Đạo diễn Hoàng Nhật Nam muốn được giám định hai tác phẩm 'Tinh hoa Bắc Bộ' và 'Ngày xưa'

27/03/2019 15:06 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Ngày 25/3, đạo diễn Hoàng Nhật Nam có buổi chia sẻ với báo giới về vụ tranh chấp quyền sở hữu trí tuệ giữa Công ty Tuần Châu Hà Nội và Công ty DS của đạo diễn Việt Tú. Sau khi vở Tinh hoa Bắc Bộ bị tuyên là tác phẩm phái sinh của vở Ngày xưa (Việt Tú đạo diễn), công ty Tuần Châu gửi đơn kháng cáo.

Vụ kiện 'Tinh hoa Bắc Bộ': Sẽ xem xét quyền lợi, nghĩa vụ liên quan của đạo diễn Hoàng Nhật Nam trong vụ kiện khác

Vụ kiện 'Tinh hoa Bắc Bộ': Sẽ xem xét quyền lợi, nghĩa vụ liên quan của đạo diễn Hoàng Nhật Nam trong vụ kiện khác

Sau khi Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội tuyên bản án sơ thẩm ngày 20/3 đối với vụ kiện kinh doanh thương mại về tranh chấp quyền sở hữu trí tuệ giữa nguyên đơn là Công ty cổ phần Tuần Châu Hà Nội (viết tắt là Tuần Châu) và bị đơn là Công ty truyền thông DS (viết tắt là DS) do đạo diễn Nguyễn Việt Tú làm Giám đốc, Công ty Tuần Châu đã có đơn kháng cáo bản án sơ thẩm.

Là người thực hiện vở Tinh hoa Bắc Bộ, Hoàng Nhật Nam bức xúc trước việc không nhận được thông báo có mặt tại phiên tòa. "Tôi là người có quyền và nghĩa vụ liên quan, song lại không được mời tham gia vụ xét xử để nói lên quan điểm. Đó là sự áp đặt, không cho tác giả quyền bảo vệ đứa con nghệ thuật của mình", anh chia sẻ.

Chú thích ảnh
Đạo diễn Hoàng Nhật Nam

Tòa án Nhân dân TP Hà Nội đưa ra phán quyết dựa trên kết luận từ một số cô chú thuộc Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam. Tuy nhiên, theo Hoàng Nhật Nam, Nghệ sỹ Nhân Dân Lê Chức - người đã ký tên trên văn bản gửi Tòa - đã chia sẻ trên VN Express ngày 22/03/2019 là ý kiến về “phái sinh” của ông cũng chỉ mang ý nghĩa tham khảo. Đạo diễn này cũng cho rằng, tòa đã bỏ quên một cứ liệu quan trọng: Tinh hoa Bắc Bộ từng được Cục Bản quyền Tác giả cấp giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả năm 2017. "Điều này chứng tỏ đây là một tác phẩm độc lập, không sao chép, ăn cắp ý tưởng từ vở nào", đạo diễn chia sẻ.

Hoàng Nhật Nam mong sau khi Tòa án Nhân dân Thành Phố Hà Nội thụ lý đơn kháng cáo sẽ thành lập hội đồng giám định hai tác phẩm một cách đúng quy định pháp luật "Hội đồng cần được cung cấp đầy đủ cơ sở dữ liệu, phương pháp, trình độ chuyên môn, đúng với quy định giám định hiện hành", anh bày tỏ quan điểm. Theo anh, cái khó ở đây là cả hai vở đều chưa có bản dựng video chính thức. Thời gian tới, đạo diễn này đề nghị Công ty Tuần Châu Hà Nội công bố video của hai vở để rộng đường dư luận.

Hoàng Nhật Nam cho biết anh từng không muốn thực hiện vở Tinh hoa Bắc Bộ vì ngại mâu thuẩn trước đó giữa đạo diễn Việt Tú và đơn vị đầu tư. Sau đó, nghe chủ đầu tư thuyết phục về một show diễn đậm giá trị văn hóa, quảng bá du lịch cho khách nước ngoài tại Hà Nội về đêm. Anh nhận lời vào tháng 6/2017 và ra mắt vào tháng 10. Anh khẳng định vở của anh hoàn toàn khác biệt so với vở Ngày xưa của Việt Tú.

"Tôi tuyển 50% diễn viên là sinh viên các trường múa, 50% còn lại là nông dân đã ký hợp đồng là nhân viên của Tuần Châu Hà Nội. Khác với vở của Việt Tú, yếu tố giải trí của tác phẩm tôi chiếm đến 90%, với các chi tiết như thiếu nữ hiện ra từ tranh tứ bình tố nữ, thiếu nữ Bắc Bộ duyên dáng với áo yếm dưới trăng, ánh trăng trôi tự nhiên sau các lũy tre, vũ khúc dân chài mang tính sắp đặt và trình diễn âm thanh, sĩ tử đi thi, đại cảnh múa như bồng lai tiên cảnh, thiền sư Từ Đạo Hạnh xuất hiện trong phần trình diễn laser như một dấu ấn của tâm linh, thuyền rồng quan họ… nghệ thuật múa đương đại kết hợp âm nhạc theo nhiều màu sắc đa dạng từ những âm thanh thô mộc của đời sống", anh chia sẻ.

Vở Ngày xưa diễn rối nước rất nhiều gần như suốt chương trình, còn tiết mục rối nước trong Tinh hoa Bắc Bộ chỉ kéo dài sáu phút. Hai yếu tố âm nhạc và vũ đạo trong vở Tinh hoa Bắc bộ rất đậm đà, theo nam đạo diễn. Nhạc sĩ Hồ Hoài Anh đã thực hiện toàn bộ phần nhạc cho show, John Huy Trần đảm nhận phần biên đạo. "Nếu có điểm giống nhau ở hai vở, thì là công trình kiến trúc tại đây. Ý tưởng làm show thực cảnh dưới nước đã được một số đạo diễn trên thế giới áp dụng, và Trương Nghệ Mưu mới là “thánh” của loại hình này", anh nêu quan điểm.

Vở Tinh hoa Bắc Bộ chịu nhiều nghi vấn sao chép ý tưởng từ phía ekip Việt Tú vì được hoàn thành trong thời gian khá nhanh (khoảng 5 tháng). Theo Hoàng Nhật Nam, điều này phụ thuộc vào hai yếu tố: phần cứng và phần mềm của tác phẩm. Phần cứng về kiến trúc hạ tầng, công trình... mất nhiều thời gian xây dựng. Còn phần mềm bao gồm kịch bản, âm thanh ánh sáng, âm nhạc, trang phục… phụ thuộc vào kỹ năng của êkíp. Ngoài ra, đạo diễn này thực hiện tác phẩm theo hình thức vừa sáng tạo, vừa tập, chia thành nhiều ekip làm cuốn chiếu, sau đó vừa trình diễn vừa hoàn chỉnh. Hiện, sau một năm rưỡi sáng đèn, vở này vẫn đang được bổ sung, chỉnh sửa.

Năm 2018, Hoàng Nhật Nam từng gửi đơn kiện Việt Tú, yêu cầu "chấm dứt hành vi xâm phạm đến danh dự, đồng thời phải công khai xin lỗi trên truyền thông". Sau đó, anh rút đơn kiện. Lý giải điều này, đạo diễn cho biết thời điểm đó, anh phải đưa con trai sang Mỹ du học và chăm sóc vợ sinh con nhỏ ở nước ngoài, sợ sẽ gặp khó khăn về thời gian và tâm trí không được thoải mái. Vừa qua, anh đã gửi lại đơn khởi kiện đạo diễn Việt Tú với nội dung tương tự và được TAND quận Bình Thạnh, TP HCM thụ lý. "Tôi đã hao tổn về thời gian quá nhiều cho show này và cho cả vụ kiện. Tuy nhiên, tôi không đòi hỏi đền bù về kinh tế mà chỉ muốn chứng minh tác phẩm của mình không phải là tác phẩm phái sinh", anh chia sẻ.

“Tôi bị anh Việt Tú hay nói trên các phương tiện truyền thông là tôi trẻ với cách nói rất miệt thị. Tôi trẻ thì có tội sao? Tôi là cử nhân Ngữ văn - báo chí, thạc sỹ văn học Việt Nam, cử nhân Đại học Sân khấu Điện ảnh TP Hồ Chí Minh. Tôi nghĩ với trình độ của mình tôi đủ tự hào và tự trọng để phải biết làm nghệ thuật thế nào cho đúng. Bây giờ tôi chỉ muốn được nói lên tiếng nói của mình để Tòa án Nhân dân Thành phố Hà Nội có cái nhìn chính xác và công chúng hiểu hơn về tôi và tác phẩm văn hóa mang tên Tinh hoa Bắc Bộ” - đạ diễn Hoàng Nhật Nam nói.

B. Phương

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm