Đại lão họa sĩ Dương Cẩm Chương: Thong dong qua tuổi 100

13/02/2011 13:36 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH) - Bác sĩ - họa sĩ Dương Cẩm Chương sinh ngày 19/12/1911, theo Âm lịch thì ông đã 101 tuổi, còn theo cách tính thông thường thì “chuyện trăm năm” đã đủ. Thế nhưng, hôm tôi đến nhà, thấy ông vẫn khỏe mạnh và tinh anh, ngồi bàn bạc với nhà điêu khắc Phạm Văn Hạng về ngôi mộ của chính mình, nơi mà ông sẽ được nằm gần với cha của mình là nhà chí sĩ Dương Bá Trạc và chú ruột là học giả Dương Quảng Hàm. Câu chuyện với ông bắt đầu từ quan niệm về cái chết.

Trong sinh nhật lần thứ 100 của lão nghệ sĩ này, bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc hỏi ông có bao giờ nghĩ tới cái chết không? Dương Cẩm Chương trả lời: “Không bao giờ nghĩ đến cái chết. Tự nhiên phải thế. Lỗi tạo hóa. Đã sinh cái sống ra lại sinh cái chết. Tạo hóa không phải là một kỹ sư giỏi. Tôi thích sống sao cho giống với câu nói, lúc sinh, một mình mình khóc mà mọi người cười, lúc chết, mọi người khóc còn mình cười”.

100 năm không bệnh tật

Thuộc thế hệ người Việt đầu tiên học y khoa dưới thời Pháp thuộc, cùng thời với bác sĩ Tôn Thất Tùng, “đàn anh” của bác sĩ Nguyễn Khắc Viện, Bửu Tâm và nhiều danh gia khác...; Dương Cẩm Chương nói mình “thọ nhất” là nhờ không biết đến 3 thứ: đau ốm, giận hờn, tiền bạc.

Dương Cẩm Chương ở tuổi 100
Dương Cẩm Chương kể: “Cả đời, chỉ đến năm 85 tuổi bị té vỡ sọ thì mới vào nằm viện lần đầu, còn bệnh tật, hình như nghe tôi là bác sĩ, nên cũng né tránh từ xa. Cái không này giúp thân khỏe để đi được đến trăm năm. Cái không thứ hai giúp cho tâm trí rảnh rang, có thể sống vui mọi lúc mọi nơi. Tôi không biết giận ai, nên cũng không biết giận hoàn cảnh - dù đời tôi trải qua nhiều hoàn cảnh mà theo thiên hạ là rất đáng giận. Còn về chuyện tiền bạc, từ nhỏ cho tới lúc tốt nghiệp y khoa năm 1938, về làm tại Bệnh viện Lalung Monnaire Saigon, nay là Bệnh viện Chợ Rẫy, cho tới lúc nghỉ hưu năm 1968, rồi sang Pháp, Mỹ sống mấy chục năm, tôi đều không bận tâm đến tiền, vì tôi sống bằng tiền lương - hưu và tiền tiết kiệm từ ngân hàng. Tôi sống thong thả nhưng không phung phí”.

Vẽ tranh có thể giúp sống thọ?

Ông từng nói, nếu biết 5 phút nữa chết, ông vẫn cười, vì nghĩ lại thấy cũng hài lòng khi đã làm được nhiều điều. Đã sống một đời đáng kể. “Tôi thuộc kiểu người lạc quan. Khó khăn ở đời làm cho ta sống có đạo lý. Cái khổ của trần gian là đạo của sự sống”.

Dương Cẩm Chương kể rằng ông mê vẽ từ năm lên 3 tuổi; trong đại gia đình của mình, em họ của ông là danh họa Dương Bích Liên.

Một tác phẩm của Dương Cẩm Chương
Theo bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc: “Vẽ giỏi, toán giỏi, nên khi đỗ bậc 2 (tú tài toàn phần) xong, ông đã tính học ngành kiến trúc để trở thành kiến trúc sư. Tiếc thay thời đó chưa có đại học kiến trúc nên ông... đành phải vào trường thuốc học y khoa. Bạn văn chương cùng thời Trường Bưởi (Hà Nội) với ông là Đoàn Phú Tứ, Phạm Văn Hạnh... của nhóm Xuân Thu nhã tập, còn bạn ở trường thuốc cùng thời là Trần Văn Bảng, Trần Duy Hưng, Đào Huy Hách...”.

Ngay khi ông học trường y, ông đã học dự thính Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương. Sau khi nghỉ hưu, qua Pháp sinh sống, ông tiếp tục theo học mỹ thuật và đã có hơn 20 cuộc triển lãm cá nhân tại Paris. Trong hơn 20 năm hồi hương và hiện sống tại TP.HCM, ông đã thực hiện nhiều triển lãm, ra sách mỹ thuật.

Dương Cẩm Chương cho biết, trong 50 năm cầm cọ, tuần nào ông cũng ra đường vẽ phong cảnh 2 buổi, mỗi buổi vẽ 1 bức tranh; có thể suy ra số tranh mà ông đã vẽ trong 50 năm qua. Riêng Đà Lạt, ông đã vẽ hơn 300 bức; các con phố được đặt tên người thân như Dương Bá Trạc, Dương Quảng Hàm, Dương Tự Quán... ông đều đến vẽ nhiều lần.

Dương Cẩm Chương làm chủ kỹ thuật hội họa, nên rất tự tin trong việc dựng giá vẽ hàng giờ trên các con phố, vốn tấp nập người qua lại. Tranh của ông thuộc trường phái ấn tượng, phần lớn vẽ phong cảnh.

“Tại sao giới họa sĩ thường sống thọ? Nhiều lúc tôi tự hỏi liệu khi đứng trước giá vẽ, có phải vì quên hết để vẽ mà thời gian cũng quên ghi dấu lên tên tuổi mình. Suốt đời, cùng với sự nhiệm màu về 9 tháng trong bụng mẹ, đây là một bí ẩn mà tôi không cắt nghĩa được. Tuy nhiên, tôi vẽ không phải vì cầu sống lâu, mà vì tôi mê từ nhỏ, vậy thôi. 100 năm nhìn lại, không vì mình, không vì người, mà vì cuộc sống - tôi vốn có tình yêu lớn với thiên nhiên”, Dương Cẩm Chương kết luận.

Văn Bảy

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm