'Dế Mèn' sẽ đồng hành mãi...

30/09/2020 06:24 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - “Tôi tin, chú Dế Mèn đáng nhớ năm nay sẽ đồng hành mãi cùng Chung Anh, cho tới khi em trở thành một đồng nghiệp của tôi trong tương lai” - họa sĩ “thần đồng” Thành Chương đã gửi gắm như vậy khi trao giải cho họa sĩ nhí Nguyễn Đới Chung Anh (10 tuổi). Có rất nhiều câu chuyện đáng nhớ trong lần trao giải thưởng Dế Mèn đầu tiên. Bởi, như nhận xét của những người trong cuộc, trong bất cứ một đứa trẻ nào cũng có một người lớn đang hình thành, và trong bất cứ một người lớn nào cũng có một đứa trẻ không bao giờ già đi.

Kết quả Giải thưởng thiếu nhi Dế Mèn lần 1-2020: Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh được vinh danh là 'Hiệp sĩ Dế Mèn'

Kết quả Giải thưởng thiếu nhi Dế Mèn lần 1-2020: Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh được vinh danh là 'Hiệp sĩ Dế Mèn'

Hôm nay, tại Trung tâm Thông tấn Quốc gia, số 5 Lý Thường Kiệt, Hà Nội, báo Thể thao và Văn hóa (Thông tấn xã Việt Nam) tổ chức Lễ trao Giải thưởng thiếu nhi Dế Mèn lần 1 – 2020

Lễ trao giải đã diễn ra vào chiều qua 29/9 tại Trung tâm Thông tấn Quốc gia, số 5 Lý Thường Kiệt, Hà Nội.

Câu chuyện của khát vọng

Một câu chuyện rất thú vị trong lễ trao giải: trên sân khấu, khán giả và giới chuyên môn được chứng kiến sự xuất hiện của những “thần đồng” từng in sâu cái tên của mình trong ký ức bao người. Để rồi, đặt cạnh những mầm non của giải Khát vọng Dế Mèn, sự xuất hiện song song ấy gợi ra những liên tưởng về một cuộc chuyển giao đặc biệt trong đời sống nghệ thuật.

Họa sĩ Thành Chương là một trường hợp điển hình. 63 năm trước, khi đang là cậu bé 7 tuổi, bức tranh Đôi gà tồ của ông từng giành giải vàng ở cuộc thi tranh thiếu nhi quốc tế ở Anh. Và, khi bước lên trao giải Khát vọng Dế Mèn cho cô bé 10 tuổi Nguyễn Đới Chung Anh, vị họa sĩ ở tuổi 70 này cũng không giấu nổi sự xúc động của mình. Như lời ông, bản thân 2 chữ “dế mèn” ấy luôn quen thuộc với nhiều thế hệ, với trò chơi, sách chuyện và những ký ức xưa cũ.

“Chẳng hạn, cuốn sách Dế Mèn phiêu lưu ký của Tô Hoài luôn khiến chúng ta nhớ về câu chuyện của những tấm gương biết ước mơ và hành động, biết vươn tới những cái đích nhân văn về một thế giới đại đồng. Và, khi xem bộ tranh của Chung Anh, tôi lại bắt gặp cảm xúc ấy” - họa sĩ chia sẻ.

Họa sĩ Thành Chương nói, những gì Chung Anh vẽ khiến ông ngỡ ngàng bởi cảm xúc về sự tử tế, về cách em quan tâm tới mọi người trên thế giới và ở cuộc sống xung quanh mình. “Khi mà cuộc đời có quá nhiều người sống thờ ơ, chúng ta không thể hình dung những suy nghĩ nghiêm túc, nhân văn như vậy lại xuất hiện ở một cô bé. Đó là mầm mống của một con người khác trong em: Một nghệ sĩ biết rung cảm trước cuộc đời” - ông nói thêm - “Tôi tin, chú Dế Mèn đáng nhớ năm nay sẽ đồng hành mãi cùng Chung Anh, cho tới khi em trở thành một đồng nghiệp của tôi trong tương lai”.

Chú thích ảnh
Họa sĩ Thành Chương (giữa) và họa sĩ Lê Linh (phải) trao giải cho bé Nguyễn Đới Chung Anh (10 tuổi)

Còn, trong một màn trao giải khác, người ta lại thấy sự xuất hiện của “thần đồng” cũ Trần Đăng Khoa bên cạnh cậu bé Cao Khải An. Và, dường như để cho cuộc hội ngộ ấy thêm phần đặc biệt, cả hội trường đã ồ lên thích thú khi biết rằng An chính là con trai của Nguyễn Ngọc Tư - cây bút cũng từng nổi lên rất sớm ở tuổi 24 trên vùng đất Mũi. Như chia sẻ của nhà thơ Trần Đăng Khoa, thông tin về người mẹ của An cũng chỉ được Ban giám khảo biết sau khi đã chấm xong giải. Trò chuyện qua điện thoại, mọi người chỉ biết cậu bé 12 tuổi này quê Cà Mau và có mẹ cùng ngoại “từng viết lách chút ít”.

Mộc mạc, giản dị như mẹ mình, An nói ít. Nhưng, như nhận xét của nhà thơ Trần Đăng Khoa, những gì An viết lại không hề đơn giản: “Những bạn cùng lứa cháu thường viết về các nhân vật tưởng tượng, trong một thế giới tưởng tượng. Còn cháu rất đặc biệt: Cháu chọn viết về một thế giới của cuộc sống đang diễn ra ngay xung quanh mình, nhưng vẫn lung linh bởi cặp mắt thuần khiết và trong trẻo”.

Ở độ tuổi cao hơn kha khá so với Chung Anh và Khải An, những chia sẻ của Nguyễn Văn Chung - nhạc sĩ đã viết hơn 300 ca khúc dành cho thiếu nhi - tại lễ trao giải cũng khiến nhiều độc giả xúc động. Chung nói, anh viết những bài hát thiếu nhi trước tiên cho con của mình, con của bạn bè, con của khán giả, và rộng hơn là tất cả các trẻ em, với một cảm xúc đặc biệt.

“Bài hát thiếu nhi đầu tiên tôi viết là Gia đình nhỏ, hạnh phúc to. Bài hát ấy, tôi dành tặng con gái, kèm mong muốn trao cho con ước mơ về một gia đình hạnh phúc, sau những nỗi buồn mà cha mẹ từng gây ra cho con bởi lỗi của mình” - xúc động, anh nói - “Và đó cũng là ước mơ tôi muốn gửi tới tất cả các bé thiếu nhi ở Việt Nam: Các em có đủ cả cha, cả mẹ, có một gia đình nhỏ nhưng luôn tràn đầy hạnh phúc”.

Và 2 chàng “hiệp sĩ”

Ở một góc độ khác, câu chuyện về giải thưởng Hiệp sĩ Dế Mèn cho cuốn sách Làm bạn với bầu trời của Nguyễn Nhật Ánh cũng rất đặc biệt. Như chia sẻ của ông, đây là cuốn sách viết về chủ đề Rằm tháng 8 dành cho các độc giả nhỏ tuổi. Để rồi, sau khi sách được xuất bản đúng vào Trung Thu năm ngoái, đến lượt nó lại được vinh danh tại giải Dế Mèn vào năm 2020 này, như một cơ duyên tình cờ.

“Nhưng, tôi còn có một niềm vui lớn hơn giải thưởng của mình, đó là việc được chứng kiến sự ra đời của một giải thưởng văn học nghệ thuật dành cho thiếu nhi. Đó là một giải thưởng có giá trị xã hội rất lớn - mà trước hết, nó sẽ thắp lên những hy vọng để con em chúng ta có thêm sách hay để đọc, thêm nhiều bản nhạc hay để nghe hay những bức tranh đẹp để yêu thích” - ông nói.

Chú thích ảnh
Nhà thơ Trần Đăng Khoa (trái) và đạo diễn Nguyễn Phi Phi Anh (phải) trao giải thưởng cho bé Cao Khải An (12 tuổi)

Bởi thế, phần cuối trong lời chia sẻ, nhà văn này khiến độc giả ngỡ ngàng trước một quyết định đặc biệt: Tặng lại toàn bộ số tiền mình nhận về từ giải thưởng vào quỹ chung của giải, “để Ban tổ chức cân nhắc những lần tới có thể trao giải thưởng cao hơn, hoặc mở rộng nhiều giải thưởng hơn, hay có thể trao giải cho những tài năng trẻ đặc biệt”.

Và đặc biệt, dù không có tên trong danh sách nhận giải lần này, Ban giám khảo cuộc thi cũng nhắc nhiều tới trường hợp Chuyện của anh em nhà Mem và Kya của nhà văn Nguyễn Quang Thiều. Dù quy chế không cấm giám khảo nhận giải, và bản thân cuốn sách cũng được Ban giám khảo đánh giá rất cao, ông vẫn xin rút khỏi giải thưởng với những bộc bạch rất chân thành.

“Đây là một giải thưởng mà tôi đợi chờ từ rất lâu cho mình, bởi đó là giải thưởng về viết cho thiếu nhi. Nhưng tôi phải rút, vì tinh thần luôn muốn đề cao sự minh bạch trong giải thưởng, cũng như tạo uy tín của giải Dế Mèn trong tương lai” - nhà văn chia sẻ - “Không được đứng cạnh Nguyễn Nhật Ánh trong lễ trao giải, nhưng tôi vẫn thấy đủ đầy và hạnh phúc, bởi việc tôn vinh Ánh và các tác giả khác đã đủ là minh chứng để tạo thương hiệu cho giải Dế Mèn, cũng như lòng tin từ bạn đọc”.

Nói như lời nhà thơ Trần Đăng Khoa, những ứng xử của Nguyễn Nhật Ánh và Nguyễn Quang Thiều khiến họ xứng đáng được tôn vinh tới 2 lần quanh chữ “Hiệp sĩ”. Nhất là khi, những suy nghĩ và hành động rất đẹp ấy đều tràn đầy tình yêu thương con trẻ, hướng các em đến với sự trong sáng và nhân văn.

Kết quả Giải thưởng Dế Mèn lần 1 - 2020

* 1 Giải thưởng Lớn - Hiệp sĩ Dế Mèn (Cricket Knight) được trao cho nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, tác giả của truyện dài Làm bạn với bầu trời. Trị giá: 30.000.000 đồng/giải.

* 4 Giải Khát vọng Dế Mèn (Cricket Desire), trị giá: 10.000.000 đồng/giải, được trao cho:

- Chùm tranh chủ đề phòng chống Covid-19 của Nguyễn Đới Chung Anh (10 tuổi).

- Chuyện của Bắp ăn mơ và xóm Đồi rơm (bản thảo truyện dài) của Cao Khải An (12 tuổi).

- Mộng giang hồ (bản thảo tập truyện ngắn) của Nguyễn Chí Ngoan.

- Chùm ca khúc chủ đề thiếu nhi của nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung.

Cúc Đường

 

Chú thích ảnh
Chú thích ảnh

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm