Đạo diễn Leon Quang Le: 'Cải lương thập niên 1980 theo tôi là đẹp nhất'

30/07/2018 10:00 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Song lang (từ gốc: song loan) là một nhạc cụ nhỏ, mộc mạc, nhưng lại vô cùng quan trọng trong dàn cổ nhạc. Nó còn được xem là ông tổ trong dàn nhạc cải lương, với nhiệm vụ giữ nhịp, giữ tiết tấu cho nhạc sĩ và nghệ sĩ trên sân khấu. Lần đầu tiên nhạc cụ này được Leon Quang Le “chuyển soạn” thành phim cùng tên, dự kiến công chiếu vào ngày 17/8/2018.

“Tôi chọn tên phim là Song lang (thay vì song loan) để có thể bao gồm hai mấu chốt của câu chuyện: hai chàng trai được kết nối bởi tiếng song lang, bởi nghệ thuật cải lương. Tựa phim bao hàm nhiều ý. Âm nhạc và nghệ sĩ cải lương cần có nhịp song lang để đàn, ca, diễn cùng hòa quyện nhịp nhàng. Dũng và Linh Phụng, hai nhân vật chính trong phim cũng vậy. Tôi chưa thể nói rõ thêm lúc này, vì sẽ lộ mấu chốt kịch bản” - đạo diễn Leon Quang Le nói.

* Vì sao anh quyết định phim đầu tay sẽ làm về chủ đề cải lương?

Từ bé, tôi đã yêu thích các bộ môn nghệ thuật sân khấu dân tộc như chèo, hát bội và nhất là cải lương. Sau khi cùng gia đình đi định cư ở Mỹ lúc 13 tuổi. Dù biết rằng không thể thực hiện giấc mơ trở thành kép cải lương của mình, tôi vẫn luôn ấp ủ giấc mơ một ngày nào đó sẽ làm một dự án mà có cải lương trong đó. Và khi quyết định làm bộ phim điện ảnh đầu tay, tôi nghĩ ngay đến việc đưa cải lương vào kịch bản của mình.

Chú thích ảnh
Đạo diễn Leon Quang Le

* Kịch bản này đến từ anh, hay từ gợi ý của nhà sản xuất Ngô Thanh Vân?

- Kịch bản này do tôi và nhà văn Nguyễn Thị Minh Ngọc cùng chắp bút. Từ ý tưởng sơ khởi cách đây khoảng 7 năm, cho tới kịch bản quay đã trải qua rất nhiều thay đổi từ cốt truyện, nhân vật. Trong suốt quá trình này, việc tôi chú tâm nhất đó là hoàn thiện kịch bản theo đúng ý của mình, làm sao khỏi bị sự chi phối bởi người đầu tư và sản xuất.

Tôi không viết kịch bản theo đơn đặt hàng. Chính vì thế mà sau đó, tôi phải mất gần một năm để huy động vốn. Đa số các nhà sản xuất đều từ chối với câu trả lời tương tự: “Làm phim hài đi! Phim bi, mà lại đề tài cải lương, không ai xem đâu”. Ngô Thanh Vân là nhà sản xuất sau cùng mà tôi gửi kịch bản. Và tôi hoàn toàn bất ngờ khi Vân lập tức hồi đáp chỉ sau 2 ngày, với câu trả lời: “Em sẽ làm Song lang. Và em sẽ không cắt gì trong kịch bản của anh hết”.

* Tại sao anh chọn cải lương của thời điểm 1980, mà không phải bây giờ, hay thập niên hoàng kim 1950-1960?

- Không chọn thời điểm hiện tại, vì tôi không còn tha thiết, nếu không nói là chán ghét với phong cách cải lương bây giờ. Hay nói đúng hơn, tôi chán ghét từ thập niên 1990, khi mà video cải lương bắt đầu tràn lan và dần mất đi những tố chất nghệ thuật đã từng làm tôi say đắm.

Cải lương thập niên 1980 theo tôi là đẹp nhất. Đây cũng là lúc mà tôi sống và lớn lên ở Việt Nam. Tôi tự tin hơn khi kể về những gì mà mình thật sự từng trải nghiệm, được tai nghe mắt thấy. Những Bạch Tuyết - Thanh Sang với Kiều Nguyệt Nga, Thanh Vy - Phương Quang với Nàng Xê-đa, Lệ Thủy - Minh Vương với Tô Ánh Nguyệt, Kiều Phượng Loan với Truyền thuyết về tình yêu, Thanh Kim Huệ - Thanh Điền với Ngao sò ốc hến… Đây là lúc cải lương đã in vào tâm thức tôi, mà đến bây giờ, mỗi lần xem lại vẫn làm cho tôi thổn thức.

Chú thích ảnh
Leon Quang Le chỉ đạo diễn xuất trong phim “Song lang”

* Có ý kiến cho rằng phim của anh có cảm hứng từ phim “Bá Vương biệt Cơ”. Anh nghĩ sao về ý kiến này?

- Tôi có thể hiểu vì sao có sự so sánh qua màu sắc hình ảnh của cải lương tuồng cổ của Việt Nam và kinh kịch của Trung Quốc, nhưng ngoài chi tiết đó ra thì hai phim không liên quan đến nhau chút nào.

Nếu phải nói có những bộ phim hay, hoặc những đạo diễn mà tôi ngưỡng mộ thì rất nhiều. Nhưng còn lấy cảm hứng từ một bộ phim nào nó để dựa vào mà viết ra Song lang thì không. Phần lớn cốt truyện phim và nhân vật đều được lấy cảm hứng từ kinh nghiệm bản thân và những người mà tôi đã từng gặp trong đời mình.

* Những yếu tố nào theo anh sẽ là sức hút với khán giả không thích cải lương?

- Có những thể loại phim bạn có thể thỉnh thoảng lo ra một tí, xem tin nhắn, hoặc lướt Facebook… rồi ngẩng lên xem tiếp. Song lang không thuộc thể loại này. Nó đòi hỏi sự chú ý, tập trung vì phần lớn những chi tiết, những mấu chốt câu chuyện, diễn biến tâm lý được cài đặt khá “chìm”, không ào ào, rần rần nhằm đập vào mắt người xem.

Một trong những khó khăn mà tôi cũng phải cân bằng đó chính là thời lượng của cải lương trong phim. Nó phải vừa đủ để thỏa mãn các khán giả yêu cải lương, nhưng cùng lúc không làm những người không thích bộ môn này khó chịu. Phần hình ảnh, âm nhạc của sân khấu cải lương cũng được tỉ mỉ trau chuốt, đầu tư để các khán giả dù không phải là người mộ điệu vẫn có thế cảm nhận được cái đẹp, cái đặc thù của bộ môn nghệ thuật tuyệt vời này.

* Trân trọng cảm ơn anh. Chúc phim đầu tay của anh sẽ thành công.

Vài nét về Leon Quang Le

Leon Quang Le là một trong những vũ công/diễn viên nhạc kịch gốc Việt hiếm hoi với gần 20 năm hoạt động tại New York, Hoa Kỳ. Ngoài ra, anh còn là nhà biên kịch và đạo diễn phim “không trường lớp” như anh tự nhận.

Hai phim ngắn Dawn, Talking To My Mother của anh được góp mặt trong hơn 80 liên hoan phim ngắn trên thế giới, đoạt nhiều giải thưởng quan trọng như Phim ngắn hay nhất, Đạo diễn xuất sắc nhất… Trong vai trò diễn viên, từ 10 năm nay, anh đã về Việt Nam tham gia các phim như: Những nụ hôn rực rỡ, Cho một tình yêu, Khát vọng Thăng Long, Ngọc Viễn Đông…

"Ngao sò ốc hến" khép lại lịch sử rạp Hưng Đạo

Tối nay 25/9, vở cải lương Ngao sò ốc hến (tác giả: NSND Nguyễn Thành Châu, đạo diễn: Trần Minh Ngọc) “phiên bản mới”, do báo Sân khấu TP.HCM tổ chức, sẽ ra mắt khán giả tại rạp Hưng Đạo.

Như Hà (thực hiện)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm