'Địa ngục trần gian' Côn Đảo qua 100 văn bản

18/11/2013 11:13 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Triển lãm Côn Đảo qua tài liệu lưu trữ diễn ra từ ngày 22/11/2013 đến 30/4/2014 tại Nhà Tả Vu và Hữu Vu (Đền thờ Côn Đảo), huyện Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

một vùng đất thiêng liêng trong tâm thức người Việt Nam, Côn Đảo vừa tiêu biểu cho “chốn địa ngục trần gian” với chế độ lao tù tàn bạo của chủ nghĩa thực dân, vừa là biểu tượng bất diệt cho ý chí kiên cường bất khuất của biết bao người người Việt Nam ưu tú trong suốt chiều dài lịch sử dân tộc.

Cuộc triển lãm lần này trưng bày bộ sưu tập gồm 102 văn bản được lựa chọn từ các phông tài liệu lưu trữ tiếng Pháp và Hán - Nôm bảo quản tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia I. Bên cạnh đó là hình ảnh một số nhà yêu nước và chiến sĩ cộng sản, hiện bảo quản tại Ban Quản lý Di tích Nhà tù Côn Đảo. Đây là thực sự là những tư liệu lịch sử quý giá đối với những ai quan tâm nghiên cứu về lịch sử Côn Đảo trong thời kỳ đầy biến động của lịch sử dân tộc vào đầu thế kỷ XIX đến giữa thế kỷ XX.


Bản đồ Côn Đảo

Tài liệu trưng bày tại Triển lãm Côn Đảo qua tài liệu lưu trữ được bố cục thành 4 phần theo chủ đề với 30 pa-nô.

Phần I: Lịch sử Côn Đảo với 14 văn bản tài liệu đưa ra trưng bày tại phần này đã phản ánh nhiều nội dung phong phú như triều Nguyễn cho người đến khai khẩn ở Côn Đảo, thực dân Pháp xâm lược và vùng đất này bị nhượng hoàn toàn cho Pháp, việc phân chia hành chính, vấn đề hộ tịch ở Côn Đảo...

Phần II: Nhà tù Côn Đảo giới thiệu vềmột số vấn đề về tài chính, xây dựng, tái thiết nhà tù, chế độ đối với tù nhân… Năm 1862, người Pháp xây dựng nhà tù Côn Đảo để giam giữ, lưu đày những tù nhân mà chúng xếp vào hàng trọng tội: làm quốc sự, tù chính trị, tù cộng sản, tù khổ sai... Từ đây, một loạt nghị định về quy chế đã được ban hành nhằm củng cố, hoàn thiện hệ thống cơ cấu tổ chức, nhân sự ở nhà tù Côn Đảo. Cũng trong phần này, một số vấn đề về tài chính, xây dựng, tái thiết nhà tù, chế độ đối với tù nhân… cũng được làm rõ thông qua các loại quyết định, nghị định, công văn trao đổi, bản vẽ… Năm 1941 Toàn quyền Đông Dương cho thiết lập một khu giam giữ đặc biệt ở nhà tù Côn Đảo để tiếp nhận tù nhân chính trị. Vì vậy, khu trại giam này có những quy định ngặt nghèo hơn. Đây thực sự là đỉnh điểm của những khắc nghiệt trong môi trường tù đầy ở nhà tù Côn Đảo mà những tù nhân bị giam giữ ở đây phải nếm trải.

Toàn cảnh Nhà tù Côn Đảo

Phần III: Một số đời chúa đảo và giám đốc nhà tù Côn Đảo. Khi người Pháp chính thức cho lập chức Tư lệnh đặc biệt (Commandant particulier, ngày 14-5-1876), chịu trách nhiệm chỉ huy và quản lý Côn Đảo dưới quyền chỉ đạo tối cao của Thống đốc Nam Kỳ. Đến năm 1882, Tổng thống Pháp ký ban hành Sắc lệnh ngày 16-5 bãi bỏ chức Tư lệnh đặc biệt tại Côn Đảo và cũng từ đây, Côn Đảo trở thành một tiểu khu (hạt) (arrondissent) trực thuộc Nam Kỳ, chịu sự quản lý của Quan cai trị tiểu khu (Administrateur des affaires indigènes). Dân gian thường gọi người giữ chức danh này là chúa đảo. Thông qua Quyết định số 13 ngày 29-11-1884, Thống đốc Nam Kỳ quy định trường hợp Quan cai trị tiểu khu Côn Đảo vắng mặt, Giám đốc Nhà tù Côn Đảo được tạm quyền giữ chức vụ này. Tuy nhiên, trên thực tế có những Quan cai trị tiểu khu Côn Đảo đã đồng thời kiêm nhiệm cả chức Giám đốc nhà tùCôn Đảo. Để điều hành hệ thống Nhà tù Côn Đảo, thực dân Pháp đã tuyển chọn những tên cai ngục khét tiếng tàn bạo mang chức danh Giám đốc nhà tù (Directeur du Pénitencier de Poulo-Condor).

Phần IV: Những nhà yêu nước và chiến sĩ cộng sản từng bị giam tại nhà tù Côn Đảo. Kể từ khi nhà tù Côn Đảo được thiết lập cho đến suốt quá trình tồn tại và hoạt động, thực dân Pháp đã giam giữ tại đây hàng vạn người. Đó có thể là những nông dân và sĩ phu yêu nước trong các phong trào Cần Vương, Đông Du, Đông Kinh nghĩa thục, chống thuế ở Trung Kỳ, nổi dậy ở Nam Kỳ… Đó cũng có thể là những cán bộ, đảng viên đảng công sản… Tất cả những con người này đều có một điểm chung là lòng yêu nước nồng nàn và ý chí kiên cường, bất khuất.Tài liệu lưu trữ bảo quản tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia I phần lớn là các bản gốc, bản chính có độ tin cậy cao.

Xuất phát từ tình trạng vật lý của tài liệu và yêu cầu bảo vệ an toàn tài liệu, Ban tổ chức chỉ đưa ra các phiên bản để trưng bày. Phần lớn bản gốc tài liệu hiện đang được bảo quản tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia I thuộc Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước. Số còn lại thuộc Ban Quản lý Di tích Nhà tù Côn Đảo.

P.V

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm