Độc đáo thú chơi tranh Tết hiện đại

27/01/2022 08:30 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Chơi tranh Tết là thú vui tao nhã đồng thời là nét đẹp văn hóa của người Việt từ thời xưa. Trải qua nhiều biến động của thời gian, thú chơi tranh ngày nay đã có nhiều đổi khác.

Sống chậm cuối năm: Một thời tranh Tết

Sống chậm cuối năm: Một thời tranh Tết

Vừa qua, 30 họa sĩ từ Bắc đến Nam cho bày một phòng tranh chào đón năm Kỷ Hợi ở Đông A Gallery (tầng 4 nhà sách Cá Chép, phố Nguyễn Thái Học, Hà Nội). Đó là phòng tranh Tết của các họa sĩ đi tiên phong trong việc cách tân đa đạng đa chiều về con giáp “Hợi”. Triển lãm này gợi lại thú chơi tranh Tết một thời.

1. Những năm trở lại đây, khủng hoảng đời sống xã hội sau mùa dịch khiến cho việc mua bán tranh Tết cũng có phần kém hứng khởi hơn. Nhưng không vì thế mà người ta không đón năm mới với nhiều hy vọng.

Trước Tết Âm lịch khoảng 1 tháng là thời gian tranh Tết vào vụ. Tranh được bày bán dịp Tết thường là tranh được vẽ rải rác trong năm hoặc tranh vẽ tập trung trong tháng cuối năm với mục đích phục vụ mùa Tết.

Chú thích ảnh
Không khí ngày mở bán Bộ sưu tập Tết Art 2022 tại Ha Noi Gallery Studio

Ha Noi Gallery Studio - phòng tranh chuyên triển lãm mỹ thuật đương đại hơn 25 năm trên phố Tràng Tiền năm nay cũng đã trưng bày Bộ sưu tập tranh Tết từ ngày 10/1. Chị Dương Thu Hằng - chủ phòng tranh chia sẻ: “Không như những bộ sưu tập tranh bày bán trong năm, giá tranh mùa Tết có sự chia sẻ đến cộng đồng cho nên chỉ tầm vài ba triệu đến dưới 20 triệu. Chúng tôi làm với tinh thần “Mang Tết về nhà” cho nên tất cả các tranh đều rất dễ mua”. Được biết, từ trước ngày trưng bày đã có nhiều khách xem trước trên website và gọi điện đặt mua.

Cũng với tinh thần đó, The Muse Art Space (47 Tràng Tiền) cũng đang diễn ra triển lãm Vẫn Tết chứ 2022 quy tác phẩm hội họa của các nhóm các họa sĩ thành danh của mĩ thuật Việt Nam. Triển lãm năm nay muốn mang lại cho người xem thái độ lạc quan qua những bức tranh tưng bừng sức Xuân và niềm vui sống được chọn lọc từ các tác phẩm sáng tác trong năm 2021. Mỗi họa sĩ sẽ đem đến một dòng tranh với các chất liệu đa dạng, từ sơn mài, sơn dầu, phấn màu, màu nước trên giấy và lụa…

Chú thích ảnh
Một trong năm bức “Hoa mùa xuân” của Mai Xuân Anh

2. Họa sĩ Mai Xuân Anh bắt đầu vẽ bộ 5 bức sơn dầu Hoa mùa xuân từ giữa tháng 12/2021 để kịp tham gia Tết Art 2022. Theo tinh thần chung của bộ sưu tập, họa sỹ chọn vẽ tranh khổ nhỏ để bán mức giá hợp lý hơn, từ 1.000 đến 1.500 USD một bức.

Theo chia sẻ của Xuân Anh, nếu tranh Tết ngày xưa chủ yếu là tranh dân gian Đông Hồ, Hàng Trống thì ngày nay người chơi tranh lại chuyển sang mỹ thuật hiện đại với những chất liệu tân thời như sơn mài, màu nước. Tranh Tết ngày xưa chủ yếu bày tỏ những ước vọng vinh hoa, phú quý, tài lành, phúc ấm thì tranh Tết bây giờ thỏa mãn nhu cầu thưởng thức sâu hơn về nghệ thuật. Nhưng dù thời đại nào đi nữa việc sắm sửa trang hoàng nhà cửa vào mỗi dịp Tết cổ truyền đã trở thành một nét đẹp truyền thống ăn sâu vào tiềm thức của mỗi người Việt.

Còn đối với họa sĩ Hoàng Nghĩa Hiệp thì tranh Tết là việc mang về mùa Xuân về bằng tinh thần. Khi vẽ về Tết, họa sĩ thường chọn hoa Xuân làm cảm hứng. Mùa Tết 2022, Hoàng Nghĩa Hiệp vẽ 3 bức: Cánh đồng hoa - hồi ức về làng hoa Ngọc Hà, Hoa Tết Cô gái mặc đầm xanh - một thiếu nữ ngồi chờ xuân.

Chú thích ảnh
Bộ 3 bức tranh chào xuân của họa sĩ Hoàng Nghĩa Hiệp

“Ngày xưa nghèo đói, nhưng nhà nào cũng phải có một đôi tranh Tết vẽ lợn ăn lá ráy, ngũ quả… để mang mùa xuân về bằng tinh thần. Người ta tìm đến tranh tết dân gian như một sự cứu cánh tinh thần, giải thoát nhọc nhằn trong năm cũ cũng như gửi gắm tâm nguyện, kỳ vọng cho năm mới” - Họa sĩ Hoàng Nghĩa Hiệp nói - “Bây giờ thì ngược lại, những người đầy đủ vật chất lại đi tìm đến sở thích về mặt thị giác

Như thế, dù là xưa hay nay, nghệ thuật cũng vẫn luôn song hành cùng đời sống tinh thần của con người và nâng đỡ mỗi cá nhân lúc hoang mang nhất. Tranh Tết thời nay tuy nhiều khác biệt cả về nội dung, chất liệu, thủ pháp và giá cả nhưng suy cho cùng vẫn mang tinh thần “tống cựu nghinh tân” và hướng người chơi đến sự cân bằng giữa đời sống cảm xúc và tinh thần.

“Mừng tuổi bằng sách”

Không chỉ chơi tranh Tết theo tinh thần hiện đại, tập tục mừng tuổi ngày Tết cũng có những thay đổi thú vị theo thời gian như trường hợp mừng tuổi bằng sách. Theo đó, dịp Xuân về, các em thiếu nhi sẽ được tặng những ấn phẩm sách Tết với những câu chuyện thú vị, tươi vui, giàu giá trị nhân văn, được đầu tư về mỹ thuật.

Điển hình trong Tết năm nay, NXB Kim Đồng đã phát động chương trình “Mừng tuổi bằng sách” với việc tái bản một số ấn phẩm về Tết, đồng thời ra mắt bốn ấn phẩm mới: Nhâm Nhi Tết – Nhâm Dần, Mỗi tuổi mỗi tài – 12 con giáp, Tết ơi Tết đâu rồi?, Bé hỏi mẹ - Mẹ ơi Tết màu gì?

Trong đó, Nhâm Nhi Tết – Nhâm Dần là tuyển tập văn - thơ - họa của các tác giả nổi tiếng tâm huyết dành những trang viết đặc sắc nhất chào năm mới Nhâm Dần. Mỗi tuổi mỗi tài – 12 con giáp là cuốn sách tranh xinh xắn, ngộ nghĩnh sẽ giúp các bạn nhỏ khám phá bí mật về 12 con giáp. Tết ơi Tết đâu rồi Mẹ ơi Tết màu gì sẽ dẫn dắt các bạn nhỏ bước vào không gian Tết, hòa trong những màu Tết dần biến đổi trong từng chồi cây, từng nụ hoa, từng con đường ngõ phố và cảm nhận được hơi thở mùa Xuân, hương vị Tết trong những đồ vật gần gũi xung quanh.

Mai Ngọc

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm