Cuộc gặp gỡ đầu tiên và cuối cùng với Tế Hanh

11/08/2009 15:30 GMT+7 | Đọc - Xem

(TT&VH) - TT&VH số vừa qua đã đăng bài viết thật cảm động của con gái nhà thơ Tế Hanh về những ngày tháng cuối cùng của ông. Nhân đọc bài này, tôi bồi hồi nhớ lại cuộc gặp gỡ duy nhất với nhà thơ “Một đời phúc hậu” này cách đây đã 12 năm.

Làm xuất bản, nhưng tôi tham gia viết báo hơn chục năm, công việc ấy cho tôi nhiều cuộc gặp gỡ. Thú vị có, nhạt nhẽo có. Đáng quên có. Đáng nhớ cũng nhiều. Có cuộc gặp gỡ thoáng chốc công việc thôi vậy mà lại cho tôi thêm một người bạn. Lần gặp nhà thơ Tế Hanh trong một buổi sáng tháng 7 năm 1997 ấy, với tôi, là một kỷ niệm như thế.

 
Tôi đã xin phép Tế Hanh để chụp hình, nhưng không hiểu sao hôm đó, những bức hình tôi chụp đều bị mất nét. Có lẽ, đây là bức hình cuối cùng ông đứng bên khuôn cửa sổ trước khi bị liệt?
Bữa đó, tòa soạn yêu cầu gặp nhà thơ Tế Hanh - một gương mặt “còn sót lại của phong trào Thơ mới” - để làm bài phỏng vấn cho số tạp chí ra cuối tháng đã khiến tôi phấp phỏng. Sau khi đã tìm được địa chỉ và số điện thoại nhà riêng của ông, một sáng, tôi rụt rè gọi điện. Người nhấc máy là một phụ nữ. Tôi thưa muốn gặp nhà thơ Tế Hanh, bà nói tôi hãy chờ máy một chút. Một phút sau, có tiếng dép loẹt xoẹt, nhà thơ Tế Hanh cầm ống nghe. Khi đó, ông 76 tuổi, giọng yêu yếu. Tôi trình bày ý định của mình, Tế Hanh có vẻ lưỡng lự lắm. Ông bảo tôi dạo này sức khỏe cũng kém, mắt lại không nhìn rõ được gì. Nhưng rồi, chắc thấy tôi còn trẻ, ông “thương” mà gật đầu đồng ý chăng?

Sáng hôm sau, tôi đến số 10 - Nguyễn Thượng Hiền (Hà Nội). Căn phòng của gia đình ông ở tầng 2, cùng tầng với nhà văn Nguyễn Văn Bổng. Bao nhiêu câu hỏi đã chuẩn bị để hỏi ông, nhưng khi ngồi đối diện với ông trong căn phòng có kê tấm phản mỏng gần ô cửa sổ, tôi lại bị cuốn theo những câu chuyện nhỏ nhẹ ông kể. Tôi ngồi đối diện tác giả của bài thơ “Nhớ con sông quê hương” đã thuộc làu qua SGK, nhưng ông không nhìn rõ. Mắt ông chục năm nay chỉ một màu mờ mờ, đục đục.

Hỏi chuyện về những bài thơ đầu tay của một thời hết sức hồn nhiên ấy, ông kể: “Năm đó tôi 18 tuổi, không biết có nên gọi là mối tình đầu không? Bởi nó hồn nhiên lắm. Người con gái ấy ít hơn tôi 5 tuổi mà mỗi khi xa nhau tôi lại da diết nhớ nhưng khi gặp nhau cũng chỉ hỏi chuyện học hành. Và chính những lúc nhớ da diết ấy, tôi thường khỏa lấp bằng thơ. Chỉ trong thời gian ngắn, chừng 2 năm, tôi đã hoàn thành 29 bài thơ, tự đặt cho tập thơ ấy là “Nghẹn ngào”. Sau đó, được bạn bè truyền tay nhau đọc, và ai đó đã gửi ra cho nhóm Tự Lực Văn Đoàn. Đến cuối năm, thấy trong danh sách người đoạt giải có tên mình và tập thơ thì tôi mới giật mình...”. “Nghẹn ngào” đoạt giải có được in thành tập không thưa ông? - Tôi hỏi. Tế Hanh cười nhẹ: “Không. Mãi đến năm sau tôi chép lại theo trí nhớ, đồng thời có bổ sung một số bài viết trong 2 năm 1940, 1941 thành một tập khoảng 40 bài gửi ra cho nhà thơ Huy Cận. Tôi đặt đầu đề là “Từ nhớ đến thương”, sau đó đổi thành “Hoa niên”. Cho tới 1944, thì tập thơ mới được trình làng...”

Rồi ông nói với tôi rằng, căn phòng này đã gắn với ông suốt 40 năm rồi, nó chứng kiến biết bao kỷ niệm của ông. Và nơi đây, nhiều bài thơ cũng được ra đời. Ông yêu căn phòng này, và sẽ ở đây cho tới cuối đời chứ không chuyển đi nơi khác. Lát sau, ông lại đi ra phía bàn lần nữa, lấy tập thơ “Gửi miền Bắc” được NXB Đà Nẵng tái bản năm 1996 nhân kỷ niệm 20 năm ngày đất nước thống nhất. Tập thơ dày 68 trang, với 26 bài thơ. Tế Hanh run run cầm cây bút, ông đề tặng tôi. Ông viết theo bản năng của một người đã quá quen với trang sách. Nhưng vì mắt không nhìn rõ, những nét chữ run rẩy và chồng đè lên nhau...

12 năm sau kể từ lần gặp gỡ ấy cho tới lúc viết những dòng chữ nhớ ông này, tôi vẫn còn giữ tập thơ ông tặng như một vật kỷ niệm với người thơ của phong trào Thơ Mới. Hôm nay, khi sắp tròn 30 ngày ông mãi mãi về suối vàng cùng bao bạn văn bạn thơ của mình thì với tôi, cuộc gặp gỡ buổi sáng chớm thu năm 1997 ấy vẫn vô cùng ý nghĩa.

Ai đó đã nói: “Không ai tắm hai lần trên một dòng sông”. Tôi muốn nói: Không có cuộc gặp gỡ nào giống cuộc gặp gỡ nào. Vậy thì, tại sao chúng ta lại thờ ơ với những cuộc chuyện trò ở ngày ta đang sống?
 
Hoàng Thu Phố

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm