Cuộc “nổi gió” của tranh giấy dó đương đại

20/05/2010 13:57 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH) - Ngày mai, 21/5, nhân dịp kỷ niệm 1 năm thành lập, Âu Cơ Gallery (1 ngõ 124/22 Âu Cơ, Tây Hồ, HN) sẽ tổ chức triển lãm Nghệ thuật “dó” Việt đương đại lần thứ nhất. Đây là lần đầu tiên tại VN một triển lãm chuyên đề về chất liệu giấy dó - một chất liệu đặc thù riêng của nền tạo hình VN với sự tham gia của 9 tác giả tên tuổi: Nguyễn Sĩ Bạch, Nguyễn Văn Cường, Lương Xuân Đoàn, Phạm Viết Hoàng Lam, Dương Việt Nam, Nguyễn Quân, Lý Trực Sơn, Phan Cẩm Thượng và Nguyễn Xuân Tiệp.

Ánh sáng nội giới từ chất liệu dân tộc

Trong buổi “áp tranh lên tường” vào chiều hôm qua, 19/5, người viết bài này thực sự đã bị “ngợp” bởi 9 phong cách thể hiện khác nhau trên giấy dó của 9 họa sĩ. Tuy nhiên, cũng cần phải nói thêm rằng, ngoài những lớp lang nổi bật trên giấy dó còn là tình yêu của các nghệ sĩ dành cho một chất liệu dân tộc chưa được sử dụng nhiều trong mỹ thuật.


Tác phẩm trong triển lãm
Bằng chứng là, với chất liệu giấy dó, họa sĩ Dương Việt Nam cho thấy một quan niệm rằng: “Nếu thực sự yêu nó (giấy dó) thì nó trở thành một người bạn, người tình cùng ta suốt đời. Nhưng nếu ta cư xử hời hợt thì ta chả thành một thứ “gió” nào hết”.

Họa sĩ Lương Xuân Đoàn đến được với dó cũng là một cái duyên. Những bức tranh mà ông tham gia trong triển lãm này, theo ông cho biết, đều thể hiện một “ý tưởng” là: “Đời sống cứ tự “đủ” nên “tâm nhàn”. Bởi thế mỗi khi cầm bút vẽ, hình và hồn cùng phiêu phất hòa điệu thật dịu dàng trong không gian màu ngà ngà khó cũ của dó”.

Phải thế chăng mà khi xem tranh ông, cứ thấy chói lên ngũ sắc hay âm thầm đơn sắc từ khu vườn Thiền qua đĩa màu Thiêng thì cái ánh sáng nội giới phảng phất đây đó trong bức họa cứ bất chợt âm u, bất chợt rạng rỡ mà không biết vì đâu.

Triển lãm Nghệ thuật “dó” Việt đương đại lần thứ nhất diễn ra đến hết ngày 4/6 tại Âu Cơ Gallery.

Với họa sĩ Lý Trực Sơn thì dù vẽ với chất liệu nào, tốc độ nào, rất chậm hoặc rất nhanh thì đối với hoạ sĩ khó khăn cũng như nhau. Điều đó không nằm ở vấn đề kỹ thuật mà ở chỗ ta không biết được bằng cách nào sẽ tạo ra cái đẹp và khi nào cái đẹp chịu xuất hiện. Chính bởi nhận thức vậy nên khi quay lại với giấy dó, lần này ông chọn màu tự nhiên làm từ cây lá củ quả và vẽ sao cho giống như giấy dó tự nhuốm màu. Và như ông nói: Hy vọng bày được cái đẹp.


“Dó” đủ phẩm chất làm điểm tựa cho nghệ sĩ

Khi xem những bức họa của họa sĩ Mỹ F. Stella với vài màu giản đơn, thậm chí chỉ có một màu phẳng, họa sĩ Phan Cẩm Thượng rất thích, nhưng không giải thích đuợc tại sao. Ông kể: “Năm 2005, khi lên Tây Tạng, tôi thấy những tranh Thangka vẽ trên vải với các cấu trúc vuông tròn, tôi bắt đầu vẽ những tranh trừu tuợng trên giấy dó theo cấu trúc Madala của tranh Thangka. Song kết quả chủ yếu là thất bại, vì vẽ tranh trừu tượng gần như không có điểm tựa nào, ngoài màu sắc và tính vô hình thể thuần túy. Chất liệu giấy dó với màu tự nhiên cũng gây đuợc những cảm giác về chất và sự thể hiện tính cảm nhất định, nên tôi cứ tiếp tục theo đuổi lối vẽ này. Thành công hay không thì không biết, và cũng không quan trọng. Nhưng loạt tranh này cũng thể hiện được nhiều tâm tư không nói được thành lời”.


Tác phẩm trong triển lãm
Họa sĩ Nguyễn Quân vẽ giấy dó từ đầu những năm 1980. Triển lãm giấy dó của ông với Lý Trực Sơn năm 1989 tại Hà Nội cũng là lần đầu các ông đề nghị dùng thuật ngữ tranh giấy dó, dùng chữ do-paper, thay vì chú thích màu nước hay bột màu... như trước đó. Ông cho rằng giấy dó là loại giấy đặc biệt chỉ có ở Việt Nam với nhiều loại khác nhau. Khả năng biểu hiện của nó độc đáo và phong phú bất ngờ... Nền giấy đóng vai trò rất quyết định tới chất lượng tranh dù vẽ bằng mực Nho, màu nước hay phấn màu. Tận dụng các phẩm chất của giấy với các kỹ thuật khác nhau, họa sĩ có thể có các hiệu quả khác nhau dù vẽ bất cứ cái gì từ chân dung, phong cảnh tới khỏa thân hay trừu tượng. Có lẽ vì nhận ra phẩm chất đó của giấy dó nên đến nay họa sĩ Nguyễn Quân vẫn thường xuyên vẽ giấy dó và sử dụng nó trong cả các bố cục sơn dầu khổ lớn.

“Trong giấy dó có tâm hồn người Việt”

Từ lâu, cùng với sơn mài, lụa, giấy dó là chất liệu có và chứa đựng những tính chất đặc thù riêng của Việt Nam. Nhưng khác với lụa và sơn mài, từ lâu đã được biết đến và trân trọng một cách phổ biến, giấy dó có một vị trí khiêm tốn hơn. Đối với đại chúng, các tác phẩm giấy dó, từ lâu đơn thuần chỉ mang tính chất trang trí ứng dụng. Ngay cả trong số các họa sĩ Việt Nam cũng không có nhiều người coi giấy dó là một chất liệu sáng tác nghiêm túc. Đa số chỉ coi giấy dó là một chất liệu để ghi chép tư liệu hoặc vẽ chơi trong dịp những cao hứng nhất thời?!

Tuy nhiên, ngày nay giấy dó là chất liệu có sức hấp dẫn, lôi cuốn, giàu tính biểu đạt và luôn tạo cảm hứng sáng tạo trong các tác phẩm của rất nhiều họa sĩ đương đại.

Họa sĩ Nguyễn Xuân Tiệp cho biết: Ở giấy dó có những giá trị tinh túy đặc biệt mà để tìm thấy, người nghệ sĩ cần phải trải nghiệm những thử thách trong quá trình hoàn thiện kỹ thuật, mỹ cảm và quan niệm nghệ thuật. Đó là những hành trình cá nhân dài với những nỗ lực tìm tòi và sáng tạo không ngừng... Các họa sĩ tham dự triển lãm lần này đã tìm thấy ở giấy dó sự đồng cảm, một công cụ đồng cảm tâm đắc và quý báu. Theo tôi, ở giấy dó, nếu họa sĩ nào yêu chất liệu này có thể khám phá, làm được những gì mà trong tâm thức mình mong muốn bởi trong giấy dó có tâm hồn của người Việt”...

Họa sĩ, nhà phê bình mỹ thuật Nguyễn Quân thì cho rằng: “Ở giấy dó có sự mộc mạc, đơn giản và đầm ấm, những cũng có thể rất sang trọng và đài các. Thông qua triển lãm này, người xem sẽ thấy ở giấy dó hoàn toàn không có sự giới hạn nào cả... Những đề tài, những tâm sự hay tư duy các ý tưởng dù mang tính truyền thống hay đương đại đều có thể tìm thấy sự thăng hoa...”.

“Hy vọng rằng với sự tham dự của những nghệ sĩ tên tuổi, trong đó có những người đã cống hiến một phần quan trọng trong sự nghiệp của mình cho nghệ thuật trên giấy dó cũng như đặt nền tảng lý luận mỹ thuật Việt, triển lãm sắp tới sẽ góp phần bảo tồn và thúc đẩy sự phát triển văn hóa truyền thống của người Việt” - đại diện nhà tổ chức Âu Cơ Gallery nhấn mạnh.

Mục Đồng

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm