Đi vào thế giới truyện tranh (kỳ 8) - Truyện tranh Việt Nam đương đại: Thành quả và thử thách

04/05/2020 11:30 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Khởi nguồn từ những bức tranh biếm họa xuất hiện trên tạp chí vào những năm 1930, cho đến nay, truyện tranh Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu. Nếu những Dũng sĩ Hesman hay Thần đồng đất Việt được coi là “huyền thoại” khó quên, thì kể từ sau công ước Bern năm 2003, thế hệ tác giả trẻ tuổi Việt Nam cũng đã có một cuộc “phỉ sức vẫy vùng trong bốn bể” (thơ Nguyễn Công Trứ), đem đến một diện mạo mới cho nền truyện tranh đầy kỳ thú nhưng cũng không ít chông gai này.

Đi vào thế giới truyện tranh (kỳ 7): 'Manhua' - đâu rồi những 'Tam Mao, 'Chú Thoòng'?

Đi vào thế giới truyện tranh (kỳ 7): 'Manhua' - đâu rồi những 'Tam Mao, 'Chú Thoòng'?

Các nhà nghiên cứu truyện tranh hiện nay đã xác nhận “manhua” là một khái niệm tương đối rộng: vừa để chỉ truyện tranh nói chung, lại vừa chỉ cả truyện tranh Trung Quốc đại lục, truyện tranh Hong Kong (Trung Quốc) và truyện tranh Đài Loan (Trung Quốc). Vậy, số phận của manhua đã giao thoa và biến chuyển như thế nào? Mời các bạn cùng theo dõi.

Khác với các tác giả biếm họa sống trong thế kỷ trước hay những họa sĩ truyện tranh kỳ cựu buổi đầu, lứa tác giả 8X-9X, thậm chí là thế hệ 2000 được tiếp xúc với truyện tranh từ rất nhiều nguồn khác nhau: Những bộ truyện được xuất bản công khai đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Hoa Kỳ lẫn hàng loạt các tác phẩm được dịch miễn phí đăng tải trên mạng Internet. Quá trình này liên tục diễn ra trong suốt từ năm 2003 đến nay.

Việc đọc được những sản phẩm đa thể loại, đa văn hóa ấy không chỉ giúp mở mang kiến thức về truyện tranh, mà còn khiến tư duy về hội họa, về cách kể chuyện trong truyện tranh, cũng như về ý tưởng nội dung ngày càng được mở rộng và trở nên phong phú hơn. Đây là lợi thế đầu tiên mà các tác giả trẻ được thụ hưởng.

Người trẻ và những lợi thế mới

Không chỉ được tiếp cận với nguồn truyện tranh khổng lồ trên thế giới, thế hệ tác giả trẻ cũng ngày càng được đào tạo bài bản hơn, từ nền tảng hội họa cho đến các kỹ thuật vẽ truyện tranh.

Trong nước, nhiều cơ sở đào tạo được thành lập ở cả trường công lẫn trung tâm tư nhân. Đơn cử có thể kể đến chuyên ngành sáng tác truyện tranh ở Trường Đại học dân lập Hồng Bàng, TP.HCM, lớp dạy vẽ truyện tranh của Viện Truyện tranh và Hoạt hình (CMA, TP.HCM). Bên cạnh đó, những cơ sở đào tạo hội họa chuyên nghiệp như Đại học Mỹ thuật công nghiệp hay Đại học Kiến trúc cũng góp phần đào tạo ra nhiều lứa cử nhân có chuyên môn cao.

Chú thích ảnh
Bộ truyện tranh về các vị thần Hy Lạp, được vẽ bởi tác giả trẻ Chi Còi

Lợi thế tiếp theo mà các tác giả truyện tranh Việt Nam đương đại đang thụ hưởng chính là họ có nhiều cơ hội hơn trong việc đưa tác phẩm đến với người đọc. Với một tác phẩm truyện tranh có chất lượng, cánh cửa xuất bản luôn rộng mở. Tác giả truyện tranh có thể hợp tác xuất bản với công ty sách hoặc ký hợp đồng trực tiếp với nhà xuất bản để in bản thảo của mình. Tiêu biểu cho trường hợp này có thể kể đến họa sĩ truyện tranh Chi Còi với truyện Ma nữ nhà tôi hợp tác với Skycomics hoặc bộ Các vị thần Hy Lạp hợp tác với nhà xuất bản Kim Đồng; hoặc trường hợp bộ truyện Đường hoa của tác giả Lâm Hoàng Trúc...

Có thể nói, chính chính sách quan tâm phát triển truyện tranh Việt Nam của các công ty sách và nhà xuất bản đã mở ra nhiều cơ hội mới cho các tác giả trẻ.

Bên cạnh hình thức ký hợp đồng với các công ty sách hoặc nhà xuất bản, hình thức gây quỹ cộng đồng cũng đang được nhân rộng. Đại diện cho hình thức gây quỹ cộng đồng này chính là “sân chơi” Comicola - nơi các tác giả truyện tranh có thể đăng tải dự án cá nhân và kêu gọi đầu tư từ những người quan tâm. Tiên phong cho hình thức gây quỹ cộng đồng này chính là bộ truyện nổi tiếng Long thần tướng của bộ đôi tác giả Thành Phong - Khánh Dương (Phong Dương Comics), truyện Nhóm máu O của Dương Minh Đức...

Như vậy, tác giả truyện tranh có nhiều tự do hơn trong việc đưa tác phẩm đến với người đọc. Họ có thể lựa chọn hợp tác xuất bản theo hình thức gây quỹ cộng đồng, thậm chí họ có thể đăng bản thảo miễn phí lên mạng xã hội. Giờ đây, khó khăn không còn nằm ở đầu ra của tác phẩm nữa.

Chú thích ảnh
“Pikalong” của Thăng Fly: một biếm họa dễ thương về cuộc sống Việt Nam hiện đại

Thành quả và những thử thách trong tương lai

Tính đến thời điểm hiện tại, truyện tranh và nghề vẽ truyện tranh đã có được vị thế nhất định trong xã hội. Có thể nói, tính đến năm 2020, nghề sáng tác truyện tranh đã đạt được cả “địa lợi” lẫn “nhân hòa”, gặt hái được những thành quả đáng tự hào.

Thành quả đầu tiên có thể kể đến là hàng loạt những tác phẩm chất lượng xuất hiện trong suốt thập niên 2010-2020. Với tiền đề là những ấn phẩm truyện tranh tồn tại suốt thập niên đầu của thế kỷ 21 như M-Heaven, Truyện Tranh Trẻ..., thập niên 2010-2020 đánh dấu bước chuyển mình của truyện tranh Việt Nam, từ tạp chí truyện tranh, các xuất bản phẩm theo hình thức tập truyện lần lượt ra đời cùng với chất lượng vượt ra ngoài mong đợi.

Long thần tướng của Phong Dương Comics không chỉ sở hữu cốt truyện thú vị đan xen giữa lịch sử trong quá khứ và hiện tại, mà còn mang phong cách vẽ độc đáo, khác biệt hẳn với manga, manhua, hay comic.

Cùng với Long thần tướng Địa ngục môn của Can Tiểu Hy. Những khung tranh chi tiết, trau chuốt, tỉ mỉ của Can Tiểu Hy không khỏi khiến người đọc choáng ngợp, đồng thời gián tiếp khẳng định kỹ thuật hội họa của họa sĩ Việt Nam không hề thua kém các đồng nghiệp trong cùng khu vực.

Chú thích ảnh
Bộ truyện tranh đầy hứa hẹn “Long thần tướng” của Phong Dương Comics

Bên cạnh đó, nhắc đến thị trường truyện tranh Việt Nam, không thể không kể đến những cái tên quen thuộc với độc giả trẻ như Học viện bóng đá, Nhóm máu O, Chuyện tào lao của Vàng Vàng, Nhật ký Mèo Mốc... và hàng loạt các tác phẩm hài hước khác.

Chất lượng của truyện tranh Việt Nam cũng được khẳng định khi nhiều tác phẩm đạt được giải thưởng trong các cuộc so tài quốc tế: Truyện tranh ngắn The Boy And The Paper Plane của Thành Phong được tuyển chọn đăng trong tuyển tập truyện tranh Đông Nam Á Liquid City (2010); Người hóa hổ được trao giải thưởng đặc biệt tại Liên hoan Truyện tranh và hoạt họa trẻ châu Á (2011); Long thần tướng Địa ngục môn đạt giải Bạc của International MANGA Awards - Giải Truyện tranh quốc tế do Nhật tổ chức; Back Home của Vũ Đình Lân và Thirty And A Half Minutes của Snippy MJ được chuyển thể thành phim ngắn...

Có thể nói, tính đến thời điểm hiện tại, sân chơi cho những người yêu thích truyện tranh nói riêng và hội họa nói chung đang ngày càng được mở rộng. Nhiều diễn đàn truyện tranh, diễn đàn vẽ minh họa ra đời với số lượng thành viên lên tới hàng chục nghìn người trên mạng xã hội Facebook.

Dường như cùng với sự phát triển của nghề truyện tranh, những nghề nghiệp khác liên quan đến mỹ thuật cũng được nhiều người biết đến hơn. Không còn giới hạn với những ngành nghề lâu đời như kiến trúc, họa sĩ chuyên nghiệp, dạy vẽ, các bạn trẻ ngày nay học mỹ thuật có thể phát triển bản thân và nâng cao thu nhập ở nhiều ngành nghề khác nhau, những ngành nghề mà trước đây từng nằm trong vị trí “kẻ bên lề” như: sáng tác truyện tranh; thiết kế bìa ấn phẩm xuất bản; vẽ minh họa sách, tạp chí; vẽ trang trí nhà hàng...

Tuy nhiên, việc có một sân chơi rộng lớn và đa dạng hơn dường như lại là con dao hai lưỡi đối với các tác giả truyện tranh. Mặc dù đã được coi là một nghề, song nghề sáng tác truyện tranh, cũng giống như nhiều ngành nghề sáng tạo nghệ thuật khác, lại ít có được thu nhập ổn định. Chính vì vậy, các tác giả truyện tranh thường kiêm nhiệm thêm một vài nghề “tay trái” khác (trong một số trường hợp, sáng tác truyện tranh lại là nghề “tay trái” của một số tác giả). Điều này phần nào ảnh hưởng đến sự chuyên tâm trong sáng tác cũng như ham muốn tìm tòi cái mới của các tác giả truyện tranh.

Khi hài hước và tình cảm là chủ đề chính...

Một thử thách khác mà các tác giả truyện tranh Việt Nam đương đại cần vượt qua là sự thiếu hụt những đề tài, nội dung mới lạ. Phần lớn các tác phẩm được xuất bản hiện nay đều xoay quanh những câu chuyện hài hước (Truyện bựa của Thành Trí, Bad Luck, Thỏ bảy màu, Pikalong), hoặc những câu chuyện minh họa cuộc sống đời thường (Xấu hổ hay dễ thương).

Xu hướng truyện tranh có yếu tố lịch sử cũng được quan tâm, nhưng mới chỉ dừng lại ở những câu chuyện tình cảm giữa các nhân vật (Cánh hoa trôi giữa hoàng triều). Hiện tượng này phản ánh mối quan hệ hai chiều giữa tác giả và độc giả: Cả hai đều yêu thích những câu chuyện ngắn gọn, hài hước, phản ánh chân thực đời sống của lớp người trẻ tuổi; và một bộ phận tác giả - độc giả khác thích thú trong việc khám phá, phản ánh, tiếp nhận lại lịch sử thông qua những câu chuyện diễm tình.

Như vậy, nhìn một cách chung nhất, có thể khái quát được thị hiếu của cả người sáng tác và người tiếp nhận vào 2 đề tài: Hài hước và tình cảm. Xét về mặt tích cực, 2 đề tài này đã được quan tâm khai thác ở nhiều khía cạnh.

Còn về mặt phê bình, sau khi thưởng thức những câu chuyện nhỏ, đề tài nhỏ, chúng ta trông đợi nhiều hơn vào những tác phẩm có nội dung sâu sắc và mới lạ, câu chuyện lớn với đề tài đa dạng và cách kể chuyện hấp dẫn hơn. Đây chính là con đường khó khăn mà các tác giả truyện tranh Việt Nam cần vượt qua, để trải nghiệm trên trang giấy không dừng lại ở việc minh họa cho một cuộc đời bình thường, mà còn đem đến câu chuyện về những ước mơ, về tinh thần phiêu lưu, về một ngày ước mơ thành hiện thực. Và đó chính là ngày các tác giả truyện tranh Việt Nam vẽ nên câu chuyện cuộc đời của nền truyện tranh dẫu còn non trẻ, nhưng vẫn luôn tràn đầy hy vọng này.

(Còn nữa)

Nguyễn Hoàng Dương

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm