĩ tướng quân” An Thuyên, bà An Thuyên và các con khắc câu thơ trăng của Nguyễn Liên Châu, lấy từ bài Khoảng lặng trong tập Trùng vây của ông: “Nẻo trăng lên, cõi trăng về/ An nhiên như thể chưa hề long đong…”.

Làm sách để truyền lửa sáng tạo văn chương

Là người chăm chút, 22 cuốn trong tủ sách Hoa niên để rồi “Hoa niên” Mèo đi câu - tập thơ của nhà thơ Vương Trọng, được Hội Nhà văn Việt Nam trao giải thưởng thường niên 1995, cùng 3 tặng thưởng cho các “Hoa niên” khác - tập thơ Chuồn chuồn cắn rốn của Trần Mạnh Hảo, tập thơ Viết đơn lên cát trắng của Trần Quốc Toàn, tập thơ Ban mai xanh của Trương Nam Hương. Ngày 27/7/1996 trên một tờ báo, Nguyễn Liên Châu nói về “công trạng” của mình mà chẳng vui chút nào:

“Khi thực hiện tủ sách thơ thiếu nhi Hoa niên, nhiều anh em đã mắng yêu tôi: “Tại sao lại lãng mạn thế”. Thú thật, khi lao vào làm, số tiền đầu tư khi in thơ không thu hồi được vốn nhưng chúng tôi thấy cần thiết thì phải làm thôi và lấy tủ sách truyện tranh để bù lỗ. Thật buồn khi có những tập thơ được giải chỉ in ra 1.000 bản nhưng vẫn không bán hết… Chúng tôi chỉ còn cách để dành làm quà thưởng cho các em mà thôi”.

Nguyễn Liên Châu “thấy cần thiết thì phải làm thôi” để có sách hay như bộ Hoa niên kia, cái hay chân, thiện, mỹ chuẩn mực, và thành kho ngữ liệu phong phú của các nhà giáo khoa, nhưng... phải bù lỗ! Và người làm sách Nguyễn Liên Châu, mời gọi những bạn văn bút, cùng làm các bộ truyện tranh: Cô tiên xanh, Những tâm hồn cao thượng, Trạng Việt Nam, Bé Niên… tất cả đều thuần Việt, dễ xem, dễ bán, giúp bạn đọc thiếu nhi vừa giải trí vừa học hỏi, giúp người làm sách cân đối thu chi để còn giữ được say mê làm sách.

Chú thích ảnh
Nhà thơ Nguyễn Liên Châu - ký họa của Trần Tuy

Nguyễn Liên Châu “phải làm thôi” để còn truyền lửa sáng tạo văn chương, truyền nghề văn bút.

Nhà văn Nguyễn Một nhớ lại: “Năm 1993, cậu em cầm tờ báo Tuổi hồng về nhà, tôi đọc vài truyện ngắn trong đó và nghĩ “viết văn như vậy thì mình cũng viết được”. Đêm đó, tôi xé mấy tờ giấy trắng trong vở giáo án cũ và viết một mạch chuyện tuổi thơ mình gửi về tòa soạn… Mấy tháng sau, thấy truyện đăng lên, tôi nhận được tờ báo biếu và bức thư của nhà thơ - biên tập viên Nguyễn Liên Châu. Trong thư, anh dặn dò phải viết trên một mặt giấy và phải chừa lề để dành chỗ cho người biên tập. Anh còn viết một đoạn dài nhận định cái hay và cái chưa hay của tác phẩm, thế mạnh điểm yếu của tác giả. Lúc đó, tôi vô cùng cảm động… Từ cơ duyên ấy, tôi bắt đầu viết, viết liên tục…”.

Nhà văn Văn Thành Lê, nhớ lại: “Đầu năm 2005, Áo trắng, tập san thơ văn dành cho học sinh - sinh viên, đình bản, “chết lâm sàng” cho tới năm 2007. Các cây viết trẻ đang bỡ ngỡ tập tành đến với văn chương, trở nên bơ vơ không nơi nương tựa. Đúng thời điểm ấy nhà thơ Nguyễn Liên Châu quăng ra chiếc phao, là Tuyển tập thơ văn Tuổi ngọc… hồi ấy một số cây viết trẻ chúng tôi quần tụ với nhau trên Tuổi ngọc cũng như ngoài trang viết. Đấy là Đinh Anh Tuấn, Thiên Di, Nguyễn Quỳnh, Mễ Thành Thuận, Xuân Huy, Lưu Đình Long, Văn Thành Lê… Người viết truyện ngắn, người làm thơ, người viết tạp bút… Thuở ấy đẹp và hừng hực sức trẻ. Sau này, mỗi người ổn định theo cách riêng của mình. Có người còn đắm đuối theo con chữ, có người rẽ ngang đứt gánh giữa đường. Nhưng lâu lâu vẫn ngồi lại, và khơi gợi nhớ về tháng ngày dan díu với Tuổi ngọc”.

Văn nhân tương thân, những bạn văn trân trọng chữ nghĩa của người “thấy cần thiết thì phải làm thôi”, của Nguyễn Liên Châu! Trên bia mộ của “nhạc sĩ tướng quân” An Thuyên, bà An Thuyên và các con khắc câu thơ trăng của Nguyên Liên Châu, lấy từ bài Khoảng lặng trong tập Trùng vây của ông: “Nẻo trăng lên, cõi trăng về/ An nhiên như thể chưa hề long đong…”

Vẫn “chuốt” mình trên đường thơ

Nguyễn Liên Châu đã từng dạy học dưới Cà Mau, từ 1976 tới 1980. Đã từng là nhân viên văn phòng một xưởng may tư nhân 10 năm tiếp theo, nhưng rồi nợ bút nghiên khiến vào những năm 1990 ông liều mình “điều” tủ sách gia đình ra lề đường, gần ga Sài Gòn để cho thuê sách, bán báo, viết sách… đặng mà gom tiền… chơi thơ.

Đã có thơ tập in riêng từ 1972, và đã được khích lệ bằng danh xứng “cây bút triển vọng” trong nhưng tập thơ mới đây của mình, Nguyễn Liên Châu đã đủ bút lực, để dụng công tổ chức tác phẩm hướng tới sự độc đáo.

Tập Trùng vây (NXB Hội Nhà văn 2013) với 100 bài lục bát, độc đáo, là vì có trang mục lục, xếp bài theo thứ tự alphabet tiêu đề chứ không theo thời gian hay chủ điểm! Độc đáo vì sách in đẹp, sang trọng, thi tập mà như vựng tập, giúp tác giả “triển lãm” tranh chân dung của chính mình do các họa sĩ Trần Tuy, Huỳnh Phương Đông, Phạm Cung, Việt Hải… vẽ tặng. Độc đáo như là sự tự tin, nội dung thơ đã chín, đã chuẩn, tác giả đã tới lúc thảnh thơi chơi hình thức. Nói Nguyễn Liên Châu chơi thơ là nói theo lẽ này.

Nhưng, như Nguyễn Công Trứ đã dạy “Dở duyên với rượu khôn từ chén/ Trót nợ cùng thơ phải chuốt lời”, kẻ hậu sinh Nguyễn Liên Châu trong tập mới nhất của mình - Bất chợt lòng gió trống (NXB Hội Nhà văn 2018) vẫn “chuốt” mình để trình làng một chặng mới trên đường thơ, đang dài thêm nhờ kiếm tìm thi tứ trong trải nghiệm thật xa, từ Chiêm nghiệm Dubai qua Paris, carner tới Viết ở Jeju… rồi trở về Tháng sáu, Sài Gòn về Đà Lạt 1973 về Huế chậm… Người thơ Nguyễn Liên Châu trở về để được sâu sắc hơn, trên chính đất nước mình khi Chợt nghĩ trên xe lôi:

“Về Sa Đéc đi xe lôi/ Ghế êm chễm chệ ta ngồi/ Bác tài già còng lưng đạp/ Lưng trần ướt đẫm mồ hôi// Ung dung như kẻ dạo chơi/ Ta về đúng chỗ đúng nơi/ Bằng đôi chân kẻ khác/ Vô tâm quên cả lẽ đời// Giật mình vì được ngồi lôi/ Ngẫm ra dở khóc dở cười/- Bác tài ơi, dừng lại hộ/ Tôi xin đi bằng chân tôi”.

Vài nét về Nguyễn Liên Châu

Nhà thơ Nguyễn Liên Châu tên thật là Bùi Tấn Tiến sinh 1955 tại Đà Lạt. Ông là tác giả của 22 tác phẩm văn học bao gồm thơ, tản văn, tập truyện… từng là Trưởng đại diện Chi nhánh Nhà xuất bản Mỹ thuật tại TP.HCM. Hiện sống tại TP.HCM.

(Còn tiếp)

Trần Quốc Toàn

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm