Đạo diễn Hoàng Thiên và chương trình mới tại Hội An: Đưa xe cổ, nhạc cổ trở về… phố cổ

05/09/2019 14:00 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Ngày 7 và 8/9 tới, chương trình Nhạc cụ dân tộc và xe cổ - Hành trình di sản sẽ diễn ra tại Hội An với sự tham dự của gần 200 nghệ sĩ và gần 150 xe cổ các loại. Đây là một điểm nhấn quan trọng trong chuỗi sự kiện kỷ niệm 20 năm ngày phố cổ Hội An và khu di tích Mỹ Sơn được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa thế giới.

Đạo diễn Hoàng Thiên Trụ: Sự khác biệt của "Em hiền như ma-sơ"

Đạo diễn Hoàng Thiên Trụ: Sự khác biệt của "Em hiền như ma-sơ"

Hôm nay, 17/12, bộ phim hài - hành động Em hiền như ma-sơ (KB-ĐD: Hoàng Thiên Trụ) sẽ khởi chiếu trên toàn quốc nhân dịp Noel, với hy vọng “sẽ thu về 10 tỷ đồng trong tuần đầu công chiếu” như lời của đạo diễn.

Bên cạnh phần nhạc cụ dân tộc do nghệ sĩ Ngô Hồng Quang đảm trách, đạo diễn Hoàng Thiên sẽ dàn dựng phần diễu hành xe cổ. Thực tế, anh đã nhiều lần dàn dựng mô hình kết hợp xe cổ và di sản theo cách này, trong đó có sự kiện Xe cổ ba miền cùng hành trình di sản vào năm 2009 tại Hội An, với sự tham dự của nhiều hoa hậu trên thế giới.

Thể thao &Văn hóa (TTXVN) có cuộc trò chuyện với đạo diễn Hoàng Thiên:

* Ý tưởng kết hợp xe cổ và nhạc cụ dân tộc (tạm gọi là “nhạc cổ”) đến với các anh như thế nào?

- Ý tưởng ban đầu là bản sắc các dân tộc hội ngộ trong lòng phố cổ, nhưng vì đầu tư cho sự kiện này quá lớn, nên ban tổ chức đã chốt lại bằng việc mời nghệ sĩ đa tài Ngô Hồng Quang cùng các nghệ nhân trình diễn. Nhìn về mặt quy mô thì sự kiện có vẻ thu hẹp lại. Nhưng đến nay, chính sắc thái âm nhạc dân gian kết hợp với tinh thần đương đại của Ngô Hồng Quang lại giúp nó mở rộng ra và trở thành một điểm nhấn cho sự kiện và du lịch Quảng Nam.

Nếu phần âm nhạc đại diện cho yếu tố tĩnh, thì xe cổ sẽ là yếu tố động. Chúng tôi muốn tái hiện lại bức tranh xưa về một phố thị đã đi vào lịch sử, có xe cổ, có nhạc cổ. Đưa xe cổ và nhạc cổ trở về phố cổ giống như chuyện “châu về Hợp Phố”. Sự diễu hành xe cổ từ Mỹ Sơn đến Hội An nói lên tính kết nối, chúng tôi muốn tạo thêm một nhịp đập đặc biệt cho du lịch Hội An và Mỹ Sơn.

Chú thích ảnh

* Nhưng tại sao phải kết hợp xe cổ với nhạc cụ dân tộc, mà không phải là một thể loại nào khác?

- Như đã nói, mọi việc đều có cơ duyên của nó, nhiều khi muốn cưỡng cầu hoặc chối từ cũng không được. Xe cổ kết hợp với nhạc cụ dân tộc, nghe có vẻ lạ đời, nhưng về mặt hình ảnh thì rõ ràng có sự mới lạ hơn các sự kiện khác.

Về mặt ý nghĩa, chúng có mối quan hệ dù gián tiếp, nhưng thiết thân, vì tất cả đều nhằm phục vụ đời sống tinh thần của con người. Xe cổ đã không còn là phương tiện đi lại thông thường, cũng như nhạc cụ dân tộc vậy, chúng vượt qua tính giải trí để thành ký ức và di sản. Ngồi nghe một nhạc cụ dân tộc, cũng như nhìn sự chuyển động của xe cổ, là cách để chiêm vọng lại quá khứ.

Chú thích ảnh
Hoa hậu Mai Phương Thúy tại sự kiện “Xe cổ ba miền cùng hành trình di sản” năm 2009, do Hoàng Thiên lên ý tưởng và đạo diễn

Chú thích ảnh

* Nhìn lại, vào năm 2007, anh từng nghĩ ra việc tổ chức diễu hành xe cổ tại Hội An. Mọi thứ bắt đầu thế nào?

- Từ một dịp tham gia sự kiện xe vespa cổ tại Đà Lạt năm 2006, tôi thầm nghĩ ở Việt Nam chưa có một sân chơi chung cho các anh chị em yêu xe cổ. Tôi cũng nghĩ rằng xe cổ thì cần phải được tổ chức một nơi đúng nghĩa với nó, như không gian xưa, có tính hoài cổ. Sau đó tôi có duyên lành quen với chú Nguyễn Thành Sang, một người Hội An, tại biển Cửa Đại (Hội An), chú thích ý tưởng này nên cùng lên kế hoạch tổ chức. Chính chú đã đề nghị kết hợp xe cổ vào sự kiện Hành trình di sản Quảng Nam, sau đó thành một hình ảnh đẹp trong chuỗi sự kiện của tỉnh này. Năm 2009 chúng tôi làm lần thứ hai, tạo được sự thu hút đáng kể với công chúng.

Chú thích ảnh

* Trong cái nhìn của một đạo diễn, theo anh, Hội An và Mỹ Sơn cần thêm những sự kiện dạng nào để kết nối du khách và người dân địa phương?

- Tôi nghĩ cần tổ chức theo dạng lễ hội và sự kiện song hành, để làm sao tính chính thống vẫn có, mà chất tự do của du lịch phải nhiều hơn, để du khách và dân địa phương dễ dàng tham gia. Thẳng thắn nhìn nhận thì du khách và dân địa phương rất khó vào tham gia nhiều lễ hội tại Việt Nam hiện nay, vì riêng khách mời thôi đã chật chỗ.

Lễ hội và sự kiện phải có kế hoạch từ nhiều năm trước, như vậy công tác tìm tài trợ, đồng hành, quảng bá… mới thuận lợi. Không riêng gì Hội An, mà đa số lễ hội tại Việt Nam đều để “nước đến chân mới nhảy”, nên khá bị động. Phải làm sao để lễ hội, sự kiện trở thành một nhu cầu đầu tư của xã hội hóa, của tư nhân thì mới tạo ra được động lực phát triển. Các sự kiện phải tạo ra được nhiều sản phẩm dịch vụ kèm theo, nhiều bên cùng có lợi, mà ít tốn kém ngân sách.

* Xin cảm ơn anh về cuộc trò chuyện này.

Như Hà (thực hiện)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm