Điểm nhấn văn hóa tuần này: 'Xiển dương' nghệ thuật truyền thống Việt Nam và Hàn Quốc

20/05/2019 07:27 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Tuần này “xem thấy nghe đọc” có 2 sự kiện diễn ra tại Hà Nội, đó là Bế mạc Liên hoan Tuồng và Dân ca kịch toàn quốc và Triển lãm tranh sơn mài đương đại Hàn Quốc.

600 nghệ sĩ dự Liên hoan Tuồng và Dân ca kịch toàn quốc

600 nghệ sĩ dự Liên hoan Tuồng và Dân ca kịch toàn quốc

Liên hoan Tuồng và Dân ca kịch toàn quốc sẽ diễn ra tại Nhà hát Lam Sơn, thành phố Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa từ 11 - 20/5 tới.

1. Lễ bế mạc Liên hoan Tuồng và Dân ca kịch toàn quốc 2019 sẽ diễn ra vào tối nay 20/5, khép lại gần một tuần tranh tài của 600 nghệ sĩ, diễn viên thuộc 11 đơn vị nghệ thuật tuồng, dân ca kịch trên cả nước.

Là hai loại hình nghệ thuật truyền thống của dân tộc, trong những năm qua, tuồng và dân ca kịch khá lận đận trong việc tìm kiếm những khán giả mới cho mình. Đó là điều dễ hiểu, khi không chỉ tuồng và kịch dân ca, mọi bộ môn của sân khấu đều đang chịu áp lực cạnh từ sự bùng nổ của các loại hình giải trí hiện đại.

Tuồng và kịch dân ca là tinh hoa nghệ thuật truyền thống của dân tộc, với sức sống bền bỉ suốt hàng trăm năm nay. Và, 16 vở diễn tranh tài tại Liên hoan là nỗ lực để 2 bộ môn này khẳng định lòng yêu nghề, cũng như quyết tâm bảo tồn nghệ thuật biểu diễn truyền thống của mình. Đó không chỉ là việc gìn giữ những lề luật, làn điệu, trình thức biểu diễn cũ, mà còn là những tìm tòi sáng tạo mới, để kịch dân ca và tuồng có thể tiếp cận khán giả trong thời đại 4.0 này.

Chú thích ảnh
“Trung thần” - vở diễn của Nhà hát Tuồng VN tại Liên hoan

Như nhận xét của giới chuyên môn, Liên hoan đã cho thấy một số vở diễn chững chạc với sự đầu tư về thời gian, công sức và trí tuệ. Không chỉ vậy, một số thành phần sáng tạo mà trước đó chỉ xuất hiện ở các bộ môn cải lương, kịch nói như các đạo diễn NSND Hoàng Quỳnh Mai, NSƯT Triệu Trung Kiên, NSƯT Hoa Hạ, tác giả Chu Lai… cũng đã có những đóng tại Liên hoan lần này. Thêm vào đó, các vở diễn cũng có những tình tiết mới mẻ mang đậm tính kịch hay tính điện ảnh - điều cho thấy nỗ lực làm mới từ nghệ thuật truyền thống….

Như thế, lễ bế mạc LH Tuồng và kịch dân ca không chỉ là câu chuyện nội bộ của người trong nghề, với những tấm huy chương vàng, bạc, đồng. Nó còn là sự hy vọng về khả năng “kích cầu”, thu hút khán giả hiện đại khi những vở diễn dự thi tiếp tục được biểu diễn trong tương lai.

2. Triển lãm Nghệ thuật Ottchil đương đại Hàn Quốc 2019 tại Việt Nam: Từ truyền thống đến đương đại khai mạc lúc 14h ngày 23/5 tại VICAS Art Studio (32 Hào Nam, Hà Nội). Triển lãm do Bảo tàng Nghệ thuật Ottchil Tongyeong (Hàn Quốc) và VICAS Art Studio (Việt Nam) phối hợp tổ chức, kéo dài đến 23/6/2019.

Triển lãm gồm 47 tác phẩm của 15 nghệ sĩ sơn mài đương đại Hàn Quốc. Đây là những tác phẩm mới, hiện đại về chất liệu, kỹ thuật, quy trình sáng tác và trình độ thủ công của dòng khảm trai trên vật dụng sơn mài vốn có lịch sử lâu đời của nước Hàn tới công chúng Việt Nam.

Chú thích ảnh
Tác phẩm sơn mài “Space” (162cm x 111,2cm, 2018) của Kim Sungsoo

“Tại triển lãm lần này, đồng nghiệp, nghệ sĩ và khán giả sẽ có hiểu biết thêm về nghệ thuật ottchil/sơn mài, cho phép chúng ta thấy rõ những biện pháp và cách thức mà nhiều thế hệ nghệ sĩ Hàn Quốc đã đang nối dài và phát triển truyền thống khảm trai trên vật dụng sơn mài thành những tác phẩm nghệ thuật ottchil/sơn mài mang hơi thở thời đại như thế nào” - Bảo tàng Nghệ thuật Ottchil Tongyeong kỳ vọng.

Dựa vào truyền thống chế tác sơn mài và khảm trai trên ngàn năm, một số nghệ sĩ đương đại Hàn Quốc, đặc biệt tập trung tại thành phố Tongyeong, tỉnh Gyeongsangnam-do (Hàn Quốc) đã cùng nhau tạo nên một xu hướng nghệ thuật vẽ sơn mài mới. Tranh sơn mài đương đại Hàn Quốc muốn phá vỡ truyền thống phân loại mỹ thuật và mỹ nghệ, cổ điển và đương đại, nghệ thuật và trang trí...

Chính vì vậy triển lãm này cũng là dịp để các nghệ sĩ sơn mài Việt Nam làm phép so sánh và trao đổi về kỹ thuật, nghệ thuật. Và vào lúc 9h ngày 24/5, một buổi tọa đàm về nghệ thuật sơn mài Hàn Quốc sẽ được tổ chức.

Với mong muốn đưa tranh sơn mài đương đại Hàn Quốc ra thế giới, hoạ sĩ Kim Sungsoo (sinh 1935) đã thực hiện nhiều triển lãm tại Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản, US, New Zealand, Đức... và Việt Nam (2015). Từ năm 2006, Sungsoo Kim cùng với nhiều nghệ sĩ sơn mài ở Tongyeong đã lập Bảo tàng Nghệ thuật Ottchil Tongyeong, là một bảo tàng tư nhân chuyên về tranh sơn mài ottchil Hàn Quốc. Bảo tàng này đã tổ chức nhiều sự kiện triển lãm, workshop, tọa đàm, hội thảo và chương trình lưu trú sáng tác trên khắp thế giới.

Sơn Tùng - Như Hà

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm