Cuộc thi Độc tấu và Hòa tấu nhạc cụ dân tộc toàn quốc năm 2020 diễn ra vào tháng 9

27/03/2020 10:45 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Theo Cục Nghệ thuật biểu diễn (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), cuộc thi Độc tấu và Hòa tấu nhạc cụ dân tộc toàn quốc 2020 dự kiến diễn ra vào tháng 9 tới, tại thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk.

Nhạc cụ dân tộc tham gia Liên hoan âm nhạc bộ gõ Âu - Á

Nhạc cụ dân tộc tham gia Liên hoan âm nhạc bộ gõ Âu - Á

Góp mặt trong Liên hoan âm nhạc bộ gõ Âu - Á (Cracking Bamboo 2012) lần thứ 3, các nhạc cụ truyền thống của Việt Nam (đàn bầu, T’rưng, tì bà) sẽ xuất hiện trong 3 đêm diễn tại Hà Nội và TP.HCM từ 6 - 10/10.

Đối tượng tham dự cuộc thi là các tổ chức, cá nhân nghệ sỹ đang giảng dạy, biểu diễn nhạc cụ dân tộc tại các đơn vị biểu diễn nghệ thuật công lập, ngoài công lập và các cơ sở đào tạo nghệ thuật trong toàn quốc.

Cuộc thi tổ chức thành 4 bảng gồm: Bảng 1: Hòa tấu dành cho các đơn vị kịch hát dân tộc gồm các tổ chức (dàn nhạc, nhóm nhạc) hoạt động trong loại hình sân khấu ca kịch dân tộc, như: tuồng, chèo, cải lương, đờn ca tài tử, dân ca kịch… Bảng 2: Hòa tấu dành cho các đơn vị ca múa nhạc, Học viện Âm nhạc, Nhạc viện, gồm các tổ chức (dàn nhạc, nhóm nhạc) hoạt động trong loại hình ca nhạc dân tộc, như: đơn vị biểu diễn ca múa nhạc, nhạc viện... Bảng 3: Độc tấu dành cho nghệ sỹ thuộc các đơn vị ca múa nhạc, Học viện âm nhạc, Nhạc viện và các nghệ sỹ ngoài công lập. Bảng 4: Độc tấu dành cho nghệ sỹ thuộc các đơn vị kịch hát dân tộc.

Theo Ban Tổ chức, cuộc thi Độc tấu và Hòa tấu nhạc cụ dân tộc toàn quốc 2020 do Cục Nghệ thuật biểu diễn phối hợp với Hội Nhạc sỹ Việt Nam và các đơn vị liên quan tổ chức. Đây là hoạt động nghề nghiệp nhằm tôn vinh, quảng bá, bảo tồn, phát huy các giá trị của âm nhạc, góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

Chú thích ảnh
Độc tấu đàn T'rưng. Ảnh: Internet

Cuộc thi cũng là dịp để các nghệ sỹ biểu diễn nhạc cụ dân tộc tại các đơn vị nghệ thuật, các giảng viên, học sinh, sinh viên đang giảng dạy, học tập chuyên ngành nhạc cụ dân tộc tại các cơ sở đào tạo nghệ thuật thể hiện khả năng cá nhân; giao lưu, trao đổi, học tập kinh nghiệm trong hoạt động nghệ thuật; bảo tồn, gìn giữ, phát huy những tinh hoa âm nhạc truyền thống Việt Nam, từ đó rút ra những bài học về công tác quản lý, đào tạo bồi dưỡng, phát triển tài năng, tìm ra những phương thức hoạt động góp phần thúc đẩy các loại hình âm nhạc truyền thống phát triển trong thời kỳ mới.

Hội đồng Giám khảo cuộc thi gồm các nhạc sỹ, nghệ sỹ, nhà nghiên cứu, quản lý nghệ thuật có uy tín, tài năng, có nhiều đóng góp trong sự nghiệp phát triển ngành nghệ thuật biểu diễn, đặc biệt là chuyên ngành biểu diễn nhạc cụ dân tộc. Giải thưởng cuộc thi gồm: Giấy chứng nhận giải thưởng kèm theo tiền thưởng của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

Phương Lan/TTXVN

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm