Đi tìm 'quyền trượng' và 'vương miện' thời Đông Sơn

15/03/2021 20:17 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - “Quyền trượng” hay “vương miện” chỉ là những mỹ từ dùng cho một số hiện vật lạ có gần chức năng xuất thổ gần đây trong văn hóa Đông Sơn. Cuộc khai quật Châu Can (Phú Xuyên, Hà Nội) năm 2000 xuất lộ một hiện vật gỗ chưa rõ chức năng, được cố GS Trần Quốc Vượng gợi ý như một loại “quyền trượng” - cây gậy của thủ lĩnh.

Kể chuyện lịch sử từ trong lòng đất (Kỳ 9): Chiếc cốc dâng rượu từ hơn 2.000 năm trước

Kể chuyện lịch sử từ trong lòng đất (Kỳ 9): Chiếc cốc dâng rượu từ hơn 2.000 năm trước

Chiếc “nhĩ bôi” cán dài hay có thể đặt tên là “cốc dâng lễ” có vai trò quan trọng trong lễ nghi, tín ngưỡng Đông Sơn và đương nhiên chủ nhân của hiện vật này cũng rõ ràng giữ một vị trí xã hội, tâm linh quan trọng trong các cộng đồng cư dân Đông Sơn. Ngắm chiếc nhĩ bôi, ta có thể liên tưởng tới cuộc rước dâng rượu cho thần thánh hay thủ lĩnh rất điển hình trên những mặt trống đồng kinh điển nhất (Ngọc Lũ, Cổ Loa, Hoàng Hạ, Khai Hóa, Sông Đà…).

Cộng đồng dân cư nào cũng phải có thủ lĩnh, cả về tổ chức cộng đồng lẫn lo toan tinh thần, tâm linh, chữa bệnh… và tư liệu dân tộc học trên toàn thế giới ghi nhận những đồ khác biệt, dành riêng của các cộng đồng dân cư dành cho họ. Tuy nhiên, ngôi mộ ký hiệu 2000CC-M01 ở Châu Can là của một nam thanh niên khoảng 18-20 tuổi, mang theo bộ đồ tùy táng không tương ứng với cương vị thủ lĩnh...cùng cây gậy bí ẩn kia đã dần đi vào quên lãng.

Từ gợi ý của GS Trần Quốc Vượng về “quyền trượng”

Khảo cổ học hiện đại rõ ràng không chỉ dừng và thỏa mãn với việc xác định niên đại, văn hóa, chủ nhân một cách chung chung mà đã và đang đạt nhiều thành tựu trong việc đi sâu giải mã những chi tiết đặc trưng của từng cá thể trong mỗi cộng đồng, cả về giới tính, tuổi tác, bệnh lý, nghề nghiệp, chức năng xã hội…nhằm tạo dựng bức tranh tiền, sơ sử sinh động và cụ thể hơn.

Vì thế, việc giải thích mối tương quan giữa đồ tùy táng, nhất là những đồ tùy táng đặc biệt với chủ nhân có một vai trò rất quan trọng. Gợi ý hướng suy nghĩ “quyền trượng” cho cây gậy trong mộ 2000CC-M01 của GS Trần Quốc Vượng là một tiếp cận như vậy.

Trong quá trình tìm hiểu và nghiên cứu toàn cảnh hiện vật Đông Sơn, chúng tôi bắt gặp một loại hiện vật mà chức năng rất mờ ảo. Đó là một hiện vật tra cán có hình trăng lưỡi liềm trông như một chiếc đầu trâu với 2 cặp sừng cong vút. Không thể sử dụng phần lưỡi như với công vụ chặt cắt bởi góc tù trên 60 độ tạo thân mặt cắt hình thoi của phần lưỡi hình sừng trâu.

Chú thích ảnh
Hình 1 (trái) và Hình 2: Hiện vật đồng hình sừng trâu (lưỡi liềm) cùng với phần cán gỗ. Ảnh TG

Cũng khó sử dụng 2 đầu nhọn hoắt của sừng trâu đó bởi độ quặp vào đến mức vô lý của chúng. Thêm nữa, cả phần thân lưỡi liềm đều trang trí hoa văn vạch đúc nổi và nhất là thường có những hình chim thú đúc mỏng hay quai đeo lục lạc gắn cùng bên trong 2 sừng trâu đó khiến liên tưởng đến một vật dùng cho trang sức hay nghi lễ gì đó hơn là một công cụ hay vũ khí (Hình 1).

Hiện vật này chỉ được giải mã sau khi một nông dân vùng chiêm trũng Đồng Văn (Hà Nam) đụng phải một mộ thân cây khoét rỗng Đông Sơn và những người sưu tầm cổ vật đã đến gom mua những đồ tùy táng bên trong, bao gồm nguyên trạng một “lưỡi” hình sừng trâu như vậy với 2 chân vành khuyên treo lục lạc đã bị gỉ mọt đứt rời.

Đáng chú ý là phần cán gỗ còn nguyên vẹn dài khoảng 120 - 130cm đường kính 2,5cm với phần bản lưỡi như mái chèo quạt nước nhọn đầu trông như một lá lao rộng 10cm, đã được chủ nhân và người sưu tầm nâng niu bảo quản. Hiện vật đồng hình sừng trâu vốn đầy bí ẩn kia được tra cán ở một đầu đối diện với đầu bản dẹt, rộng hình lá hé mở đây chính là một “quyền trượng” hay “thần trượng” mà khi sử dụng đầu hiện vật cong hình sừng trâu đó hướng lên trời và chúc bản mũi nhọn xuống đất (Hình 2).

Với loại “trượng” rất ít nguy hiểm như thế này, chúng tôi nghiêng về giả thuyết đó là “thần trượng” - một hiện vật dùng cho shaman, thầy cúng đương thời.

Chiếc “quyền trượng” còn nguyên cả phần cán gỗ nói trên đã từng được mượn trưng bày tại Hoàng thành Thăng Long nhân dịp 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội. Nay thuộc sưu tập CQK ở California (USA), nơi mà từ lâu đã sở hữu một “lưỡi liềm” nguyên vẹn như vậy với 2 hình hươu đúc liền gắn phía trong cặp sừng trâu.

Loại hiện vật này cũng đã rải rác phát hiện trong các khu mộ táng văn hóa Đông Sơn và đang nằm trong một vài sưu tập tư nhân. Ý nghĩa của chúng thế nào, xin chờ thêm thời gian nghiên cứu, giải thích nhưng hẳn đều liên quan đến biểu tượng sừng trâu hoặc biểu tượng đôi răng nanh lợn rừng.

“Vương miện” hay đai trán bằng đồng của nhân vật quyền quý

Đây là loại đai trán bằng đồng cũng từng thấy trong văn hóa Đông Sơn. Chúng gồm 2 nửa, thường được đúc từ 2 bản đồng dẹt, dài chừng 20 - 25cm, rộng 5 - 8cm, vừa với vòng đầu trung bình khoảng 55 - 60cm. Đai được gắn kết với nhau bằng cách tạo ở một bản đai có 1 lỗ to ở rìa cạnh để gài chốt và 2 lỗ nhỏ hơn ở rìa bên kia buộc dây. Bản đai kia thường có một chốt đinh khuy dài chừng 4 - 5cm dùng để móc vào lỗ chốt ở nửa bên kia.

Chú thích ảnh
Đai đầu Đông Sơn có trang trí hoa văn (sưu tập CQK ). Ảnh TG

Khi sử dụng, phía đầu có 2 lỗ dùng dây buộc vào nhau tùy theo cỡ đầu sao cho khớp với độ khít của đinh khuy với lỗ chốt.

Khảo cổ học lần đầu tiên phát hiện loại hiện vật này là ở khu mộ Kiệt Thượng (Nam Sách, Hải Dương). Những người khai quật đã tưởng rằng chúng là các đai lưng.

Phân loại sơ bộ có thể chia thành 2 nhóm lớn: Nhóm đai đầu trơn và nhóm có trang trí hoa văn. Trong đó có sự khác biệt ở độ rộng bản dao động từ 5 - 8cm. Hoa văn trang trí chủ yếu là 1 hoặc 2 băng chữ S có chấm rải nối đuôi nhau với các tổ đệm hình tam giác kiểu mũi sóng. Theo thống kê của chúng tôi thì đã biết đến 9 hiện vật như vậy.

Trong nghệ thuật trang trí Đông Sơn chúng ta bắt gặp phổ biến hiện tượng đai đầu trên các tượng cán dao găm, cả tượng nam lẫn nữ (Hình 4, 5). Những hình người thể hiện trong các lễ hội trên đồ đồng Đông Sơn đều như có một băng đai như vậy để gài cắm các loại lông chim hay bông lau. Chúng có thể bằng vải, dây và cũng bằng đai đồng như đã giới thiệu ở trên. Truyền thống này còn đậm nét trong sinh hoạt và lễ hội Tây Nguyên cũng như ở đồng bằng toàn cõi Việt Nam và Đông Nam Á.

Chú thích ảnh
Hình 4(trái) và Hình 5: Những tượng khối Đông Sơn trên cán dao găm (Sưu tập Zephir, Hà Nội). Ảnh TG

Số lượng đai đầu bằng đồng khá hiếm gặp, chứng tỏ chủ nhân của chúng thuộc những người sang trọng trong xã hội đương thời. Người đàn ông trong mộ Kiệt Thượng bộc lộ rõ là một võ quan cao cấp dưới thời Âu Lạc - Nam Việt. Bộ đồ tùy táng bằng đồng gồm vũ khí và dụng cụ sinh hoạt quý tộc mang phong cách chủ yếu là Đông Sơn bên cạnh những đồ đồng Lĩnh Nam rất gần gũi với mộ La Bạc Loan (Quý Huyện, Quảng Tây, Trung Quốc) cho phép kết luận ông sống trong khoảng thế kỷ 2 TCN.

Việc xuất hiện đai đầu Đông Sơn trong mộ đã góp phần xác nhận vị trí cao sang của loại hiện vật này trong bộ đồ đồng Đông Sơn. Theo logic thì những đai đầu có trang trí hoa văn còn phải có giá trị cao hơn, thuộc những nhân vật quyền quý cao hơn nữa.

(Còn tiếp)

TS Nguyễn Việt - Kiều Quang Chẩn

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm