Con trai tác giả Dạ cổ hoài lang đột ngột qua đời

21/10/2009 13:00 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH) - Giới nghệ sĩ TP.HCM không khỏi bất ngờ khi hay tin ông Cao Văn Bỉnh, con trai cố nhạc sĩ Cao Văn Lầu - tác giả bản Dạ cổ hoài lang, tiền thân bản vọng cổ, bài ca vua của sân khấu cải lương - đã đột ngột qua đời vì bệnh tim.

Ông Cao Văn Bỉnh là cán bộ lão thành quản lý ngành sân khấu đã có nhiều đóng góp cho sân khấu cải lương TP.HCM. Ông là một người lính làm sân khấu.


Ông Cao Văn Bỉnh vẫn còn rất khỏe mạnh tại hội thảo 90 năm bản Dạ cổ hoài lang được tổ chức tại Trường Cao đẳng Sân khấu - Điện ảnh TP.HCM ngày 29/7
Nhắc tới ông Cao Văn Bỉnh, những người gắn bó lâu năm, đã chứng kiến nhiều sự thăng trầm của sân khấu cải lương, như soạn giả - nhà thơ, nhà báo Kiên Giang, ký giả kịch trường, cán bộ Ban Ái hữu nghệ sĩ TP.HCM Tần Nguyên... không khỏi bùi ngùi xúc động vì: “Ông Sáu Bỉnh là người đã góp công rất lớn cho việc phát triển đời sống sân khấu cải lương chuyên nghiệp sau ngày giải phóng”. Cố nhạc sĩ tài hoa Cao Văn Lầu có 7 người con, ông Cao Văn Bỉnh là con thứ sáu, thế nhưng thật ngạc nhiên là không ai trong số các con của ông theo nghiệp cha mà lại dấn thân hoạt động cách mạng từ rất sớm. 16 tuổi, ông Cao Văn Bỉnh vào bộ đội tại Bạc Liêu rồi gia nhập hải quân, tập kết ra Bắc. Ông trở thành Bí thư Đảng ủy của đoàn tàu không số vận chuyển vũ khí từ Bắc vào Nam trên “đường mòn Hồ Chí Minh trên biển”.


Sau ngày giải phóng, ông về Sài Gòn công tác. Và cũng thật bất ngờ khi ông, một người lính hải quân, lại được điều về đảm nhận chức vụ Trưởng ty Sân khấu TP.HCM (sau này đổi lại là Phòng Nghệ thuật Sân khấu). Có lẽ lý do duy nhất để giải thích vì ông là con trai của nhạc sĩ Cao Văn Lầu. Và dòng máu nghệ thuật đã chảy sẵn trong người ông nên dù không hành nghề, không là nghệ sĩ biểu diễn nhưng ông lại rất am tường về cổ nhạc và hiểu tâm lý giới nghệ sĩ.

Khi nhận công tác, hiểu được hạn chế về mặt chuyên môn của mình, ông chủ động tìm đến giới nghệ sĩ để tìm hiểu, học hỏi. “Ông Sáu Bỉnh là một trong số những cán bộ lãnh đạo chịu khó “lê la” đến các đoàn hát, chịu khó gần gũi, nghe và hiểu giới nghệ sĩ. Ông đã tạo được không khí thân mật giữa nghệ sĩ với các cấp lãnh đạo, một điều không hề dễ trong tình hình phức tạp sau ngày giải phóng. Và có thể nói chính ông Sáu Bỉnh là cầu nối để giới nghệ sĩ Sài Gòn hiểu và yêu cách mạng”, ông Tần Nguyên khẳng định.

Sân khấu cải lương miền Nam đã có những chuyển biến mạnh mẽ dưới sự đóng góp của ông Cao Văn Bỉnh. “Giới nghệ sĩ chúng tôi càng không thể quên ơn ông Sáu Bỉnh khi chính ông đã vận động để đoàn hát nào cũng có một “hậu cứ”, một trụ sở hoạt động chứ không phải là kiếp cầm ca lênh đênh, rày đây mai đó nữa. Nhiều nghệ sĩ có hoàn cảnh khó khăn cũng nhờ ông giúp đỡ mà có nhà ở. Rất nhiều lần ông đã bỏ tiền túi ra để giúp đỡ anh em nghệ sĩ. Bản thân tôi thì không thể nào quên được chuyện ông Sáu Bỉnh đã đem quần áo của mình đến giúp khi tôi bị trộm hết đồ đạc...”, nhà thơ Kiên Giang bồi hồi nhớ lại.

   1h sáng ngày 20/10, ông Cao Văn Bỉnh (sinh năm 1931), con trai cố nhạc sĩ Cao Văn Lầu, đã đột ngột qua đời vì bệnh tim, thọ 78 tuổi. Lễ nhập quan diễn ra vào lúc 12h ngày 20/10. Linh cữu được quàn tại Nhà tang lễ TP.HCM (25 Lê Quý Đôn, Q.3, TP.HCM). Lễ truy điệu sẽ diễn ra vào 7h30 ngày 22/10. An táng tại nghĩa trang Chính sách TP.HCM (Củ Chi).


Ninh Lộc

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm