Đỗ Mạnh Cường phản hồi việc copy váy

27/07/2011 15:20 GMT+7 | Văn hoá

Một mẫu váy màu cam của nhà thiết kế Đỗ Mạnh Cường ra mắt trong chương trình 'Fashion Boulevard' hôm 19/7 bị nghi ngờ là copy kiểu dáng của hai thương hiệu nổi tiếng Versace và Gucci vì có rất nhiều chi tiết giống nhau.

Trong đêm thời trang Fashion Boulevard, Đỗ Mạnh Cường đã giới thiệu đến công chúng bộ sưu tập mới nhất của anh với tên Ready to wear. Những mẫu đầm dạ hội với những gam màu nổi và theo sát xu hướng thời trang thế giới này đã nhận được không ít lời khen. Tuy nhiên, chỉ ít ngày sau đó, trên Facebook đã đăng tải một bức ảnh so sánh bộ đầm màu vàng cam mà siêu mẫu Ngọc Thạch trình diễn trong chương trình, với hai mẫu váy nằm trong bộ sưu tập xuân hè 2011 của Versace và bộ sưu tập thu đông 2011 của Gucci. Bộ váy của Đỗ Mạnh Cường dù khác về màu sắc nhưng vẫn là kết quả của việc 'copy' và lắp ráp ý tưởng từ sản phẩm của hai thương hiệu thời trang nối tiếng trên thế giới. Phần thân trên là sản phẩm của Versace và phần dưới là của Gucci.


Bộ đầm vàng cam của Đỗ Mạnh Cường bị cư dân mạng cho là bản 'sao chép' từ đầm của Versace (giữa) và Gucci (phải).

Phóng viên đã có cuộc trao đổi với nhà thiết kế Đỗ Mạnh Cường để làm rõ "nghi vấn" trên.

- Anh có biết chuyện cộng đồng mạng đang bàn tán sôi nổi về việc anh copy thiết kế thời trang?

- Thực ra, hai ngày sau buổi trình diễn, tôi có nhận được email của một người lạ nói về việc này.

- Vậy anh phản biện ra sao khi trang phục do anh thiết kế là sự sao chép y chang váy hai thương hiệu nổi tiếng, phần trên là của Versace và phần thân dưới của Gucci?

- Tôi nghĩ rằng, mỗi người đều có ý kiến riêng của họ, và việc tôi nói gì về chuyện này cũng không còn quan trọng lắm với họ. Mọi người muốn tôi nói gì về việc này? Tôi nói là tôi copy hay không copy, thì chưa chắc họ đã tin lời của tôi, mà đã có nhận định riêng của họ rồi. Tôi chỉ muốn nói mình không phải là thiên tài, tôi chỉ là một nhà thiết kế đang làm công việc của mình. Công việc của tôi là nghiên cứu và nắm bắt những xu hướng đang diễn ra trên thế giời để mình không bị lạc hậu, và tôi cố gắng đem chúng vào trong những sản phẩm hướng đến khách hàng.

Trên thế giới có những trung tâm chuyên nghiên cứu về các xu hướng, đưa ra những dự báo về kiểu dáng, màu sắc, chất liệu sẽ trở nên thịnh hành và được ưa chuộng ở các mùa thời trang sau. Dựa vào đó, các nhà thiết kế của mỗi nhãn hàng sẽ có lựa chọn của riêng mình và cho ra đời, sản phẩm phù hợp nhất với phong cách thương hiệu và nhu cầu của khách hàng.

Năm nay, xu hướng những chiếc đầm dạ hội dài thướt tha bằng chất liệu mỏng, để lộ nội y bên trong đang rất được ưa chuộng. Tôi quan tâm đến xu hướng này và cố gắng đưa nó vào bộ sưu tập của mình. Không chỉ Gucci mà Marc Jacob, Yves Saint Laurent, Valentino,…và rất nhiều hãng thời trang danh tiếng trên thế giới cũng vận dụng xu hướng này trong các thiết kế mới nhất.


Bộ trang phục bị nghi là "đạo" ý tưởng nằm trong bộ sưu tập được phát triển theo một đường dây liên tục, gắn kết nhau ở cách sử dụng chất liệu và cách xỷ lý xếp nếp vải của Đỗ Mạnh Cường.


Phần thân dưới của mẫu thiết kế của tôi áp dụng xu hướng này với cách cắt váy 3 tà rất quen thuộc. Với cách xử lý này, khi người mẫu di chuyển, tà áo chính thường lọt vào giữa hai chân nên vô tình làm một số người kết luận rằng, tôi cố ý bắt chước phần thân dưới váy của Gucci. Theo tôi, phần thân váy này không có gì mới mẻ cả, bởi đã có nhiều kiểu váy được xử lý xẻ tà như vậy rồi.

Còn phần thân trên giống váy của Versace, sau khi một số người trên Facebook đăng hình so sánh và gửi cho tôi, tôi rất bất ngờ. Thiết kế của tôi được phát triển dựa trên một đường dây liên tục, trong đó vận dụng cùng loại chất liệu để tạo sự thống nhất và sự khác biệt cho từng mẫu, bằng cách xếp nếp theo chiều ngang, dọc trên thân áo có chủ đích. Nếu biết thành phẩm của mình giống thiết kế của Versace đến như vậy, thì tôi không đời nào trình diễn mẫu váy này. Đây chỉ là một trong 9 bộ đầm dài với 9 màu khác nhau, chứ không phải là một bộ “đinh” quan trọng, hoàn toàn có thể loại ra và không làm mất đi tổng thể. Tôi không thể nào chỉ vì "đạo" một mẫu mà làm ảnh hướng đến toàn bộ sưu tập, cũng như uy tín của mình. Ở vị trí của tôi, tôi không bao giờ cho phép mình làm như vậy, vì tôi biết sau show diễn, hình ảnh bộ sưu tập sẽ tràn lan trên mạng, mọi người dễ dàng phát hiện ra điều đó. Đây là một sự cố mà tôi không hề mong muốn. Tôi chỉ mong mọi người đặt mình vào vị trí của tôi để hiểu hơn thôi.

- Anh có thể chỉ ra một số điểm khác biệt ở phần thân trên trong thiết kế của anh với mẫu váy của Versace để chứng minh rằng, nó chỉ là sự 'trùng hợp ngẫu nhiên'?

- Hẳn ai cũng biết câu chuyện áo cưới hoàng gia Anh do Sarah Burton, giám đốc sáng tạo mới của thương hiệu Alexander McQueen đang bị mang ra so sánh với chiếc váy cưới của Isabella Orsini, bởi hai chiếc váy có quá nhiều chi tiết giống nhau. Tuy nhiên, thực tế chúng được sáng tạo dựa trên cảm hứng từ chiếc váy cưới kinh điển của công nương Grace Kelly. Một mẫu thiết kế của Victoria Beckham cũng giống hệt một mẫu của nhà thiết kế người Anh Osman Yousefzada, khi cả hai đều dựa trên kiểu jumpsuit vốn đang rất thịnh hành trên sàn catwalk quốc tế, nhưng sử dụng chất liệu và cách nhấn nhá chi tiết cũng khác nhau. Theo tôi, đó là những sự trùng hợp rất khó giải thích.


Váy cưới hoàng gia của Sarah Burton (trái) và váy cưới của Isabella Orsini (phải) có chung nguồn cảm hứng từ áo cưới của công nương Grace Kelly.



Thiết kế của Victoria Beckham (trái) giống một thiết kế của Osman Yousefzada (phải).

Bản chất của thời trang là sáng tạo dựa trên những nền tảng cơ bản có sẵn và có sự lặp lại theo chu kỳ. Vì sao những phong cách thời trang từ những thập niên trước vẫn quay trở lại hàng năm? Vì sao những thiết kế của John Galliano qua các mùa vẫn chỉ làm lại trên những form dáng, sáng tạo kinh điển của Christian Dior? Hay việc thời trang cho các thị trường bình dân luôn khai thác tối đa những xu hướng, form dáng, chất liệu màu sắc đã được các nhà thời trang hàng đầu giới thiệu trước đó với tính chất định hướng? Có thể nào nói các thương hiệu thời trang đại trà copy ý tưởng của các thương hiệu cao cấp hàng đầu hay không…?

Có hàng nghìn câu chuyện như vậy. Nếu bạn là người được học về thời trang và thực sự nghiên cứu về nó một cách tỉnh táo, khách quan, bạn sẽ đủ tỉnh táo để nhận ra và phân biệt đâu là sự sao chép, và đâu là những sản phẩm được thiết kế có những nét tương đồng nhất định, nhưng vẫn là ý tưởng độc lập và khác biệt.



Thiết kế của Đỗ Mạnh Cường (trên) có điểm tương đồng với váy của Versace ở phần xẻ đằng trước, riêng phần lưng thì hoàn toàn khác biệt.

Quay trở lại mẫu thiết kế của tôi, tôi sẽ nói đến phần thân trên mà ai nhìn vào cũng cho rằng chúng rất giống váy của Versace. Như đã nói, mẫu này nằm trong một chuỗi 4 bộ đầm vận dụng kiểu xếp nếp nhún dọc thân áo và cúp ngực rất cầu kỳ của tôi. Còn với thiết kế của Versace, họ sử dụng dây tua rua làm nên kết cấu chính của thân áo, cả phần thân sau cũng vậy. Riêng phần lưng, váy của tôi được nối với nhau bởi dải ruy băng rất dài, cũng là điểm đặc trưng trong các thiết kế gần đây của tôi. Nếu tôi copy của Versace, tôi sẽ chỉnh sửa lại cả trước và sau, chứ không để chỉ giống phía trước cho mọi người nhận ra như vậy.

Hơn nữa, kiểu cố khoét sâu chữ V có hoặc không nối ở giữa, là một chi tiết thời trang rất quen thuộc và không phải là chưa từng được ai sử dụng. Nó xuất hiện ở rất nhiều mẫu thiết kế từ sàn diễn đến trang phục ứng dụng đời thường. Với một form dáng quá quen thuộc như vậy, chỉ có thể tạo sự khác biệt và đa dạng thông qua cách xử lý chất liệu, thêm bớt chi tiết nhấn nhá hoặc thay đổi kích thước tỷ lệ. Khi sáng tạo trên một nguyên liệu “quá cũ”, tôi thực sự không có lý do gì để phải làm cho giống Versace như mọi người nhìn vào và quy kết.

Cổ áo khoét chữ V sâu là một chi tiết thời trang rất quen thuộc, được sử dụng trong các bộ sưu tập từ sàn diễn đến ứng dụng đời thường. Điểm khác nhau là cách xử lý chất liệu và thêm bớt chi tiết nhấn nhá.




Váy xẻ tà cao và ngực áo khoét chữ V là những form dáng rất cơ bản và quen thuộc trong nhiều mẫu thiết kế của các thương thiệu thời trang nổi tiếng trên thế giới.


- Theo anh, căn cứ vào chi tiết nào trên trang phục để có thể nói rằng nó là hàng “đạo”?

- Tôi nghĩ, không thể căn cứ vào một vài chi tiết nào đó giống nhau trên trang phục mà nói đó là hàng “đạo”. Quần áo có quá nhiều chi tiết giống nhau, không thể nói tôi copy chiếc cổ áo lá sen của nhà thiết kế này gắn vào chân váy xoè của nhà thiết kế kia, hay tôi copy màu xanh của xu hướng này, họa tiết của xu hướng nọ, hoặc tôi sao chép những chiếc váy xoè rộng hay quần ống loe ra đời từ những năm 50/60 và đang quay trở lại thành mốt thịnh hành… Thời trang là sự lặp lại và sáng tạo trên một cơ số những chi tiết có sẵn. Để đánh giá một bộ sưu tập, người ta phải xem xét tất cả, từ cảm hứng, ý tưởng, form dáng, kỹ thuật, màu sắc, chất liệu… và đánh giá tổng thể, cá tính của nhà thiết kế cũng như những điều mới mẻ mà anh ta mang lại thông qua bộ sưu tập đó.

Một bộ trang phục, theo tôi chỉ có thể nói là “hàng đạo” khi nó giống mẫu thiết kế thật đến 90%, như một bản photocopy kém chất lượng từ kiểu dáng, màu sắc, hoạ tiết, chất liệu… Và điều đó có thể thấy rõ nhất ở hàng nhái Trung Quốc đang tràn lan trên thị trường.

- Trước đây, bộ sưu tập "Mây" của anh cũng từng bị dư luận soi mói khi có nhiều điểm khá giống các thiết kế trong bộ sưu tập xuân hè của hai nhà tạo mẫu Viktor & Rolf. Anh có sợ, sau vụ nghi vấn copy lần này, người ta quy chụp và gọi anh là nhà thiết kế chuyên đi "đạo ý tưởng"?

- Nhắc lại một chút về chuyện đó, người ta nói một mẫu trong bộ sưu tập của tôi giống với một mẫu trong bộ sưu tập của V&R, nhưng thực ra người làm về thời trang sẽ hiểu rằng, điểm giống duy nhất là kỹ thuật nhún bèo lưới mà rất nhiều nhà thiết kế trên thế giới sử dụng từ rất lâu rồi. Trong khi, cũng với form dáng đó, tôi đã làm tham dự cuộc thi VN Collection Grand Prix 2005, nay được tôi phát triển và làm lại cho phù hợp. Không lẽ tôi phải sử dụng y chang kỹ thuật cũ mà tôi đã làm cho bộ sưu tập năm 2005 để mọi người không so sánh nó với một bộ sưu tập đương đại nào khác. Kỹ thuật may mặc trong thời trang phát triển từng ngày và việc nghiên cứu, áp dụng kỹ thuật mới cho bộ sưu tập là công việc của một nhà thiết kế thực thụ. Điều duy nhất phân biệt các nhà thiết kế với nhau là ở ý tưởng tổng thể cho cả bộ sưu tập, và tư duy thẩm mỹ của từng người.




Theo Đỗ Mạnh Cường, việc sử dụng các kỹ thuật giống nhau để tạo khối cho trang phục, không thể được xem là hành vi đạo ý tưởng thiết kế.

Tôi biết, thật khó lòng để bắt mọi người phải suy nghĩ và hiểu được công việc mà tôi đang làm, cũng như rất khó cho người làm nghề như tôi làm vừa lòng hết được nhu cầu, mong muốn của mọi người. Con đường mà tôi đang đi không phải chỉ một ngày, hai ngày mà là một chặng đường rất dài. Chắc chắn con đường không thể thẳng tắp, đôi khi tôi cũng gặp khó khăn hoặc mắc sơ suất nào đó, nhưng quan trọng là tôi biết khắc phục và luôn nỗ lực để giữ gìn uy tín của mình. Những ai đã từng làm việc hay tiếp xúc với tôi, đều có thể hiểu rằng, tại sao tôi vẫn tồn tại và vẫn là sự lựa chọn cho những chương trình thời trang uy tín. Tôi chỉ làm việc cho cái tên, cho uy tín của mình và cho những người đã tin tưởng tôi.

- Sự cố lần này có ảnh hưởng thế nào đến danh tiếng và sự nghiệp của anh?

- Tôi nghĩ khách hàng của tôi biết rõ nhất họ tìm đến tôi vì cái gì. Nếu họ hài lòng, họ sẽ tiếp tục quay lại, và một khi họ đã chọn ra đi, tôi cũng không thể giữ họ. Tôi không thể bán trang phục của mình với giá từ vài trăm đến vài ngàn USD nếu những sản phẩm của tôi chỉ là hàng nhái, copy, bởi với số tiền đó họ có thể mua những bộ đồ hàng hiệu thật. Sau mỗi show diễn, các trang phục của tôi thường được bán gần hết vào ngày hôm sau. Fashion Boulevard 2 cũng không là ngoại lệ, tôi đã bán gần như toàn bộ trang phục trình diễn ứng dụng, chỉ còn lại 5 bộ cuối cùng nặng tính biểu diễn. Đến hôm nay vẫn còn rất nhiều đơn đặt hàng tại TP HCM và Hà Nội về những trang phục trình diễn tối hôm đó. Nhưng sự việc lần này, cho tôi một kinh nghiệm để cẩn thận hơn với mỗi lần xuất hiện và cho ra mắt bộ sưu tập mới. Tôi mong rồi mọi người sẽ hiểu và thông cảm cho tôi.


Nhà thiết kế Đỗ Mạnh Cường.


- Là một nhà thiết kế trẻ nhưng chỉ trong hai năm gần đây, cái tên của anh được công chúng rất quan tâm, trong đó, rất nhiều sao Việt như Đoan Trang, Tùng Dương... thường xuyên sử dụng các trang phục do anh sáng tạo. Tuy nhiên, có một số quần áo mà Đoan Trang, Tùng Dương mặc lại bị liệt vào danh sách những bộ trang phục xấu và phản cảm. Ý kiến của anh về chuyện này ra sao?

- Tôi có rất nhiều khách hàng là nghệ sĩ và doanh nhân, trong đó Đoan Trang và Tùng Dương là những người đã ủng hộ tôi từ lần đầu tiên tôi xuất hiện. Sau này có thêm Ngô Thanh Vân, Linh Nga, Diễm My, Giáng My, Phương Thanh,Tăng Thanh Hà, Thanh Hằng, Cẩm Linh… cũng thường xuyên lựa chọn trang phụ của tôi cho mỗi lần xuất hiện.

Tôi nghĩ chuyện đẹp hay xấu tuỳ thuộc vào gout thẩm mỹ của mỗi người. Có thể một trang phục tôi rất thích và cho là đẹp, thì tôi lại không thể bán được, để hoài không ai mua. Có những bộ tôi không ưng lắm, khách hàng lại mua rất nhiều, tôi làm lại bao nhiêu họ cũng mua hết. Nói như vậy để thấy rằng, không phải tất cả mọi người đều nhìn nhận cái đẹp hay xấu theo một chuẩn chung nhất định nào đó. Tôi chỉ tôn trọng sự lựa chọn của khách hàng và góp ý trong chừng mực cho phép.

Theo Ngôi sao

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm