Đón nhận Bằng xếp hạng cấp quốc gia Di tích lịch sử chúa Nguyễn

29/01/2019 21:51 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Nhân dịp kỷ niệm 460 năm ngày chúa Nguyễn Hoàng dựng nghiệp trên đất Triệu Phong (1558 - 2018), 89 năm thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930-3/2/2019) và chào đón Xuân Kỷ Hợi 2019, tối 29/1, UBND huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị đã tổ chức lễ đón nhận Bằng xếp hạng cấp quốc gia Di tích lịch sử chúa Nguyễn (1558-1626).

Tại buổi lễ, đại diện lãnh đạo tỉnh Quảng Trị đã trao Bằng công nhận Di tích Quốc gia đối với di tích lịch sử các địa điểm liên quan đến Dinh chúa Nguyễn (1558 - 1626) xã Triệu Ái, xã Triệu Giang, thị trấn Ái Tử huyện Triệu Phong.

Chú thích ảnh
Xã Triệu Ái, huyện Triệu Phong, Quảng Trị. Ảnh: Lao Động

Phát biểu tại buổi lễ, đại diện lãnh đạo huyện Triệu Phong ôn lại quá trình chúa Nguyễn Hoàng dựng nghiệp trên đất Triệu Phong, sự nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền địa phương trong việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa lịch sử của di tích. Cách đây 460 năm vào tháng Mười năm Mậu Ngọ (1558), Nguyễn Hoàng được vua Lê cử vào trấn thủ xứ Thuận Hóa. Nguyễn Hoàng đã cùng đoàn tùy tùng theo đường biển tiến đến cửa Việt Yên (Cửa Việt) sau đó đi ngược sông Thạch Hãn (Quảng Trị) và dừng chân tại bãi cát có tên là Sa Khưu, thuộc xã Ái Tử huyện Vũ Xương, phủ Triệu Phong. Vừa đặt chân lên vùng đất mới, Nguyễn Hoàng được quan lại và nhân dân địa phương ủng hộ, ông đã quyết định chọn bãi cát này để đóng doanh trại. Đây là dinh phủ đầu tiên của chúa Nguyễn tại huyện Vũ Xương, phủ Triệu Phong.

Trong 68 năm ở đất Vũ Xương, Triệu Phong, Nguyễn Hoàng đã 2 lần di dời dinh phủ. Lần thứ nhất vào năm 1570, sau 12 năm đóng tại Ái Tử, ông cho chuyển dinh trấn sang Trà Bát; lần thứ hai vào năm 1600, ông cho chuyển dinh phủ từ Trà Bát sang Dinh Cát. Việc di dời dinh phủ/dinh trấn là quá trình mở rộng quy mô và kiên cố hóa lỵ sở chứ không phải thay đổi không gian lỵ sở. Trước sau Nguyễn Hoàng vẫn chọn vùng đất Ái Tử-Trà Bát huyện Vũ Xương làm trung tâm chính trị - hành chính, là nơi tập trung bộ máy đầu não cai quản toàn xứ Thuận - Quảng. Năm 1613, Nguyễn Hoàng qua đời, chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên kế vị và ông tiếp tục thực hiện những dự định còn dang dở của cha mình. Đến năm 1626, chúa Nguyễn Phúc Nguyên cho chuyển dinh phủ vào vùng Phước Yên (nay thuộc huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế), chấm dứt 68 năm vùng đất Ái Tử-Trà Bát, huyện Vũ Xương, phủ Triệu Phong là lỵ sở của chính quyền họ Nguyễn ở Đàng Trong.

Trong hành trình 68 năm đặt lỵ sở tại huyện Vũ Xương, phủ Triệu Phong, ngoài việc cho xây dựng các dinh phủ đảm bảo việc điều hành quản lý của chính quyền, chúa Tiên Nguyễn Hoàng và chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên đã tập trung cho việc thiết lập các thiết chế phục vụ hoạt động quân sự, thương mại và văn hóa mà dấu vết ngày nay còn để lại qua các địa danh như: Bãi Trận, Mô Súng, Cồn Kho, Cồn Tập, Tàu Tượng, Chợ Hôm, Gềnh Phủ, Miếu Trảo Trảo Phu Nhân… Qua đó, đóng góp quan trọng trên mọi lĩnh vực kinh tế-xã hội cho vùng đất Thuận Hóa-Đàng Trong. Đồng thời, các dinh phủ của chúa Nguyễn tại Ái Tử, Trà Bát (thuộc huyện Vũ Xương, phủ Triệu Phong) có ý nghĩa rất lớn trong tiến trình phát triển của dân tộc bởi đây là lỵ sở đầu tiên, đánh dấu mốc quan trọng khai mở một triều đại mới - triều đại chúa Nguyễn và Vương triều Nguyễn và những công lao đóng góp của chúa Tiên Nguyễn Hoàng và chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên trong sự nghiệp mở mang bờ cõi dân tộc…

Vào ngày 20/6/2018, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành quyết định xếp hạng quốc gia di tích lịch sử các địa điểm liên quan đến dinh chúa Nguyễn (1558-1626) xã Triệu Ái, Triệu Giang, thị trấn Ái Tử của huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị. Đây là loại hình di tích lịch sử - khảo cổ bao gồm 3 địa điểm dinh phủ của chúa Nguyễn Hoàng và chúa Nguyễn Phúc Nguyên gồm dinh Ái Tử (1558-1570), Dinh Trà Bát (1570-1600) và Dinh Cát (1600-1626) cùng các địa điểm khác có liên quan như: miếu Trảo Trảo (thị trấn Ái Tử), Tàu Tượng, Mô Súng, Cồn Kho, Chợ Hôm, Cồn Tập (xã Triệu Ái), Gềnh Phủ Phước Châu, Bãi Trận (xã Triệu Giang).

Tại buổi lễ còn có chương trình nghệ thuật đặc sắc với các tiết mục ca múa nhạc dân ca, hoạt cảnh, kịch dẫn chuyện… mang chủ đề “Nước non ngàn dặm” với 2 phần chính là: "Hành trình mở cõi" và "Triệu Phong - Thẳng hướng tương lai"…

Thanh Thủy/TTXVN

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm