Đến bảo tàng để vẽ miễn phí

22/05/2011 16:36 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH) - Sáng 21/5, Bảo tàng Mỹ thuật VN (66 Nguyễn Thái Học, HN) đã khai trương Không gian sáng tạo cho trẻ em - nhằm mở đầu cho chương trình giáo dục mỹ thuật sẽ diễn ra thường xuyên tại Bảo tàng. Nhiều gia đình đã cho con, em mình đến đây để tham quan, để vẽ và học vẽ!

Nếu trước đây các hoạt động vẽ tranh, tô màu như thế này thường chỉ diễn ra ở các siêu thị, nhà sách, khu vui chơi giải trí... thì từ giờ sẽ được diễn ra thường xuyên tại nơi lưu giữ những di sản mỹ thuật của VN.

Lấy tranh của Bùi Xuân Phái làm mẫu vẽ

Không gian sáng tạo cho trẻ em có diện tích 70m2 trên tầng 3, trong tòa nhà trưng bày chính. Đây được coi là không gian dành riêng cho trẻ em từ 5-15 tuổi đến tham quan, trải nghiệm, khám phá và thực hành để tạo ra những tác phẩm nghệ thuật mang tính sáng tạo và thẩm mỹ cao. Ở đây các em sẽ được các họa sĩ, nhà điêu khắc và các cán bộ giáo dục của bảo tàng hướng dẫn tìm hiểu và khám phá mỹ thuật dân gian, đương đại... Các chương trình giáo dục sẽ từng bước được xây dựng theo chuẩn mực bảo tàng quốc tế.

Cùng nhau học cách in tranh Đông Hồ trên giấy dó


Hiện tại, Bảo tàng đã nhận được sự giúp đỡ của các chuyên gia như: Bà Nguyễn Thị Minh Lý - Phó Cục trưởng Cục Di sản văn hóa, “lão’’ họa sĩ Đặng Thị Khuê, giảng viên Trần Hậu Yên Thế ĐH Mỹ thuật VN, GS Nguyễn Văn Huy - chuyên gia bảo tàng học, nguyên Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học VN. 9 hoạt động sẽ được tổ chức thường xuyên (mở cửa miễn phí cho các gia đình) là: tô tranh, tô tượng, vẽ, vẽ tự do, xé dán, xé dán tự do, xếp hình, xếp hình theo mẫu và ghép tranh khuyết. Các tác phẩm được dùng làm mẫu vẽ, tô, xé dán... được lấy từ những ‘’kiệt tác’’ đang được trưng bày tại bảo tàng như: bức Trái cây Nam Bộ (Đường Ngọc Cảnh), Cô Tấm đi hội (Nguyễn Tấm Cứ), Phố Gia Ngư (Bùi Xuân Phái), Gióng (Nguyễn Tư Nghiêm) và tranh gà, lợn thuộc dòng tranh dân gian Đông Hồ, tượng điêu khắc đình làng...và các sáng tạo khác dựa trên các tác phẩm mẫu. Đến đây các em sẽ được vẽ tranh, tô màu theo mẫu, hoặc tự do sáng tác theo sở thích. Và những sản phẩm sau khi hoàn thành, nếu đẹp các em sẽ được mang về!

Mơ về một cách dạy vẽ khác

Trong tương lai, với sự giúp đỡ của các chuyên gia, các cán bộ trong Phòng Giáo dục của bảo tàng sẽ lên kế hoạch mở các lớp dạy vẽ cho trẻ ngay tại đây. Cách dạy vẽ này sẽ rất mới, khác hoàn toàn so với cách dạy vẽ trong các trường học hiện nay.

“Lão’’ họa sĩ Đặng Thị Khuê người từng được Bộ GD&ĐT mời nghiệm thu việc biên soạn sách mỹ thuật cho học sinh tiểu học và học sinh lớp 6-8 chia sẻ: “Cách đây 6-7 năm, khi cầm các tập sách mỹ thuật bộ mới từ lớp 6-8 của Bộ, tôi rất bất ngờ vì phương pháp biên soạn gần như bê nguyên xi các cách dạy mỹ thuật của Trường Mỹ thuật Đông Dương cách đây gần trăm năm... Tôi đã phản đối quyết liệt, vì đó là kiểu dạy bắt chước... Hy vọng, sau khi khai trương phòng khám phá này, Bảo tàng sẽ mời được các họa sĩ tâm huyết với trẻ em ở các cơ sở đào tạo mỹ thuật hiện nay để dạy cho các em tiếp cận với nghệ thuật, tạo sự giao lưu chia sẻ giữa các thế hệ, đồng thời giúp các em khám phá những di sản nghệ thuật của ông cha. Tuy nhiên, đây là việc làm không hề dễ, đòi hỏi phải được đầu tư về tiền bạc, công sức, và cả tâm huyết với trẻ thơ!’’.

Hoài Thương

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm