Dấu ấn đọng lại của 'Bắc Kỳ thể thao'

05/07/2021 19:12 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Trên Bắc Kỳ thể thao, hoạt động thể thao đủ môn đủ món được đưa tin, theo sát sự kiện. Trong đó, tin tức về món quần vợt với 2 tay đại kỳ tài Chim, Giao được ưu tiên tin bài.

Từ 'Bắc Kỳ thể thao' đến 'Thể thao Đông Dương' (Kỳ 1): 'Bắc Kỳ thể thao' - Tờ báo cổ động thể thao đầu những năm 1930

Từ 'Bắc Kỳ thể thao' đến 'Thể thao Đông Dương' (Kỳ 1): 'Bắc Kỳ thể thao' - Tờ báo cổ động thể thao đầu những năm 1930

Là tờ báo chuyên về thể thao hiếm hoi trong làng báo nước Việt, "Bắc Kỳ thể thao" được biết đến nhiều cùng với tờ "Thể tháo Đông Dương" (chữ “thể tháo” phổ biến ở Nam Kỳ xưa). Trong thời gian đua tranh cùng anh em làng báo 4 năm, "Bắc Kỳ thể thao" nhận lãnh công việc một tờ báo ủng hộ sự phát triển của thể thao nước nhà.

Bắc Kỳ thể thao (BKTT) có nhiều bài viết nói về việc cần kíp phải tập luyện thể thao.

Những hoạt động thể thao tiêu biểu trên “Bắc Kỳ thể thao”

Để cho sự cổ động, khích lệ được chóng và lan tỏa nhanh, thơ văn được dùng để truyền thông điệp đến độc giả, như bài Nên tập thể thao đăng trên Bắc Kỳ thể thao số 1, có đoạn: “Có một điều rất là cần gấp,/ Đời văn minh nên tập thể thao./ Thể thao ích lợi nhường bao,/ Người ta ai đã tập vào mới hay…”.

Chú thích ảnh
Biếm họa của NGYM về quả sì-mat của Chim tại cup Pasquier 1932 trên BKTT số 71

Hoặc bài Thể thao trên BKTT số 23, 14/4/1931: “Giai tài gái sắc lo toan./ Thể thao luyện lấy nên trang anh hùng./ Ai ơi! Tự trí tự lòng,/ Muốn cho trường cửu vui cùng nước non...”.

Thậm chí, báo còn ra cả tiểu thuyết về sự liên đới giữa tình yêu và thể thao mang tên Ái tình và thể thao (Hồng Sơn soạn) đăng dài kỳ để nói về ích lợi của thể thao, soạn hài kịch kiêm bi kịch về đấu võ cho độc giả giải trí. Nhiều bài viết nhằm nâng cao dân trí về thể thao cũng được đăng tải. Có thể kể đến: Trong việc cải tạo chủng tộc phải lấy vấn đề thể dục làm đầu (số 5, 2/12/1930); Thể thao với khoa học: Ảnh hưởng của sự vận động đối với cơ thể (số 25, 28/4/1931), Thể dục môn thuốc chữa bệnh chán đời (số 44, 22/9/1931)...

Chú thích ảnh
'Bắc Kỳ thể thao' số 71 đưa tin về cup Pasquier

Báo có hệ thống cộng tác viên ở các tỉnh, nên tin tức thể thao cấp huyện đến cấp tỉnh cũng được quan tâm, đưa tin rộng khắp. Có thể kiểm chứng ngay điều này ở BKTT số 2, ngày 11/11/1930 dành 2 trang tường thuật lễ khai mạc ngày hội thể thao của huyện lỵ Vĩnh Bảo (Hải Phòng), cúp Vi Văn Định về quần vợt tổ chức tại Thái Bình (số 22, 7/4/1931)...

Cổ động phong trào thể thao, Bắc Kỳ thể thao quan tâm đến hoạt động thể thao của mọi giới như hoạt động thể dục thể thao của phụ nữ: Cuộc đi bộ 8 người do cô Hoàng Việt Nga dẫn đầu từ Hà Nội đi Hải Phòng, Đồ Sơn được tường thuật trực tiếp ngay từ BKTT số 1 và nhiều số sau với nhận xét là “Phong trào thể thao lan rộng, cho đến cả phái phụ nữ cũng đã bắt đầu ưa thích sự tập luyện”.

Cuộc đi bộ này không phải ai cũng ủng hộ, có những báo thủ cựu châm biếm các cô gái tân thời. Thậm chí ông Lê Công Đắc còn xuất bản sách Đại hài kịch Tiểu thư đi bộ để công kích, nhưng riêng BKTT thì dành cho sự ủng hộ tuyệt đối; Đoàn đi xe đạp của phụ nữ từ Nam ra Bắc do cô Nguyễn Thị Kế dẫn đầu cũng được báo viết bài hoan nghênh, cổ động (số 21, 31/3/1931)... Hoạt động thể thao học sinh cũng được chú ý ngay số 1 với bài Cuộc đi bộ từ Hanoi lên Tam Đảo của đoàn học sinh trường Trí Đức, và ảnh của Trần Xuân Lâm, người ít tuổi nhất trong đoàn được đưa lên trang nhất của số 1.

Chú thích ảnh
Chân dung cô Nguyễn Thị Kế, dẫn đầu đoàn đi xe đạp phụ nữ từ Nam ra Bắc

Khắp 133 số của BKTT, đưa tin không số nào không có giải thể thao được tổ chức. Các giải này được khai mạc liên tục ở nhiều cấp khác nhau. Quần vợt có giải Pháp Hoa ngân hàng do ngân hàng này tài trợ (số 2), giải Ping phong của Đông Pháp ngân hàng (số 19, 17/3/1931). Bóng tròn (bóng đá) có giải Tinh Ký mang tên nhà tài trợ (số 2), giải quán quân học sinh năm 1930-1931 (số 18, 10/3/1931)... Báo cũng có những bài dài kỳ hướng dẫn tập thể dục, thể thao. Nhiều hoạt động thể dục, thể thao giải trí như săn bắn, tắm biển, tennis... cũng được giới thiệu.

Trong các số báo đã ra, sự kiện thể thao thế giới có dấu ấn phải kể đến trận chung kết World Cup năm 1930 giữa Uruguay và Argentina, được BKTT số 23 tường thuật lại chi tiết từ không khí trên khán đài đến diễn biến trận đấu. Trận ấy diễn ra trên sân Stadium Centenario thuộc thủ đô Montevideo của Uruguay, có 80.000 khán giả theo dõi, chưa kể 50.000 người ở ngoài sân vì không có vé. Thậm chí, chiếc tàu Duilio của Italy chở cổ động viên Argentina mắc cạn trên sông Plata, cổ động viên nóng ruột, tức tối phá cả tàu.

Không khí ở Uruguay sau đó là ngày hội. Khắp Montevideo, người người đổ ra ăn mừng, tàu điện, ô tô không di chuyển nổi. Quốc hội họp quyết định thưởng cho các cầu thủ đá chung kết mỗi người 1.000 pesos cùng một ngôi nhà. Còn ở Argentina, tin thua trận truyền về qua vô tuyến, nhiều tin đồn nhảm tung ra, nào là các cầu thủ Argentina bị dân Uruguay chửi, làm bị thương, nào là thủ môn bị ám sát... Thế là nộ khí xung thiên, dân Argentina kéo đến tòa đại sứ Uruguay chọi đá. Thậm chí có người viết cả bài đăng báo đề nghị chính phủ phải hạ chiến thư với Uruguay... Nhưng rồi sau dăm hôm, chuyện đâu lại vào đó.

Chú thích ảnh
 'Bắc Kỳ thể thao' số 35 xếp Chim, Giao giữ nhất, nhì danh sách 10 tay vợt mạnh Viễn Đông

Tin về 2 tay vợt Chim, Giao luôn “hot”

Quần vượt chiếm được vị trí trang trọng trên Bắc Kỳ thể thao chẳng kém gì tin bài dành cho bóng tròn. Tiểu sử những tay vợt nổi tiếng như Phạm Văn Bính, vô địch đánh đôi 1930-1931, 2 gương mặt Nửa, Dương cũng thường xuyên được đưa tin. Dương là tay vợt trẻ đã có nhiều thành tích ở Bắc Kỳ, còn Nửa ở Nam Kỳ được xem là học trò của Chim. Nửa có ưu thế là “vô-lê hay, sỳ-mat khỏe, nhưng lợi hại và đáng mặt tay vô địch là vì ngón se-vít búa đanh” - BKTT số 65, 16/2/1932 cho hay. Nhưng trong món này, tin bài về 2 tay vợt Nguyễn Văn Chim và Huỳnh Văn Giao được ưu tiên hàng đầu.

Chú thích ảnh
Hình hai tay vợt Chim, Giao đăng trên trang nhất BKTT số 8 (1)

Chim, Giao là những tay vợt trứ danh Việt Nam dạo ấy. Danh tiếng cùng ảnh hưởng, không chỉ ở món banh nỉ, mà vượt lên hơn cả, là niềm tự hào đối với thể thao nước nhà. Có người hâm mộ 2 tay vợt đất An Nam, còn làm thơ tặng trên BKTT số 5: “Đem chuông đi đấm nước người,/ Thi tài vô địch cho đời biết tay,/ Hoan hô chúc tụng Đông Tây,/ Mã Lai giật giải ai tầy Chim Giao./ Làm cho rạng vẻ đồng bào,/ Danh thơm còn đó ai nào đã quên./ Chí kia cố giữ cho bền,/ Ra công xây đắp lấy nền thể thao/ Để ngoài thiên hạ trông vào,/ Cũng tai cũng mắt nhẽ nào kém ai?/ Năm châu tỏ mặt đua tài,/Việt Nam nào phải giống nòi yếu đâu?”.

BKTT luôn theo sát những sự kiện liên quan đến 2 tay vợt này. Nào Giao giành cúp Mã Lai, nào Chim giật cúp Pasquier, từng dự giải quần vợt Wimbledon... Năm 1930, Nhật Bản mời Chim và Giao sang Tokyo dự Viễn Đông Vận động môn quần vợt. Và đó là môn thể thao cũng như 2 vận động viên duy nhất của nước Nam được mời (số 20, 24/3/1931).

Chú thích ảnh
Chân dung tay vợt Nguyễn Văn Chim

Dĩ nhiên, không phải lúc nào Chim, Giao trên đường chinh chiến món banh nỉ cũng đều được thuận lợi. BKTT số 31, ngày 23/6/1931 trong bài Ông bầu Yên đã chán thể dục rồi! cho hay tình cảnh thảm hại của Chim, Giao khi sang Pháp dự giải vô địch Pháp quốc - Roland-Garros, Chim thua Borota 4/6, 3/6, 3/6. Lúc dự cúp đấu xảo thuộc địa, Chim thua tan tác trước các tay vợt Đức. Đó là thảm trạng trên sân đấu. Tình cảnh Chim, Giao và ông bầu Yên còn thảm hơn. Dự giải thì Giao trước đó đã bị đau tay, 2 người lại không hợp thủy thổ. Thêm nữa, phụ cấp của “xã Tây” (thị trưởng) Sài Gòn cho Chim, Giao chỉ 6 đồng/ngày. Mà chi tiêu ăn uống bên Pháp nào giống bên Nam, thế nên bầu Yên uất ức mà kết luận: “Số phận thể tháo (sic) nước Nam có lẽ tới đây là cùng”.

Chú thích ảnh
Bảng ghi tên Nguyễn Văn Chim tại giải quần vợt Wimbledon

Sau thất bại trên đất Pháp, về Việt Nam, Chim và ông bầu Yên chia tay. BKTT số 66, 23/2/1932 tường thuật cuộc tranh ngôi vô địch tennis Nam Kỳ, Chim đầu quân cho đội tennis Tàu là Chin Wo, và khi xưa cặp Chim, Giao từng hợp nhau đánh đôi, thì nay, đôi đàng đôi ngả, 2 bên trở thành địch thủ. Trận chung kết đánh đôi, Chim - Kaai của đội Chin Wo đã thua cặp Giao - Nửa.

Năm 1932, Chim, Giao từ Nam Kỳ ra Bắc Kỳ dự cúp Pasquier, được đón tiếp linh đình, BKTT số 70, 22/3/1932 tường thuật. Năm ấy, Chim giành ngôi vô địch đánh đơn, Chim - Giao vô địch đánh đôi. Trước đó năm 1929, lần đầu tiên Chim, Giao tham dự cũng đã giành cúp. Món đánh của Chim được khen ngợi ngất trời: “Chim đủ miếng đủ lối: giài [dài], ngắn, ruỗi, co, chìm, nổi như một cung đàn, ngón nào cũng khéo bao nhiêu, tơ hào không có vẻ lôi thôi, mà cao hơn hết cả là dễ dàng và kín đáo vô cùng, khiến cho bên địch phải sửng sốt”.

Chú thích ảnh
Chân dung tay vợt Huỳnh Văn Giao

Vì cái sự vô địch này mà đến mùa giải 1933, BKTT số 110, ngày 3/1/1933 có bài Cup Pasquier năm 1933 ta có nên để hai nhà vô địch Chim-Giao dự nữa không? mà thực chất là nêu ý kiến không nên cho “hai ông anh cả” tham dự nữa để cho tinh thần ganh đua được cao.

Nhận xét về Chim và Giao trong lĩnh vực quần vợt, Lê Phượng Kim có ý kiến trong bài Sau kỳ tranh giải Pasquier trên BKTT số 121, 4/4/1933 cho rằng: “Chim, Giao chính là 2 cái cột chống trời cho cả nước Việt Nam, là 2 cái lũy đá ngăn đón những ngọn sóng trào ở ngoài biển Thái Bình Dương”. Và đây là 2 nhà vô địch ngoại hạng của quần vợt Đông Dương, nên “ta không muốn đem Dương, Giáo, Nửa, Cang, Yến, Phụng, Bẩy chộn [trộn] lẫn với Chim, Giao tức là ta biết trọng dụng nhà vô địch của ta”.

Cái kết sau 4 năm

Ngày 27/6/1933, số báo 133 là số báo cuối cùng của Bắc Kỳ thể thao được phát hành. Ở số này, báo có lời từ biệt độc giả qua bài Lúc chia tay, vài lời gắn bó ở trang nhất, cũng như đúc kết những gì đã làm được trong 4 năm ở bài B.K.T.T. làm việc như: Gây dựng lối văn riêng về thể dục; hô hào lập Tổng cuộc vận động Pháp Việt; hô hào cho Việt Nam dự Viễn Đông vận động hội; tổ chức 2 cuộc đua xe đạp lớn nhất Đông Dương; cổ động về hướng đạo. Đồng thời, Bắc Kỳ thể thao kết thúc, là sự chuẩn bị cho việc ra đời của báo Rạng Đông.

Vẫn ở bài chia tay trên, Bắc Kỳ thể thao hẹn sẽ tái ngộ độc giả vào tháng 10 cùng năm. Tuy nhiên, thực tế thì báo dừng hẳn ở số 133 và không quay trở lại nữa.

(Còn tiếp)

Trần Đình Ba

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm