Công bố bản dịch ký tự chữ Chăm Pa cổ trên bia đá tại huyện Đắk Pơ, Gia Lai

04/10/2019 21:40 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Ngày 4/10, UBND huyện Đắk Pơ (Gia Lai) tổ chức buổi họp báo Công bố nội dung bản dịch bia đá Chăm Pa cổ có niên đại 1438/1439 của thế kỷ XV.

Phát hiện di tích Chăm Pa có niên đại từ thế kỷ thứ IV

Phát hiện di tích Chăm Pa có niên đại từ thế kỷ thứ IV

Ngày 11/7, trao đổi với phóng viên TTXVN, ông Lê Thế Vịnh, Giám đốc Bảo tàng tỉnh Phú Yên cho biết: Các nhà khảo cổ học Viện Khảo cổ Việt Nam đã phát hiện nhiều cổ vật quý và dấu ấn công trình kiến trúc Chăm Pa có niên đại rất sớm từ thế kỷ thứ IV tại khu vực Đồng Miễu (thị trấn Phú Hòa, huyện Phú Hòa, tỉnh Phú Yên).

Theo đánh giá của Giáo sư, Tiến sĩ, Nhà giáo nhân dân Nguyễn Quang Ngọc, Phó Chủ tịch Hội khảo cổ học Việt Nam, bia đá cổ Chăm Pa được phát hiện tại thôn Tư Lương cho thấy có dấu tích của người Chăm Pa thượng ở Tây Nguyên trước khi vua Lê Thánh Tông tiến hành cuộc chiến giữa Đại Việt và Chiêm Thành năm 1471.

Bia đá có 2 mặt là loại đá granit, chiều cao khoảng 220 cm, rộng 180 cm và dày 140 cm. Mặt chính của bia đá có khắc 8 dòng chữ, mặt còn lại khắc 3 dòng chữ, kiểu chữ của người Chăm Pa cổ.

Chú thích ảnh
Bản ký tự trên bia đá cổ   Ảnh: Nguyễn Quang Tuệ

Nội dung các ký tự khắc trên bia đá Chăm Pa đã được Giáo sư Arlo Griffiths (Viện Viễn Đông Bác cổ Pháp) dịch từ tiếng Chăm Pa cổ sang tiếng Anh. Sau đó, ông Nguyễn Quang Tuệ, Trưởng phòng Quản lý Di sản văn hóa, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Gia Lai dịch từ tiếng Anh sang tiếng Việt. Qua gần 600 năm tồn tại, có ký tự bị phai mờ nên bản dịch không toàn vẹn, khoảng 80% nội dung của ký tự được dịch ra.

Nội dung bản dịch như sau :

“Ngợi ca! Đã từng có một chúa tể tối cao của các vị vua, con trai hoàng thượng Jayasinhavarma thuộc dòng dõi Vrsu, quý tộc của thành phố hoàng gia Nauk Glaun Vijaya. Khi ông tuyên bố chủ quyền, Đại Việt và Campuchia công khai tấn công, muốn gây hấn trở lại.

Vào (năm) ba mươi hai (thuộc triều đại của ông), ông được tôn phong là (tên) Indravarman, cai quản nhiều lãnh địa khác nhau, nhờ ân điển của ông đã có một hoàng tử đã đăng quang, xây dựng (cung điện của vị này gọi là) Samrddhipuri.

Trong năm con hổ, ông ta lập Mandi Vanan, dựng những nhà chữ trên nhiều con đường khác nhau, đắp đập trên dãy Hayãv, thành lập kinh đô."

 Tiếp đến là đoạn văn bản mờ không rõ , trong đó có nội dung: "Ông ta sắp đặt các thứ bậc khác nhau (của xã hội) trở lại trật tự một lần nữa. Ông ta thanh tẩy mình ở cửa (sông) Air Lanuv. Vào (năm) ba mươi tám (đã xây dựng) nhà chữ của văn khắc đá này tại mvanna của nhà vua. [Đó là năm Saka] 1360”.

Trước đó, khoảng cuối tháng 5/2010, chính quyền huyện Đắk Pơ nhận được tin báo của người dân về việc phát hiện một bia đá với những ký tự lạ tại thôn Tư Lương, xã Tân An. Lúc đó, bia đá nằm ở khu vực rẫy của người dân, được bao phủ trong bụi cây rậm rạp.

Ông Nguyễn Thanh Hiền, Phó Trưởng phòng phụ trách Phòng Văn hóa, Thông tin huyện Đắk Pơ cho biết: Sau khi nhận được tin có bia đá khắc nhiều ký tự lạ, Phòng đã báo cáo sự việc lên cấp trên. Tỉnh Gia Lai đã cử ông Nguyễn Quang Tuệ, Trưởng phòng Quản lý Di sản văn hóa, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Gia Lai trực tiếp xuống địa phương tìm hiểu về bia đá. Ông Tuệ cũng chính là người đóng góp nhiều nhất trong công tác liên hệ các nhà nghiên cứu văn hóa nước ngoài để giải mã, dịch thuật những dòng chữ Chăm Pa cổ này. 

Sau nhiều năm liên hệ, đến tháng 1/2018, đại diện Viện Viễn Đông Bác cổ Pháp tại Hà Nội đã cử 2 chuyên gia từ Pháp và Campuchia (Giáo sư Arlo Griffiths và bà Khom-Sreymom) sang giúp huyện Đắk Pơ tiến hành các công đoạn dập, đọc, dịch nội dung bia đá. Công tác này được tiến hành từ ngày 26-30/1/2018.

Khi rời Việt Nam, Giáo sư Arlo Griffiths đã gửi tặng 2 bản dập bia đá Chăm Pa để lưu trữ tại Bảo tàng tỉnh Gia Lai và Nhà truyền thống huyện Đắk Pơ, 1 bản dập được Giáo sư Arlo Griffiths gửi đến Paris để lưu trữ trong thư viện của EFEO (Viện Viễn Đông Bác cổ, là một Trung tâm nghiên cứu của Pháp về Đông phương học, chủ yếu trên thực địa).

Ông Nguyễn Trọng Thủy, Phó Chủ tịch UBND huyện Đăk Pơ cho biết: Thời gian tới, UBND huyện sẽ mời các chuyên gia về xử lý để tránh bia đá bị phong hóa, nứt vỡ do ảnh hưởng của điều kiện tự nhiên. Để phục vụ công tác nghiên cứu, phát triển du lịch, UBND huyện chỉ đạo các cơ quan chuyên môn làm hệ thống bảng chỉ dẫn, cơ sở hạ tầng giao thông đến bia đá và đưa vào kế hoạch đề nghị cấp có thẩm quyền xếp hạng di tích./.

Hồng Điệp

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm