Đọc sách: Chìa khóa để giữ hạnh phúc gia đình

11/01/2015 14:00 GMT+7 | Đọc - Xem

(Thethaovanhoa.vn) - 50 câu hỏi “sát sườn” nhất, “hóc búa” nhất và “kịch tính” nhất chọn lọc từ chuyên mục “Hạnh phúc Gia đình qua Lăng kính Phật giáo” (Tạp chí Mẹ & Bé) do Thượng tọa Thích Nhật Từ trả lời đã được in thành Chìa khóa hạnh phúc gia đình (do Columbus Books phối hợp cùng NXB Hồng Đức ấn hành).

Thượng tọa Thích Nhật Từ, bằng những lời tâm sự chia sẻ chân tình và gần gũi nhất, đã giúp chúng ta dễ dàng tháo gỡ những vần đề nan giải nhất mà mỗi cá nhân có thể gặp phải trong cuộc sống hàng ngày: từ việc chồng ngoại tình; con tật nguyền, hư hỏng; mâu thuẫn mẹ chồng nàng dâu… đến những thói hư tật xấu, những mê tín dị đoan phá hoại cuộc sống bình an.

Chia sẻ về cuốn sách này, GS.TS Cao Huy Thuần cho biết: “Ngày nay, nhà trường chỉ làm nhiệm vụ truyền đạt kiến thức. Do đó, gia đình là cơ sở tinh thần phải giữ vững để bảo vệ đạo đức cho con trẻ, chống lại những ảnh hưởng xấu tràn lan từ bên ngoài. Mà muốn giáo dục con em, trước hết cha mẹ phải tự giáo dục mình. Tìm đâu giáo dục ấy nếu không phải là nơi những người hướng dẫn tinh thần mà mình tin cậy? Và nếu mình có đi chùa, tin Phật, lời nói nào đáng tin cậy hơn lời nói của một vị sư?”.

Bìa cuốn “Chìa khóa hạnh phúc gia đình”

Cũng theo lý giải của GS Thuần, trong Phật giáo, giáo dục gồm ba phương thức: thân giáo, khẩu giáo, ý giáo. Ông kể, ông gặp Thượng Tọa Nhật Từ nhiều lần, nhưng lần mà ông nhớ mãi là ở Tịnh Xá của Giáo hội khất sĩ, sau bữa cơm trưa. “Tôi có chuyện đạo muốn nói với Thầy nhưng không làm sao nói được, vì Phật tử vây quanh Thầy tíu tít hỏi chuyện, chính Thầy dứt cũng không ra... Chính thế, cho đến lúc đó, tôi chỉ biết Thầy qua khẩu giáo. Thượng Tọa Nhật Từ viết sách báo, giảng giải Phật pháp không hề mỏi mệt, tận dụng thành công hơn ai hết các phương tiện truyền thông hiện đại. Lúc đó, tôi mới nhận ra sự truyền cảm của Thầy không phải chỉ ở khẩu giáo” – ông nói thêm.

Đọc cuốn Chìa khóa hạnh phúc gia đình, GS Cao Huy Thuần cảm thấy điều làm ông vui nhất là thái độ cởi mở, phóng khoáng của một vị sư khi bàn đến vấn đề đạo đức, luân lý mà không hề đạo mạo, nghiêm khắc. Ngôn ngữ trong sách lắm khi còn vui nhộn, “đàn đúm” với ngôn ngữ của thời đại, khiến người đọc dễ thân mật, gần gũi với người viết, vui theo, và chắc hẳn cũng nghe theo.

Việt Anh
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm