Đầu ra lạc hậu, ngành design Việt đừng mơ xán lạn

27/06/2016 12:08 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Đây có lẽ là tinh thần và kết quả đạt được từ hội thảo Đổi mới đào tạo mỹ thuật ứng dụng ở Việt Nam - Từ thực tiễn đến giải pháp do Đại học Công nghệ Sài Gòn vừa đăng cai tổ chức (25/6). Hội thảo có tính chất toàn quốc, thu hút gần 30 tham luận của nhiều nhà nghiên cứu, họa sĩ và họa sĩ thiết kế.

1. Thẳng thắn nhìn nhận thì nhiều tham luận còn giáo điều, chung chung, hoặc mới đề cập đến những khía cạnh nhập môn của design, chưa chỉ ra được những thực trạng, chứ đừng nói giải pháp. Nhưng về tầm nhìn, hội thảo đã nỗ lực để chỉ ra những trì trệ, lạc hậu về quan niệm, cách giảng dạy và cách làm thiết kế, ứng dụng, tạo dáng (gọi chung là design) tại Việt Nam.

Họa sĩ - nhà phê bình mỹ thuật Nguyễn Quân cho rằng design hiện nay phải tích hợp cho được mỹ thuật - design - kiến trúc thành một chỉnh thể. Đồng thời, người học về design phải nắm vững văn hóa vùng miền, hiểu được lịch sử sáng tạo, thì người ấy mới có khả năng trở thành họa sĩ design thực thụ, chứ không chỉ dừng lại ở kỹ thuật viên hoặc thợ design mà thôi.


Quang cảnh buổi hội thảo

“Họa sĩ design phải được giải phóng tư tưởng mình khỏi các ràng buộc, định kiến như chủ nghĩa công năng, nơi mặc định chức năng sử dụng và lý do tồn tại của một tác phẩm design. Giải phóng khỏi sự ràng buộc về công nghệ và việc giảm giá thành, vì thế giới đang phẳng, nơi công nghệ và giá cả sẽ không chênh lệch quá lớn. Giải phóng khỏi phong cách toàn cầu và chủ nghĩa toàn trị, để đưa ra các sáng tạo riêng, đậm chất cá nhân” - Nguyễn Quân khẳng định.

Còn nhà nghiên cứu mỹ thuật Phan Cẩm Thượng chỉ ra rằng, từ khi có loài người thì design đã hiện diện, có người nhìn thấy nó, có người phớt lờ nó. Nhưng rồi qua thời gian, mọi thứ dần dà được khu biệt, được chuyên môn hóa đến mức sáng tạo nghệ thuật và sáng tạo design bị tách bạch với nhau. Trong bối cảnh như vậy, làm sao để sinh viên học design nhận thức được tính tổng hòa trong công việc sáng tạo, đừng để tình trạng tách bạch trên lấy tính nghệ thuật ra khỏi design và ngược lại.

2. Hội thảo cũng chỉ ra những mâu thuẫn của nền design Việt Nam như việc sáng tạo và thương mại, giữa việc sản xuất hàng loạt và dấu ấn cá nhân, giữa chuẩn mực hàng hóa toàn cầu và bản sắc văn hóa Việt…

Đây là chưa nói khoảng cách giữa đào tạo design với các nhà sản xuất, nhà thương mại là khó bù lấp, nên rất dễ làm cho việc đào tạo design hoặc chạy theo thực dụng, hoặc bị lạc hậu, mất bản sắc.

Đến từ Đại học Thiết kế LABA (Italy), ông Riccardo Francesch cho rằng: “Việc giáo dục và đào tạo các nhà thiết kế hiện tại quá mang tính thực dụng, mà thiếu hẳn tính sáng tạo. Thường sinh viên tốt nghiệp sẽ trở thành kỹ thuật viên hơn là nhà thiết kế. Họ biết cách sử dụng thành thạo các phần mềm, các công cụ thiết kế, nhưng chưa biết cách thể hiện tư duy như một nhà thiết kế”.

Sau khi khảo sát khoảng 20 nơi đào tạo về design tại Việt Nam, tiến sĩ Đỗ Lệnh Hùng Tú (Đại học Công nghệ Sài Gòn) cho rằng việc đào tạo nhằm đáp ứng số lượng thì chúng ta không thiếu, nhưng chất lượng thì thiếu rất nhiều.

“Nhiều người ra trường đã không kiếm được việc làm, hoặc theo nghề không bền lâu, chủ động bỏ nghề, chuyển nghề, nên cần chấn chỉnh lại chất lượng và mục tiêu đào tạo. Nếu đầu ra đã lạc hậu thì đừng mong tương lai của ngành design xán lạn, có bản sắc và có được sự cạnh tranh” - ông Hùng Tú nói.

Văn Bảy
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm