Đọc 'Kế Môn - quê hương trong tôi': Từ 'làng kim hoàn' đến 'làng thơ ca'

22/07/2021 08:27 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Cuốn Kế Môn - quê hương trong tôi (NXB Hội Nhà văn) vừa phát hành của Hoàng Dục là công trình nghiên cứu sinh động và xúc động về Kế Môn - ngôi làng còn lưu giữ đậm nét văn hóa, văn minh của đất thần kinh.

Sách 'Bảo tàng Khải Định': Từ bảo tàng cổ vật hàng đầu đến cảm hứng huyền thoại

Sách 'Bảo tàng Khải Định': Từ bảo tàng cổ vật hàng đầu đến cảm hứng huyền thoại

Hơn 100 năm trước, ngày 16/11/1913, "Hội Những người bạn cố đô Huế" (Association des Amis du Vieux Hué, thường gọi là B.A.V.H.) đã ra mắt, sau đó xuất bản tập san cùng tên.

1. Ai cũng biết, ở Kế Môn, vua Khải Định đã sắc phong, ghi ân hai vị khai sáng nghề kim hoàn nước ta là Cao Đình Độ và Cao Đình Hương là thần Dực Bảo Trung Hưng (thần bảo vệ dân chúng an cư và trung hưng nghề nghiệp). Nhưng Kế Môn - quê hương trong tôi không chỉ dừng lại ở chuyện kim hoàn, mà đi vào văn hóa làng, với chuyện người và cả huyền thoại.

Hơn 200 năm kể từ ngày khai sinh nghề, người làm nghề kim hoàn tại Kế Môn đã tạo dựng tên tuổi và sự nghiệp làm nghề không chỉ trong nước, mà còn vang danh ở nước ngoài. Trải qua những thăng trầm thế sự, dẫu có khi khó khăn trở ngại, những người làm nghề đã biết tiếp truyền niềm đam mê, chịu bao khổ lụy để học nghề của các vị tổ nghề. Họ vẫn luôn khẳng định ý thức dân tộc về nghề của người Việt để lưu giữ và phát triển cho quê hương.

Chú thích ảnh
Nhà văn Hoàng Dục

Một trong những nỗi tự hào lớn của đất học Kế Môn là đã sản sinh ra nhà tân học Nguyễn Lộ Trạch. Hoàng Dục đã dành 2 bài chuyên khảo và dịch 14 bài thơ để “phục dựng” phần nào diện mạo phi phàm của ông. Đây là những bài viết khá công khu, đi sâu vào phân tích tư tưởng trị an đã chi phối mọi hành động của Kỳ Am Nguyễn Lộ Trạch.

Khi đất nước đang đứng trước họa xâm lăng của thực dân Pháp, trị an có nghĩa là “làm cho đất nước sạch bóng quân thù, dân tộc tự do, dân chủ, quốc gia hưng thịnh trong xu thế hiện đại”. Nói gọn hơn, trị an có nghĩa là an quốc, an dân, một chí hướng duy tân mà về sau chí sĩ Phan Châu Trinh tiếp tục đề ra: “Khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh”.

Là một người có đủ điều kiện để thăng tiến trên chốn quan trường, nhưng Nguyễn Lộ Trạch không đi thi. Học vấn đối với ông là con đường thực học, hướng đến hành động duy tân đất nước. Ông chỉ muốn “nhận thức lại giá trị của cái học từ chương, đóng khung trong Tứ thư, Ngũ kinh; chế độ thi cử lấy văn sách, thơ phú để chọn người tài không còn phù hợp với thời cuộc”.

Nối tiếp tư tưởng duy tân đất nước của Nguyễn Trường Tộ, Nguyễn Lộ Trạch đã gây chấn động thời bấy giờ với những bản điều trần như Thời vụ sách thượng, Thời vụ sách hạ, Thiên hạ đại thế luận…

Nhiều người Kế Môn tin rằng, chính dòng sông Ô Lâu đã làm nên thành văn hóa, thành tựu và cả huyền thoại đất này. Chí sĩ Hồ Tá Bang, người làng Kế Môn, đã cùng Phan Châu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng xây dựng phong trào Duy Tân, ông đồng sáng lập trường tư thục Dục Thanh mở mang dân trí và lòng yêu nước.

Chú thích ảnh
Cuốn “Kế Môn - quê hương trong tôi” vừa phát hành

2. “Thời hiện đại thì có rất nhiều quan chức, có rất nhiều người đỗ đạt càng tô điểm thêm vẻ đẹp, bề dày văn hóa của làng. Tôi không nắm cụ thể nên không ghi ra đây, nhưng số người có học vị tiến sĩ, thạc sĩ mà tôi biết cũng nhiều hơn số ngón của hai bàn tay tôi” - Hoàng Dục viết.

Những chuyên luận khảo cứu trong sách luôn được diễn ngôn bằng góc nhìn của quá khứ, nhưng đặt trong dòng chảy của thời hiện tại. Bằng sự cảm thấu tinh tế, giọng văn trau chuốt, Hoàng Dục miệt mài với cái đẹp bằng những phát hiện nhẹ nhàng, sâu thẳm, đầy mỹ cảm.

Thật thú vị, Kế Môn là một làng nghề kim hoàn truyền thống nổi tiếng, nhưng khi đọc lại Vườn thơ Kế Môn thì mới biết đó còn là ngôi làng của thơ ca.

Với Nguyễn Thành Nhơn là niềm tưởng nhớ với người tình cố quận bởi “những vọng âm của từng con sóng xa” để ngậm ngùi đau đớn bởi một trái tim cô lẻ “để ta tìm kiếm bạc đầu tương tư” (Bạc đầu tương tư).

Với thơ ca của Hoàng Ngọc Ẩn là “dòng chảy tình cảm mang phù sa của ký ức tập thể, ký ức của người Việt xa xứ”, của một “tâm hồn ăm ắp tình quê, căng phồng giấc mơ hồi hương của cánh chim giữa trời chiều đất khách” (Trên triền ký ức khói sương).

Với Hoàng Ngọc Châu là Không gian thơ phấn vàng bay của một “vũ trụ như khoác lên mình chiếc áo vàng mơ lóng lánh”, một không gian thơ đầy yêu thương với quê nhà, với hương vị ngọt ngào của tình yêu, nỗi nhớ về “những chốn xưa vàng rơi mấy độ”…

Những phân tích, cảm nhận luôn muốn tạo dựng một chân dung thơ với những nét riêng, tạo cho vườn thơ phong phú những bông hoa rạng rỡ sắc màu, mỗi người mỗi vẻ. Anh tiếp cận thơ ca không phải “chẻ sợi tóc làm tư, tìm cho được mạch nguồn lạch sông, như thế lắm lúc làm hỏng thơ. Thơ hút nhụy từ cuộc sống, nhưng được thăng hoa bởi tâm hồn người làm thơ”. Đó là cách tiếp cận với thế giới thi ca đầy nữ tính của Hoàng Xuân Thảo, một tâm hồn thơ trong tình yêu đôi lứa vốn chỉ để thể hiện sự giải bày. Một nhà thơ nữ khác là Lệ Phi, với một không gian bao trùm của những cơn mưa của đất trời kỷ niệm “Em đi về chốn chiêm bao/ Hoa vàng từ độ rơi vào hư không…”.

Hoàng Dục người làng Kế Môn, sinh 1951, từng dạy học ở Đắk Lắk và Đà Nẵng, hiện sống ở Đà Nẵng. Ông đã xuất bản gần 10 đầu sách, trong có tập truyện ngắn Ơn thầy (2004), tập phê bình văn học Phải lòng câu chữ (2013)...

Hồ Sĩ Bình

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm