Đô thị cổ: Phố Hiến, Hội An và Malacca

08/01/2012 14:17 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH) - (LTS) Sự hình thành và phát triển của các đô thị cổ như Phố Hiến và Hội An vốn không xa lạ với tất cả chúng ta. Nhưng một cái nhìn so sánh giữa chúng với đô thị cổ Malacca của Malaysia là điều mà nhà phê bình Phan Cẩm Thượng muốn chia sẻ với độc giả TT&VH thông qua loạt bài viết này.

Nhà phê bình Phan Cẩm Thượng

1. Khái niệm thành thị đúng nghĩa đen của nó, thành là cái thành đồn trú của chính thể phong kiến, thị là cái chợ. Thành thị là chợ giao thương hình thành bên một cái thành.

Đương nhiên không phải nơi đâu cũng vậy, trong những ngôi thành quá lớn, bản thân nó đã như một thành phố, thì chợ thường ở ngay trong thành cùng với dân cư.

Thành ở Việt Nam thường nhỏ, chỉ đủ cho quan quân ở, không bao gồm cả dân cư. Trong trường hợp thành Thăng Long và thành Huế đều từng là kinh đô, người ta xây dựng cả lớp thành ngoài bọc khu dân cư, đó là thành Đại La ở Thăng Long và Phòng thành ở Huế. Vấn đề chính là cách sống trong hòa bình và chiến tranh của người Việt. Thành là để phòng thủ, nhưng thị dân và nông dân thường không chạy theo vua nếu trận chiến thất bại, mà sơ tán tạm thời, đồng thời kinh đô có thất thủ cũng không có nghĩa là mất nước, nên không ai ỷ vào sự phòng thủ của thành trì dù kiên cố đến mấy.

Vả lại thực chất thì thành Việt Nam thời phong kiến rất thấp bé, khả năng phòng thủ kém, hầu như đều thất bại trước các cuộc công thành, không thể tin tưởng vào những bức tường như vậy.

2. Đô thị cổ Phố Hiến và Hội An là một trường hợp khác, không cần đến một sự phòng thủ và chúng cũng phát triển trong thời kỳ giao thương quốc tế hòa bình tương đối. Địa hình của chúng hình thành gần bến sông và bờ biển – thương cảng.

Người ta cho rằng vào thế kỷ 16, 17, khi Phố Hiến hình thành thì cũng không xa biển lắm. Đây là một giả thuyết còn phải nhờ cậy đến khoa học về sự bồi lấp của sông Hồng ra biển trong 500 năm qua từ vùng Hưng Yên, Hải Dương ra Hải Phòng.

Thuyền đi biển thời cổ của cư dân Hội An, nay được lưu giữ tại nhánh sông Hoài
ở Hội An như một di vật lịch sử Ảnh: Nguyễn Anh Tuấn

Về thực chất thì Phố Hiến và Hội An xây dựng ngay bên sông và có thể đi từ sông ra biển thuận tiện. Hội An vốn là một thương cảng quan trọng của người Chăm từ thời cổ, đặc biệt vào các thế kỷ 7-10 với mặt hàng xuất khẩu chiến lược hồ tiêu. Sau thế kỷ 14, người Chăm di chuyển dần vào trong Nha Trang, sự kiểm soát vùng Quảng Nam trở nên yếu dần. Vào năm 1535, nhà thám hiểm Bồ Đào Nha Antonio de Faria đến Đà Nẵng và thúc đẩy việc thiết lập một cảng biển lớn tại Hội An, sau đó, một thương cảng như thế đã được xây dựng bởi các chúa Nguyễn vào khoảng những năm 1595. Thế kỷ 17, các thương nhân Trung Hoa và Nhật Bản đến Hội An lập nhiều hội quán và thương điếm. Hoạt động thương mại của các chúa Nguyễn linh hoạt và kiếm được nhiều lợi nhuận hơn chúa Trịnh ngoài Bắc, và Hội An được coi như một cảng thương mại quốc tế quan trọng ở vùng biển Đông Nam Á thời kỳ này.

Ở đàng ngoài, Phố Hiến được coi như cái chợ đầu mối, trước khi vào Thăng Long, những người Hoa, người Hà Lan và người Anh đã đến đây buôn bán lập nghiệp. Giữa đàng trong và đàng ngoài đang có chiến tranh, nên quan hệ của di dân và thương nhân nước ngoài cũng cần tinh tế và khôn khéo, nếu không sẽ bị trục xuất ngay lập tức.

3. Cả Phố Hiến và Hội An đều hình thành từ một con phố ven sông, sau đó nhân lên thành vài con phố khác nằm song song. Đầu phố và cuối phố đều có đền chùa, hội quán nằm rải rác từng khu vực xung quanh là dân của hội quán, ví như cũng là người Trung Hoa, nhưng có người Phúc Kiến, người Quảng Đông... mỗi nơi lại có hội quán riêng như là cái đình làng của dân địa phương cùng một đất nước. Đền chùa thì xen lẫn của người Việt và người nước ngoài. Khi chung tam giáo Nho - Lão - Phật, thì thờ cúng ở đâu cũng được.

Malacca ở Malaysia cũng được hình thành như vậy, nhưng có những tôn giáo khác như Hồi giáo, Ấn Độ giáo và Thiên Chúa giáo bên cạnh tam giáo mà người Trung Hoa đưa sang. Ở đây có những người Hoa sang lâu đời kết hôn với người bản xứ, hình thành một chủng lai (người Peranakan) và họ cũng không nói tiếng Hoa nữa.

Chuyên mục của nhà phê bình Phan Cẩm Thượng xuất hiện vào Chủ nhật hằng tuần.

Song đa ngôn ngữ cũng là một đặc điểm của các phố thương cảng như vậy. Điều cũng từng có ở Phố Hiến và Hội An. Ngày nay Phố Hiến và Hội An đã mất tính đa ngôn ngữ, tức là người địa phương không nói nhiều thứ tiếng cùng một lúc nữa, riêng Malacca cũng như Malaysia nói chung tiếng Hoa, tiếng Malai, tiếng Ấn và tiếng Anh được dùng phổ biến, trong đó tiếng Anh là ngôn ngữ thứ nhất.

(Còn nữa)

Phan Cẩm Thượng

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm