Địa ngục trong tâm thức người Việt (kỳ 2): Tư liệu quý 'lách' vào thế giới tâm linh người Việt

03/09/2020 20:54 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Theo các nhà nghiên cứu, cuốn sách Các tầng địa ngục theo Phật giáo của Léon Riotor và G. Leofanti có một vai trò đặc biệt khi đi vào khía cạnh siêu hình của Phật giáo, đi tìm nhận thức, quan niệm, hình dung của người Việt về địa ngục. Khía cạnh này tưởng là nhỏ nhưng rất quan trọng vì đã “lách” vào thế giới tâm linh của người Việt Nam”.

Địa ngục trong tâm thức người Việt (kỳ 1): Từ cuộc 'đàm đạo' trăm năm trước về chùa Báo Ân

Địa ngục trong tâm thức người Việt (kỳ 1): Từ cuộc 'đàm đạo' trăm năm trước về chùa Báo Ân

Hơn 100 năm về trước, tại Paris, có một cuốn sách nguyên bản tiếng Pháp "Les Enfers Bouddhiques: Le Bouddhisme Annamite" ra đời là kết quả của chuyến chu du đầy suy tư qua những ngôi chùa Việt Nam của 2 tác giả người Pháp.

1. Đó là sự khác biệt so với các cuốn sách khác trong khối tư liệu Pháp về Đông Dương cuối thế kỷ XIX - đầu thế kỷ XX. Bởi như lời TS Mai Anh Tuấn, tư liệu Pháp về Đông Dương phần lớn là tiếp cận Việt Nam trên nhiều khía cạnh lớn, những khía cạnh có thể kiểm chứng và xác thực được, ví dụ về địa lý, về chính trị, về xã hội. Đó là những khía cạnh hiện hữu vật chất.

Cũng theo vị tiến sĩ này, xét về mặt tư liệu, Các tầng địa ngục theo Phật giáo của hai tác giả người Pháp dù ngắn nhưng có thể bổ sung một cái nhìn toàn diện hơn về đời sống xã hội, đời sống tinh thần tâm linh của người Việt đầu thế kỷ XX.

Đọc Các tầng địa ngục theo Phật giáo có thể thấy các tác giả không đơn thuần kể lại câu chuyện qua việc đối thoại với một vị thiền sư ở chùa Báo Ân để hình dung về thế giới địa ngục. Xa hơn, họ ghi lại những giá trị tư liệu về chùa Báo Ân qua những mô tả về kiến trúc, mỹ thuật, sinh hoạt tín ngưỡng tại đây. Những giá trị tư liệu này đặt trong sự biến mất của chùa Báo Ân mà theo nhân định của TS Mai Anh Tuấn là “một điều quá tiếc nuối”.

Chú thích ảnh
Một góc chùa Báo Ân của Hà Nội xưa - nay là phần tháp Hòa Phong vẫn tồn tại bên Hồ Gươm. Ảnh tư liệu

“Ngôi chùa nơi chúng tôi bước vào đang có rất đông tín đồ đắm chìm trong trạng thái bất động. Những người khác ngồi dưới đất và tò mò nhìn chúng tôi, bởi ngôi giáo đường thờ Phật này là một ngôi chùa, vừa là nơi trú chân cho khách lữ hành và người từ phương xa tới, vừa là nơi đặt tượng các vị thần linh, bài vị tổ tiên, đồng thời cũng đóng vai trò một ngôi đình, nơi các chức sắc họp bàn xử lý những việc của địa phương” - đó một đoạn mô tả ngắn về chùa Báo Ân được hai tác giả Pháp ghi lại.

“Ngôi chùa này có dạng chữ T ngược, theo tập tục, và mang vẻ bí ẩn hẳn là do lúc nào cũng thiếu sáng. Các bàn thờ gắn sát tường, xây bằng gạch đặc, được bố trí thành nhiều tầng, cũng nằm khuất trong bóng tối, hương khói nghi ngút. Đây đó dọc theo các bức tường, lấp lánh ánh vàng hay sắc đá gắn trên trang phục và mũ miện của các vị thần”…

Chú thích ảnh
Một phần bức tranh vẽ Thập điện Diêm Vương bằng bút sậy theo các bản khắc nổi ở chùa Báo Ân trích trong nguyên bản tiếng Pháp cuốn “Les Enfers Bouddhiques: le Bouddhisme Annamite” (Chamuel, Paris, 1895)

2. Cuốn Nghệ thuật xứ An Nam, đầu thế kỷ XX của học giả người Pháp Henri Gourdon đưa ra một kết luận quan trọng rằng, trong thời kỳ trung đại ở xứ An Nam, hội họa vẽ theo nghĩa hiện đại không hề xuất hiện mà đặc sắc mỹ thuật, hội họa của người An Nam chủ yếu tìm từ tôn giáo, cụ thể hơn là Phật giáo. Sự sáng tạo, điểm riêng khác của mỹ thuật ảnh hưởng từ Phật giáo không nằm ở phần chính điện. Bởi Henri Gourdon cho rằng, tất cả các tượng Phật ở Tam Bảo đều giống nhau, điều khác biệt nhất trong mỹ thuật Phật giáo của người An Nam nằm ở phần hậu điện, chính là nơi những người dân bình thường có thể truyền tải cái nhìn, cảm hứng liên quan đến Phật giáo qua những bức tượng, những bức phù điêu. Như những phần không gian Thập điện trong các ngôi chùa thường được nhào nặn từ đất, đục đẽo từ gỗ hết sức thô mộc nhưng lại cho thấy rõ được sự tài hoa, sáng tạo của mỹ thuật Phật giáo.

Chú thích ảnh
Tranh vẽ Thập điện Diêm Vương bằng bút sậy theo các bản khắc nổi ở chùa Báo Ân trích trong nguyên bản tiếng Pháp cuốn Les Enfers Bouddhiques: le Bouddhisme Annamite (Chamuel, Paris, 1895)

Nhận định của học giả Henri Gourdon đúng khi xem xét trường hợp của những bức tranh trong cuốn Các tầng địa ngục theo Phật giáo. Chỉ qua những bức tranh được vẽ lại bằng bút sậy theo các bản khắc nổi ở chùa Báo Ân, ta đã thấy được sự tài hoa, trí tưởng tượng phong phú để chuyển thể những câu chuyện từ trong kinh Phật ra hình ảnh qua đường nét, hình khối cụ thể của người dân xứ An Nam trong sự ngưỡng mộ của những cái nhìn phương Tây.

Đúng như sự bày tỏ mà hai tác giả người Pháp viết trong phần cuối của cuốn sách: “sự tinh tế lạ lùng của những nét vẽ, sự táo bạo khi thể hiện những bộ mặt rạng rỡ nhân từ hay run rẩy giận dữ, nét mềm mại của những bộ râu vàng hoe bồng bềnh như sóng biển, những ánh mắt nảy lửa, những cử chỉ dịu dàng, những khối cơ ở một vài bộ phận tay chân được nghiên cứu khéo kéo dẫu có phần ngây ngô. Chỉ một nét sậy thôi mà từng đường gân thớ thịt trông như đang run lên. Xem ra chẳng ai tường tận giải phẫu học như các họa sĩ mang dáng vẻ trẻ con của chúng ta. Than ôi, người ta lại thường hạ thấp sự hiểu biết độc đáo của họ!...”.

(Còn nữa)

Công Bắc

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm