Đọc truyện thơ 'Như tôi đã sống': 'Tự mình cháy tựa que diêm…'

22/01/2022 07:00 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Gõ cửa một chiều Đông lạnh là một bạn trẻ. Tôi còn sững sờ giây lát thì bạn ấy hồ hởi giới thiệu là cán bộ Tổng công ty 36 Bộ Quốc phòng và trang trọng trao tôi cuốn truyện thơ Như tôi đã sống (NXB Quân đội nhân dân, 2021) được chuyển thể từ cuốn hồi ký cùng tên của Anh hùng Lao động (AHLĐ), đại tá Nguyễn Đăng Giáp - Chủ tịch HĐQT Tổng công ty 36. Cầm trên tay cuốn sách trang trọng, tôi xúc động về cách ứng xử của chủ nhân ấn phẩm văn hóa này…

'Như tôi đã sống' -  Đêm thơ nhạc xúc động khắc họa chân dung một Anh hùng lao động

'Như tôi đã sống' - Đêm thơ nhạc xúc động khắc họa chân dung một Anh hùng lao động

Tối 27 - 28/1/2018, tại Cung Văn hóa Hữu nghị Việt Xô, Hà Nội đã diễn ra đêm nhạc Như tôi đã sống để tôn vinh Đại tá, Anh hùng lao động Nguyễn Đăng Giáp.

Như tôi đã sống từ hồi ký đến truyện thơ là cuốn tự truyện hành trình cuộc đời, sự nghiệp của con người hội tụ “Ba trong Một”: Quân nhân - Doanh nhân - Thi nhân: “Anh hùng Lao động vinh danh/ Doanh nhân thế giới đã thành bài ca”.

Phần chính cuốn sách là 3.678 câu lục bát do nhóm tác giả Thanh Hải, Duy Tường và Mỹ Hạnh chuyển thể từ hồi ký Như tôi đã sống thành thể thơ lục bát dưới sự chỉ huy của “nhạc trưởng” Nguyễn Đăng Giáp. Chọn cách chuyển thể văn xuôi sang thơ, lại 100% thơ lục bát có thể coi là một sự một thách thức, “dũng cảm” khi đường trường “gánh” 3.678 câu lục bát chỉ có “một vai”.

Việc chuyển thể hồi ký từ văn xuôi sang thơ càng khó hơn khi chỉ chọn lục bát. Không khó sao được với đặc trưng thơ là trữ tình “cộng hưởng” tự sự thế nào cho nhuyễn, hài hòa, tránh gò gượng? Nhà thơ Trần Đăng Khoa cho rằng tác phẩm như diễn ca về người anh hùng thời kỳ đổi mới.

Chú thích ảnh
AHLĐ, đại tá Nguyễn Đăng Giáp tại buổi Lễ ra mắt truyện thơ “Như tôi đã sống”

Quê hương, gia đình và tuổi thơ của Nguyễn Đăng Giáp đã được tái hiện chân thực trong Chương 1. Đó là mảnh đất thiên nhiên khắc nghiệt “Gió Lào thổi rạc”, dân nghèo “quần nâu, áo vá”, “cơm cà, cá gỗ”, nhưng người dân mang “cốt cách bách tùng”, “nuôi chí anh tài”, “Tài hoa đức độ”, “Danh sư khoa bảng”... Cũng từ mảnh đất địa linh nhân kiệt này “Tinh hoa hội tụ đã sinh anh hùng”.

Nguyễn Đăng Giáp sinh ngày 16/6/1954 “Trai tài giờ Dậu đêm Rằm/ Tuổi nhằm Giáp Ngọ - tháng Năm - Hòa bình” trong gia đình nhà Nho nghèo ở thôn Đồng Chử, xã Nghi Trường, huyện Nghi Lộc,tỉnh Nghệ An. Dòng họ Nguyễn Đăng “vốn gốc Đông Hồ” do duyên trời đã dựng cơ đồ ở đây. Dòng họ tổ tiên coi trọng chữ nghĩa Thánh hiền “Dạy con cháu Phúc Lai Thành làm gương”.

“Sinh từ xứ Nghệ dưa cà”, là trưởng nam trong gia đình 8 anh em trai, Nguyễn Đăng Giáp thừa hưởng hồng ân, phẩm tính tốt đẹp từ đấng sinh thành: Từ người cha thanh liêm chính trực “mang cốt cách ông Đồ”, “Tính tình cương trực thẳng ngay”; từ mẹ “đôn hậu, thật thà”, “Cả đời tần tảo sắt son”, gom ca dao, dân ca làm tiếng hát đưa nôi, nuôi dưỡng tâm hồn con cái làm nên gốc “Gia đình trọn vẹn một nhà ấm êm”.

Thu Lan- người vợ tào khang đoan trang, hiền thục “Trọn tình Đăng Giáp - Thu Lan/ Quế hòe rộn tiếng cười vang gia đình”... Yếu tố địa văn hóa quê hương, phúc ấm của dòng họ, tổ tiên, gia đình là gốc bền, rễ vững tạo nên chân dung Nguyễn Đăng Giáp “Thông minh, hiếu nghĩa, rạch ròi đúng sai”. Thừa hưởng cha tính ngay thẳng, bộc trực, anh đã từng “Ngang tàng chống lệnh coi trời bằng vung” chỉ với chân lý “Đúng sai đi đến tận cùng”…

Chú thích ảnh

Chân dung Nguyễn Đăng Giáp hiện lên như cuốn phim quay chậm hành trình cuộc đời, sự nghiệp. Trang nhật ký chân thực tái hiện từng mốc thời giananh lính trẻ hòa cùng dân tộc trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước ngời sáng lý tưởng “Nước còn giặc còn đi đánh giặc/ Chiến trường giục giã bước hành quân” (Tố Hữu).

Năm 1972, Nguyễn Đăng Giáp nhập ngũ quyết định chọn “Chớm xanh sắc áo Binh Nhì” dù “Hay tin Đại học Quân y chọn mình”, nhưng quyết “Bút nghiên gác lại vào đời”. Anh phục vụ chiến đấu tại Đoàn 559, tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh, làm nhiệm vụ quốc tế ở Lào…

Từ chiến sĩ lái xe “Khởi nguồn binh nghiệp từ đây/ Đường ra mặt trận hẹn ngày lập công”, anh tự hào là “Những chàng Tuấn Mã” rong ruổi cùng “Tuấn mã Trường Sơn… Đường Trường Sơn trải một thời liệt oanh”…

Sự độc đáo của truyện thơ là tính chân thực. Những địa danh nhắc đến trong tác phẩm gắn với cuộc đời binh nghiệp, đó là “Binh trạm Mười Bốn một thời”, “Bảy Tám Một chở che ta tháng ngày”, “Đường Hai mươi của một thời hai mươi”, “Đường Quyết Thắng”, “Hang Tám Cô”…Với anh, Trường Sơn từ đó là nhà; Trường Sơn gửi lại bao nhiêu nghĩa tình; Trường Sơn nối đất với trời; Trường Sơn cuồn cuộn sóng ngàn quân reo... Người línhvượt đèo cao, vực thẳm, thiếu nước, đói ăn, máy bay quần đảo, trên bom dưới đạn “Đạn găm buồng lái, bom dằn đầu xe” đã xác định rõ ràng “Đã coi chết tựa lông hồng/ Nên dù bom đạn vẫn lòng thảnh thơi”…

Sau khi miền Nam giải phóng, Nguyễn Đăng Giáp nhận nhiệm vụ quốc tế ở Lào. Tác phẩm tái hiện hành trình gian nan, vất vả hơn 10 năm (6/1975-12/1986) “Mười năm trên đất Triệu Voi/ Sốt rừng, phỉ phục tái hồi bôn ba”, “Mùa Hè tám sáu Ai Lao/ Mưa như cầm chĩnh trút vào chiều xanh”, “Mấy lần sốt rét teo người”… Bao khó khăn người lính đã vượt qua đã góp phần để tô thắm tình đoàn kết hữu nghị Việt - Lào. Người lính tự hào “Mười năm Lào Việt quản chi”, vì “Việc công giúp bạn hoàn thành”…

Chương 4 Môn sơn - dấu ấn khởi nghiệp là hành trình từ không đến có: “Môn Sơn trăm sự khởi đầu/ Chín năm là những bể dâu đoạn trường”. Người lính bước sang một hành trình mới “Chiến trường nay đã lùi xa/ Thương trường đeo bám thân ta xế chiều”...

Trước những bài toán kinh tế đầy cam go, anh tự nhủ: “Doanh nhân phải biết nhìn xa/ Nếu không sẽ tự đốt nhà thiêu thân”; đặt chất lượng công trình lên hàng đầu; quan tâm nhân tố con người trước tiên… Cùng với đó là sự quyết đoán, nhanh nhạy: “Liều mình quyết phất, không chờ chủ trương/ Tự thân chủ động đo lường”; dám “Bỏ qua cơ chế xin cho”…Trên hành trình ấy có lúc “Đơn thương độc mã tự ta mở đường”, nhiều thị phi cản bước, những thăng trầm nếm trải trong thương trường khốc liệt, đầy cạm bẫy…nhưng “Quyết tâm chơi cú tất tay/ Liều mang sổ đỏ để vay ngân hàng”… Đúng là gian nan rèn đức luyện tài “Chuyển xoay cơ nghiệp tư duy tức thời”.

Truyện thơ Như tôi đã sống còn khắc họa một phẩm tính cao đẹp của Nguyễn Đăng Giáp là con người nhân ái, nghĩa tình, thủy chung với đồng chí, đồng đội, quê hương; biết ơn, tri ân những người đã giúp anh hoàn thành sứ mệnh thiêng liêng suốt nửa thế kỷ quân ngũ. Anh không quên một ai, nhắc tên không thiếu một người nào:“Đời ta nếu có nợ nần/ Phải chăng là nợ tình thân bao người”. Đăng Giáp hiểu hơn hết “Nghĩa tình không thể bán mua”. Anh tin vào người hiền sống tâm đức sẽ có linh ứng “Tiền nhân dạy những điều hay/ Cao xanh linh ứng vào ngay tức thì”, “Âm dương phù hộ độ trì sẽ qua”.

Chú thích ảnh
Đại tá Nguyễn Đăng Giáp (trái) được trao hoa và tôn vinh trong đêm nhạc của mình

Trưởng thành từ chiến sĩ lái xe Trường Sơn trong chiến tranh, đảm nhận nhiều chức vụ quan trọng ở thời bình, ở mỗi thời kỳ, mỗi vị trí, phẩm chất anh “Bộ đội Cụ Hồ” luôn thể hiện trong Nguyễn Đăng Giáp là sự bình dị, thông minh, chân tình, quyết đoán; dũng cảm, kiên cường trong chiến tranh; năng động, bản lĩnh, sáng tạo trên thương trường để “Tự mình cháy tựa que diêm/ Tài năng, tâm đức mọi miền tỏa lan”…

Sự cống hiến của anh đã được Đảng, Nhà nước, Quân đội ghi nhận: “Anh hùng Lao động đã thành ước mơ/ Doanh nhân thế giới đón chờ”. Chặng đường Đăng Giáp làm thủ lĩnh Tổng công ty 36 đã được khái quát cô đúc “Chẳng đi trên những lối mòn/ Tâm - Tài - Trí-Lực vẫn còn đam mê”, “Tâm-Tầm - Chí-Trị tạo đà chiến chinh”; “Ân - Uy - Trí-Tín đủ đầy”…

***

Truyện thơ Như Tôi đã sống đúc kết lại nhiều bài học từ thực tiễn cuộc sống đa sắc màu để có tư duy kỹ trị cũng như triết lý cuộc đời nhằm gửi tới quý độc giả cùng chiêm nghiệm và suy ngẫm. Con số 36 trong 3.678 câu lục bát: “Kiếp người gói gọn bấy nhiêu/ Như tôi đã sống nhiễu điều giá gương/ Một thời dâu bể thân thương/ Cảo thơm - Hậu thế - Minh tường - Thủy chung”.

Khi bắt tay vào thực hiện “Thả câu Sáu Tám lên trời”, nhóm tác giả phải thốt lên “Kiến dị tác nan” (Nhìn dễ nhưng làm khó). Đúng là thơ lục bát hay, nhưng làm được 3.678 câu lục bát thì không đơn giản. Về cơ bản, nhóm tác giả đã nắm được vần luật thơ lục bát và luật bằng trắc thể hiện qua mô hình:

Câu lục 1: + B + T + B

Câu bát 1: + B + T + B + B

(Ký hiệu: B - thanh bằng, T - thanh trắc, + là tự do)

Các tiếng thứ 2, 4, 6, 8 phải luôn đúng luật bằng trắc. Các tiếng thứ 2, 4 câu lục phải niêm với các tiếng thứ 2, 4 câu bát. Tiếng thứ 5 câu lục nên dùng thanh bằng để đảm bảo đối cho cân (hãn hữu mới dùng thanh trắc). Tiếng thứ 4 câu lục và câu bát phải là thanh trắc. Để câu thơ cân đối thì tiếng thứ 4 phải là thanh trắc (gánh hai thanh bằng thứ 2 và 6)...

Chú thích ảnh
Truyện thơ "Như tôi đã sống" chuyển thể từ hồi ký cùng tên

Xin đơn cử một số câu lục bát:

Dạy con cháu “Phúc lai thành

Câu lục: + B + T + B

Tu nhân tích đức công danh sáng lòa

Câu bát: + B + T + B + B

Câu lục bát trên đã chuẩn vần và luật bằng trắc.

Lễ ra mắt truyện thơ Như Tôi đã sống đã tổ chức trang trọng vào dịp cuối tháng 12 vừa qua. Nhà sử học Dương Trung Quốc cho rằng: Nguyễn Đăng Giáp là một hiện tượng điển hình của đất nước, từ một chiến binh, rời vũ khí, cầm lấy công cụ của người thợ xây tạo dựng nên những công trình, rồi trở thành doanh nhân để lại dấu ấn bằng những công trình có mặt khắp mọi miền của Tổ quốc…

Như tôi đã sống là tự truyện cuộc đời được ghi lại bằng thơ gắn với hành trình nửa thế kỷ quân ngũ đã “Dựng nên Ba Sáu tượng đài tháng năm”. Tôi xin mượn câu thơ kết cho bài viết về người anh hùng:

Kiếp này sống để hiến dâng

Lập thân, lập đức lập công rạng ngời

Hy sinh, cống hiến một thời

Cho tình tới đỉnh, cho đời thăng hoa

Mai này về với ông cha

“Như tôi đã sống” bài ca kiếp người.

Nhà văn Lê Thị Bích Hồng

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm