Đại sứ Phạm Sanh Châu: 'Mặc áo dài để mọi người biết tôi là người Việt Nam'

21/01/2020 14:00 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Trong rất nhiều sự kiện quốc tế quan trọng, người ta luôn thấy Đại sứ Phạm Sanh Châu diện áo dài truyền thống của Việt Nam. Hỏi lý do vì sao thích áo dài, ông rất hào hứng, “tôi muốn nói cho mọi người biết tôi là người Việt Nam và ở đây, hôm nay, đang có đại diện của một quốc gia mang tên Việt Nam. Khi tôi mặc áo dài nhiều người muốn đến nói chuyện với tôi hơn, cơ hội tiếp xúc, kết nối tăng lên...”

Đại sứ Phạm Sanh Châu: Miệt mài thúc đẩy phát triển du lịch Việt - Ấn

Đại sứ Phạm Sanh Châu: Miệt mài thúc đẩy phát triển du lịch Việt - Ấn

Trong hành trình Famtrip “Theo dấu chân Đức Phật” do Gotadi tổ chức nhân dịp Hãng hàng không Ấn Độ IndiGo mở đường bay thẳng Kolkata – Hà Nội (từ 3/10/2019) và Kolkata – TP.HCM (từ 18/10/2019), chúng tôi đã có may mắn gặp gỡ Đại sứ Phạm Sanh Châu.

Đại sứ Phạm Sanh Châu từng đi tới hơn 100 quốc gia, từng sống, học tập và làm việc nhiều năm ở nước ngoài. Ông luôn tâm huyết với chiến lược ngoại giao văn hóa. Hiện tại, đảm nhiệm cương vị Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Ấn Độ, kiêm nhiệm Nepal và Bhutan, Đại sứ Phạm Sanh Châu vẫn tiếp tục các hoạt động kết nối văn hóa không ngừng nghỉ.

Tôi từng gặp và phỏng vấn Đại sứ Phạm Sanh Châu từ hơn chục năm trước. Nhưng có lẽ, cuộc trò chuyện lần này với ông khá đặc biệt vì không gian cuộc trò chuyện là ở bên ngoài biên giới Việt Nam, trên chuyến xe hành hương “Theo dấu chân Đức Phật” ở Ấn Độ, Nepal.

“Triển khai sức mạnh mềm của Việt Nam”

* Trong nhiều cuộc trò chuyện cũng như trả lời phỏng vấn trên báo chí, ông đều thẳng thắn bày tỏ quan điểm coi trọng ngoại giao văn hóa. Ở giai đoạn hiện nay, theo ông ngoại giao văn hóa có vai trò như thế nào?

- Nếu cứ nói mãi là ngoại giao văn hoá rất quan trọng thì nghe khách sáo quá. Nói thế này cho dễ hiểu nhé: so với các nước trên thế giới, Việt Nam mình không phải là siêu cường hay trung cường gì nên không có sức mạnh quân sự để gây ảnh hưởng mà cũng chẳng có sức mạnh kinh tế để thu hút các nước khác nhằm tạo vị thế quốc tế. Vốn liếng ông bà tổ tiên để lại là một lịch sử hào hùng chống giặc ngoại xâm và một hệ các giá trị nhân văn có sức lan toả và hấp dẫn.

Do đó để định vị được mình là ai trên bản đồ gồm hơn 200 quốc gia trên thế giới và giữ gìn bản sắc riêng của mình trong một thế giới ngày càng phẳng, chúng ta cần phải bước vào cuộc chơi trong đó sử dụng sức mạnh mềm là chính. Và ngoại giao văn hoá là một mặt trận để triển khai sức mạnh mềm của Việt Nam.

Chú thích ảnh
Đại sứ Phạm Sanh Châu mặc áo dài trong chuyến công tác ở Bhutan

* Hơn 30 năm công tác trong ngành ngoại giao, từng đảm nhận vai trò Tổng thư ký Ủy ban Quốc gia UNESCO của Việt Nam, ông đã có những đóng góp đặc biệt trong hành trình đưa nhiều di sản vật thể, phi vật thể của Việt Nam trở thành di sản thế giới. Ông có thể chia sẻ về hành trình quảng bá giá trị văn hóa Việt – sức mạnh mềm như ông vừa nói - ra thế giới?

- Trong bất kỳ cuộc chơi nào cũng vậy, nếu anh biết luật chơi, biết tổ chức lực lượng để chơi tốt, anh sẽ là người thắng cuộc. Là một người làm lâu năm trong lĩnh vực này, biết tích luỹ kinh nghiệm, chịu khó học hỏi và xây dựng các mối quan hệ quốc tế, tôi đã tận dụng mọi cơ hội để quảng bá giá trị và văn hoá Việt.

Đối với tôi đây không phải chỉ là nhiệm vụ chính trị mà còn là một niềm đam mê, một sứ mệnh mình được may mắn gánh vác. Khi có niềm đam mê thì lúc nào và ở đâu bạn cũng nhìn thấy cơ hội để thực hiện mong ước của mình.

Vì vậy tôi nhìn thấy ở quê hương Việt Nam rất nhiều di sản, rất nhiều giá trị nhân văn cao đẹp mà mình cần phải giới thiệu cho bạn bè quốc tế biết. Ví dụ như chúng ta đến thăm các tấm bia ghi danh Tiến sĩ thời Lê - Mạc ở Văn Miếu suốt hàng trăm năm qua nhưng đâu có ngờ có ngày nó được vinh danh trên thế giới là di sản tư liệu lưu, giữ lại ký ức cho nhân loại về một thời đại tôn trọng và lựa chọn người hiền tài qua các kỳ thi tiến sĩ để giữ các vị trí trọng trách của đất nước.

* Nhiều người nói, hầu hết các di sản văn hóa thế giới của Việt Nam đều có dấu ấn của Đại sứ Phạm Sanh Châu. Thực tế, di sản nào khiến ông tốn nhiều tâm sức nhất?

- Chính xác là vào thời kỳ của tôi, thế giới, thông qua UNESCO, nhận thức và quan tâm nhiều hơn đến di sản và cũng có nhiều công ước mới về di sản phi vật thể, di sản tư liệu, di sản địa chất...

Do công tác lâu năm trong lĩnh vực này và có lợi thế về ngoại ngữ nên tôi đã cùng đồng nghiệp tìm được cách thức để xây dựng và bảo vệ các hồ sơ di sản của Việt Nam và xây dựng một nếp làm và quy trình đệ trình thường xuyên. Sau này anh em cứ thế mà làm thôi.

Di sản lao tâm nhất chính là hồ sơ Hoàng thành Thăng Long. Năm nay kỷ niệm đúng 10 năm di sản này được UNESCO công nhận. Nếu nhìn vào độ “hoành tráng” thì di sản Hoàng thành Thăng Long “thua xa” các di sản văn hoá khác như Quần thể Di tích cố đô Huế, phố cổ Hội An… về quy mô. Nhưng vẻ đẹp của di sản này nằm ở các tầng khảo cổ còn vùi sâu dưới lòng đất và là minh chứng hùng hồn rằng nơi đây chính là trung tâm quyền lực chính trị và quân sự của Việt Nam, xuyên suốt 13 thế kỷ qua.

Để thuyết phục được các nước có quyền bỏ phiếu công nhận Hoàng thành Thăng Long là Di sản Văn hoá Thế giới thì đó là điều rất khó khăn vì họ không nhận thấy ngay được “Giá trị nổi bật toàn cầu” của di sản mà phải trình bày và giải thích rất nhiều. Hơn nữa lúc đó chúng tôi lại chịu sức ép phải làm sao có chứng nhận Di sản Thế giới đúng lúc để Đại lễ Kỷ niệm 1000 Thăng Long có ý nghĩa thiết thực và khơi dậy được lòng tự hào dân tộc.

Chú thích ảnh
Đại sứ Phạm Sanh Châu trong chuyến công tác tại Nepal

“Đại sứ Du lịch” Việt - Ấn

* Hiện tại, với cương vị Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Ấn Độ, Nepal, Bhutan, ông còn được mệnh danh là “Đại sứ du lịch”. Nhưng con đường kết nối du lịch Việt - Ấn có vẻ không dễ dàng, thưa ông?

- Hiện tại tôi công tác tại một địa bàn hoàn toàn khác so với trước đây và nhiệm vụ cũng đa dạng và nặng nề hơn trong đó bao gồm cả việc thúc đẩy du lịch. Nói chính xác thì việc này vừa khó vừa không khó.

Khó là vì chẳng ai muốn đến thăm một đất nước mà nếu chỉ đọc tin về Ấn Độ thì suốt ngày thấy tin tiêu cực như hiếp dâm tập thể, cháy nhà, đổ tàu chết người hàng loạt, chí ít thì bụi, ô nhiễm nghiêm trọng... Còn đối với nhiều người Ấn thì Việt Nam còn nghèo và lạc hậu. Bạn bè Ấn Độ vẫn khâm phục Việt Nam giỏi đánh giặc chứ ít biết đến thành công của đổi mới và phát triển kinh tế.

* Những đám cưới tiêu tốn hàng triệu USD của các tỉ phú Ấn Độ ở Việt Nam được truyền thông chú ý năm qua. Ông đã làm thế nào để thuyết phục các tỉ phú Ấn Độ tới Việt Nam?

- Tôi đã kể câu chuyện này nhiều lần rồi. Tôi chỉ muốn nhấn mạnh rằng khi chúng tôi định hướng rằng phải đưa bằng được các đám cưới tỉ phú Ấn Độ, một thương hiệu mang tính quốc tế, vào Việt Nam và quyết tâm, kiên trì làm thì sẽ có kết quả. Đương nhiên cũng là may mắn nữa vì có lúc thuyết phục thành công và có nhiều lúc không thành công.

Thuyết phục thành công khi họ thấy Việt Nam là điểm mới, lạ nên họ nghe theo mình. Thuyết phục không thành công là họ thấy thị trường ở Việt Nam mới quá không biết có làm nổi không, có kinh nghiệm tổ chức đám cưới kiểu Ấn Độ không, có khách sạn 5 sao cho 700 đến 1000 người ở cùng một lúc không, có đồ ăn Ấn Độ không, hải quan Việt Nam có cho phép họ mang vàng, kim cương vào đeo khi dự cưới rồi được mang ra không?... Và để an toàn, họ nói thôi không tổ chức ở Việt Nam vì đám cưới chi hàng chục triệu đô, là chuyện trăm năm, là hình ảnh vị thế của gia đình, dòng tộc nên phải đảm bảo chắc chắn thành công mới làm!

* Theo ông, thời gian tới du lịch Việt Nam - Ấn Độ có cơ hội để tiếp tục tăng trưởng không?

- Bí quyết của việc thúc đẩy du lịch thành công nằm ở 2 điểm: có đường bay thẳng và quảng bá thường xuyên, liên tục các địa điểm du lịch ở cả Việt Nam và Ấn Độ. Chúng tôi đã mở được 2 tuyến bay thẳng: từ New Delhi đi Hà Nội và TP Hồ Chí Minh và từ Kolkata bay thẳng Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, qua đó kết nối thẳng với Bangaluru, Thủ phủ IT của châu Á và kết nối trực tiếp với Bohgaya, Thánh địa của Phật giáo nơi Đức Phật đắc đạo.

Để vinh danh Tết, Áo dài Việt Nam

* Trong rất nhiều sự kiện quốc tế quan trọng, tôi thấy ông đều mặc áo dài Việt. Điều đó có ý nghĩa thế nào, thưa ông?

- Tôi muốn nói cho mọi người biết tôi là người Việt Nam và ở đây, hôm nay, đang có đại diện của một quốc gia mang tên Việt Nam. Khi tôi mặc áo dài tôi thấy mình nghiêm túc hơn và trang trọng hơn. Khi tôi mặc áo dài nhiều người muốn đến nói chuyện với tôi hơn, cơ hội tiếp xúc, kết nối tăng lên. Khi tôi mặc áo dài nhiều người hơn đến xin chụp ảnh tôi và như vậy cơ hội quảng bá cho Việt Nam sẽ nhiều hơn. Tôi thấy mặc áo dài vừa đẹp vừa giữ bản sắc dân tộc lại vừa được lợi trăm bề!

* Nhiều cái Tết xa quê, ông và gia đình thường đón Tết như thế nào?

- Mỗi lần Tết đến tôi lại nhớ Hà Nội, nhớ Việt Nam da diết vì Hà Nội vào dịp Tết rất đẹp và rất đặc biệt. Do điều kiện công tác không thể về quê đón Tết nên tôi thường theo dõi và đọc tất cả các tin liên quan đến chữ Tết. Từ giá cả hoa đào, cây quất đến các chuyến đi du lịch dịp Tết, rồi chương trình giải trí dịp Tết, đặc biệt là Táo quân, rồi việc chuẩn bị đón Tết của nhân dân từ người giàu đến người nghèo, từ thưởng Tết ít đến thưởng Tết nhiều...

Tóm lại, Tết đối với tôi là một câu chuyện năm nào cũng được kể nhưng luôn mới, hay và hấp dẫn. Nếu có điều kiện không bao giờ tôi rời Hà Nội hay Việt Nam vào dịp Tết bởi nó thú vị lắm. Tôi tin và hy vọng sớm có một ngày các cơ quan liên quan của Việt Nam sẽ trình UNESCO để vinh danh Tết cũng như Áo dài Việt Nam là Di sản Phi vật thể Đại diện của Nhân loại.

* Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!

“Tôi tin và hy vọng sớm có một ngày các cơ quan liên quan của Việt Nam sẽ trình UNESCO để vinh danh Tết cũng như Áo dài Việt Nam là Di sản Phi vật thể Đại diện của Nhân loại” (Phát biểu của Đại sứ Phạm Sanh Châu).

Hà Chi (thực hiện)
Thể thao & Văn hóa Xuân Canh Tý

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm